Ngày 4/4, tại Trung tâm Dữ liệu giao thông đường bộ (Tổng cục Đường bộ), cán bộ đang tích hợp và xử lý dữ liệu tại một số trạm thu phí chuyển về. Trên màn hình lớn hiển thị bản đồ với hàng chục trạm thu phí được kết nối với máy chủ, cho biết trạm đang hoạt động, trạm chưa kết nối, biểu đồ doanh thu và lưu lượng xe qua trạm trong ngày, hoặc trong 6 tháng gần nhất.
Mỗi trạm thu phí BOT đang có hai đơn vị kiểm soát hoạt động là chủ đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng BOO. Hệ thống thu phí không dừng giúp phương tiện di chuyển nhanh chóng qua làn không dừng và kiểm soát lưu lượng xe ra vào làn này, song không thể biết doanh thu, xe tại làn hỗn hợp. Để chống gian lận, hệ thống giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiểm soát toàn bộ ôtô qua các làn xe không dừng và một dừng, hỗn hợp.
Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó vụ trưởng Khoa học công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ), giải thích hệ thống giám sát của Tổng cục Đường bộ kết nối đường truyền riêng tới từng trạm thu phí. Khi xe qua trạm, chỉ sau 3 giây, hệ thống tự động truyền dữ liệu biển số xe, loại xe, loại vé, xe qua làn nào, mã vé, thời gian xe qua và hình ảnh xe.
Từ đó, hệ thống tính toán chính xác lưu lượng xe, doanh thu, số liệu được tổng hợp và báo cáo hàng giờ, hàng ngày, giúp Tổng cục Đường bộ nắm bắt tình hình thu phí nhanh chóng thay vì tổng hợp hàng tháng, hàng năm như hiện tại. Hệ thống được bảo mật và an toàn dữ liệu để nhà đầu tư yên tâm.
Ngoài ra, hệ thống còn tra soát nhiều nghi vấn như xe quay vòng vé, xe trong diện ưu tiên qua trạm hay không, nhân viên bán sai mệnh giá vé, xe dùng thẻ E-tag sai so với đăng ký, hoặc có sự thay đổi đột ngột về lưu lượng xe... Tất cả dữ liệu sẽ được thống kê, cán bộ giám sát sẽ đưa dữ liệu cho nhà đầu tư BOT để tra soát và báo cáo lại Tổng cục Đường bộ. Trước đây, việc tổng hợp dữ liệu phải theo tháng và trông chờ nhà đầu tư BOT báo cáo.
Theo ông Thanh, hiện hệ thống mới tích hợp 3 trạm thu phí, kế hoạch đến tháng 7 được toàn bộ 66 trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và triển khai giám sát cuối năm 2019. Sau đó, tất cả trạm mới đi vào hoạt động và trạm do địa phương quản lý cũng sẽ được kết nối với hệ thống này. Mỗi trạm sẽ có thời gian tích hợp, tra soát dữ liệu thử nghiệm trên hệ thống trước khi được giám sát chính thức.
Hệ thống giám sát thu phí trên toàn quốc có tổng mức đầu tư 12,8 tỷ đồng từ vốn ngân sách, trong đó chi phí đầu tư phần mềm là 6,7 tỷ đồng. Khi vận hành, trung tâm sẽ có 6-7 nhân viên phân tích dữ liệu toàn bộ trạm thu phí hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, hệ thống sẽ cung cấp chính xác dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước như giao thông, công an, thuế. Ngoài ra, Tổng cục sẽ thông tin qua tin nhắn điện thoại cho người dân về doanh thu, lưu lượng xe tại một số trạm trọng điểm để người dân biết và giám sát. Nếu người dân, doanh nghiệp còn băn khoăn về số lượng xe qua trạm có thể đến Tổng cục Đường bộ để theo dõi trên hệ thống.
Theo ông Huyện, đơn vị thường xuyên giám sát thu phí tại các trạm song chưa đầy đủ, kịp thời. Các trạm thu phí hiện đã thực hiện tốt việc lưu trữ thông tin, hình ảnh 1-5 theo quy định, chỉ có một số sai sót như thông tin cập nhật chưa đủ tại bảng điện tử. Hệ thống mới giúp các cơ quan quản lý thêm một lần giám sát, giúp người dân sẽ bỏ được nghi ngờ về gian lận tại dự án BOT.
"100% xe đi qua trạm được truyền dữ liệu về hệ thống nên chúng tôi đảm bảo giám sát thu phí minh bạch, kịp thời", ông Huyện khẳng định.
Đề cập sự hợp tác của nhà đầu tư BOT khi triển khai hệ thống giám sát, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, doanh nghiệp đều ủng hộ vì có thêm công cụ hỗ trợ kiểm soát thu phí.