Quân đội Mỹ và Hàn Quốc năm 1974 phát hiện một đường hầm lớn, đào sâu một km vào phía nam Khu Phi Quân sự (DMZ) giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Đường hầm này rộng đến mức đủ cho khoảng 2000 quân di chuyển qua khu DMZ vào lãnh thổ Hàn Quốc trong một giờ. Một sĩ quan Mỹ và một hạ sĩ Hàn Quốc đã thiệt mạng vì dính bẫy mìn khi kiểm tra đường hầm này.
Đây chỉ là một phần trong hệ thống công trình ngầm khổng lồ mà Triều Tiên đã xây dựng để đề phòng trường hợp nổ ra chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc, theo National Interest.
Qua khai thác một lính Triều Tiên đào ngũ, Mỹ và Hàn Quốc phát hiện một đường hầm khác dài hơn 1,5 km và rộng hơn 2 mét vào năm 1978. Kể từ thời điểm đó, ít nhất 4 đường hầm đã được khám phá, với những tấm bê tông gia cố, hệ thống điện chiếu sáng, thông khí và các đường ray để đưa đất đá ra ngoài.
Theo các chuyên gia, 4 đường hầm này giúp Triều Tiên có khả năng bí mật triển khai số quân tương đương một lữ đoàn xâm nhập vào Hàn Quốc chỉ trong vòng một giờ.
Theo một báo cáo của quân đội Mỹ, cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành từng ra lệnh mỗi đơn vị trong 10 sư đoàn chiến đấu ở biên giới phải đào hai đường ngầm. Như vậy, về lý thuyết, quân đội Triều Tiên đã đào ít nhất 20 đường hầm xuyên qua biên giới vào lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có nhiều đường hầm vẫn chưa bị phát hiện.
Bên trong đường hầm bên dưới DMZ
Tướng Hàn Quốc về hưu Han Sung-chu cho rằng Triều Tiên đã đào ít nhất 84 đường hầm, trong đó một vài đường hầm đã vươn tới tận thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nằm cách biên giới khoảng 64 km.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc không tin rằng những con số mà tướng Han đưa ra là chính xác. Một đường ngầm vươn tới Seoul sẽ thải ra khoảng 700.000 tấn đất đá, nhưng vệ tinh Hàn Quốc chưa từng phát hiện những đống đất đá lớn như vậy. Đường hầm lớn cuối cùng được phát hiện vào năm 1990 và Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên không còn đào các đường hầm xuyên biên giới nữa.
Thay vào đó, Triều Tiên có thể đã xây dựng hệ thống các công trình ngầm để phục vụ nhiều chức năng khác nhau.
Lực lượng không quân Triều Tiên được cho là có ba căn cứ không quân ngầm tại Wonsan, Jangjin và Onchun. Căn cứ ngầm tại Wonsan có thể bao gồm một tuyến đường sắt dài gần 1,8 km, rộng gần 30 m, chạy xuyên qua một ngọn núi.
Một người Triều Tiên đào tẩu nói rằng trong thời chiến, các tiêm kích Mig-29 và cường kích Su-25 Triều Tiên cất cánh tại các căn cứ thông thường sẽ trở về hạ cánh tại căn cứ dưới lòng đất.
Một dạng công trình ngầm khác là những hầm trú ẩn được xây dựng gần DMZ. Lính đào ngũ Triều Tiên cũng tiết lộ rằng, năm 2004, Bình Nhưỡng bắt đầu xây dựng các hầm ngầm có khả năng chứa 1.500-2.000 quân ở gần biên giới. Ít nhất khoảng 800 hầm ngầm đã được xây dựng để che giấu các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ và là nơi đóng quân khi chiến tranh xảy ra.
Ngoài ra, theo tạp chí quân sự Hàn Quốc, Mỹ tin rằng có khoảng 6.000-8.000 hầm trú ẩn dành cho lãnh đạo cấp cao nằm rải rác khắp đất nước Triều Tiên.
Triều Tiên cũng được cho là có hàng trăm hang động chứa các đơn vị pháo binh nằm ở phía bắc khu phi quân sự. Một đơn vị pháo binh như pháo Koksan 170 mm hay hệ thống hỏa lực đa năng 240 mm có thể khai hỏa từ cửa những hang động này và sau đó rút vào sâu phía trong để nạp đạn. Những trận địa pháo này có thể dội nửa triệu quả đạn xuống thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong vòng một giờ nếu chiến tranh nổ ra.
Theo các chuyên gia quân sự, Mỹ và Hàn Quốc khó có thể phát hiện vị trí những công trình ngầm này bằng vệ tinh do thám. Bởi vậy, nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên vẫn sở hữu những yếu tố có thể khiến Mỹ - Hàn bất ngờ, dù họ đã có sự chuẩn bị trước.
Nguyễn Hoàng