Ngày 12/11, Venice, Chioggia và các đảo xung quanh tại phá Venice (vịnh kín nằm bên biển Adriatic, nơi thành phố Venice tọa lạc) hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ, nước dâng hơn 1,8 m.
Hệ thống cửa chắn mà Ferro đề xuất đã được thử nghiệm nhưng chưa đi vào hoạt động. Nó vẫn ở yên dưới đáy biển khi khoảng 80% Venice ngập trong nước, gây thiệt hại ước tính một tỷ EUR (1,11 tỷ USD). Nước lợ tràn vào hầm mộ của nhà thờ Thánh Mark từ thời thế kỷ 12.
"Tôi cảm thấy cay đắng và thất vọng. Đó là việc rủi ro nhưng đáng để thử", Ferro nói. "Nếu nó hoạt động thì chúng tôi sẽ được khô ráo".
Lý do hệ thống không được sử dụng là một câu chuyện về tham nhũng, quan liêu và sự mất lòng tin của công chúng.
Italy bắt đầu nỗ lực bảo vệ Venice sau năm 1966, khi thành phố phải hứng chịu một trong những trận lụt tồi tệ nhất lịch sử. Đến thập niên 1980, chính quyền trung ương và địa phương nhất trí một giải pháp: xây dựng hệ thống cửa chắn lũ có thể nâng lên, hạ xuống tại ba lối thông với biển Adriatic của phá Venice.
Cửa chắn lũ sẽ nằm dưới biển khi không được sử dụng để tránh khiến cấu trúc ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan. Chúng được nâng lên khi có triều cường. Hệ thống này được gọi là MOSE (Module điện cơ thí nghiệm), tương tự tên của Moses, nhà tiên tri rẽ Biển Đỏ để cứu dân chúng theo Kinh Thánh.
Venice không cần một phép màu. Rotterdam, London và các thành phố khác đã lắp đặt thành công hệ thống cửa chắn có thể thu lại tại các cửa sông.
Năm 2003 công trình mới bắt đầu được thi công vì thiết kế cần được hơn một chục cơ quan công cộng, hội đồng chuyên gia và tòa án phê duyệt. Chính phủ phân bổ ngân sách 1,7 tỷ EUR cho dự án, một tập đoàn tư nhân thi công với mục tiêu hoàn thành vào năm 2012.
Nhưng nhiều vấn đề nảy sinh đã làm chậm tiến độ. Năm 2014, một bê bối tham nhũng buộc chính phủ phải kiểm soát dự án khi nó đã hoàn thành 80%. Năm 2015, bản lề để nâng lên hạ xuống cửa bắt đầu có dấu hiệu rỉ sét. Các kỹ sư đã nhận thấy vấn đề của kim loại từ rất sớm, nhưng do quá trình phê duyệt quan liêu, việc nhanh chóng chuyển sang vật liệu khác là điều không thể. Hệ thống máy hút ẩm lẽ ra phải được cài đặt cũng chưa được triển khai.
MOSE hiện hoàn thành khoảng 93% và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. Chi phí đã đội lên 5,5 tỷ EUR.
Ngày 12/11, triều cường ở Venice dâng lên 187 cm, mức cao nhất kể từ năm 1966 và vượt xa dự báo chính thức được đưa ra chỉ vài giờ trước đó. Gió mạnh đã đẩy nhiều nước từ biển vào phá hơn dự đoán.
Chủ cửa hàng và cư dân dùng ván bịt cửa tầng trệt và cửa sổ. Một số người viết chữ MOSE lên những "đập" tự chế ở nhà họ để mỉa mai. Nước còn rỉ vào các tòa nhà thông qua nhà vệ sinh, bồn rửa và ống dẫn điện. Mùi hôi thối của nước thải tràn ngập những con hẻm phong cách gothic của Venice và lâu đài thời Phục hưng.
Andrea Sandi, đồng sở hữu của nhà hàng bên bờ kênh Paradiso Perduto cố gắng cứu đồ đạc. Trong bếp, máy rửa chén, tủ lạnh và nồi chiên ngập trong biển nước dâng đến đùi ông. "Nếu chúng tôi có một con đập hiệu quả thì nó sẽ cứu chúng tôi", Sandi nói. Ông ước tính lũ lụt khiến nhà hàng thiệt hại 50.000 EUR.
Giống như nhiều người Venice, ông Sandi nghi ngờ về sự hiệu quả của MOSE. "Tôi nghĩ MOSE là dự án không tưởng. Cách sử dụng duy nhất của nó là giúp quan tham béo bở", ông nói. "Chúng ta muốn đập có thể 'lặn' xuống dưới nước. Như vậy thì cảnh quan sẽ đẹp hơn, nhưng liệu nó có hữu dụng không?".
MOSE gồm 78 cổng cơ động, mỗi cổng nặng 330 tấn. Các cổng này chứa đầy nước khi không sử dụng. Khi có triều cường, khí nén được bơm để đẩy nước ra, các cánh cổng nâng lên cho đến khi chúng vượt lên trên mặt nước và quay mặt về phía biển Adriatic.
Những người ủng hộ MOSE nói tính cơ động là điểm sáng tạo của công trình và những rắc rối trong quá trình xây dựng là điều bình thường đối với một dự án lớn và phức tạp như vậy. "Với những thử nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện, không có dấu hiệu nào cho thấy MOSE sẽ không hữu dụng", Alessandro Soru, người quản lý dự án MOSE, nói.
Tuy nhiên, kỹ sư thủy lực Luigi D'Alpaos, người đã dành nhiều năm nghiên cứu cách bảo vệ Venice, cho rằng việc thiết lập hệ thống nâng lên hạ xuống là mấu chốt làm dự án thất bại. "Chi phí vận hành và bảo trì sẽ rất lớn", D'Alpaos nói. "Tuy nhiên, giờ chúng ta không thể quay đầu được nữa, vì thế dự án cần được hoàn thành".
Vài ngày trước trận lụt ngày 12/11, Thị trưởng Ferro lo lắng khi thấy dự báo thủy triều bất thường. Ông muốn triển khai hệ thống cửa chắn nhưng ông không biết cần gọi cho ai vì không rõ ai là người chịu trách nhiệm. Chính phủ Italy chưa quyết định bên nào sẽ vận hành hệ thống.
Các kỹ sư nói rằng hệ thống chưa sẵn sàng. Một số máy bơm khí nén chưa được lắp. Các thử nghiệm trước đây thành công nhưng họ mới chỉ nâng số lượng cổng hạn chế. MOSE chưa bao giờ được thử nghiệm khi triều cường. Các kỹ sư cảnh báo việc triển khai cửa chắn khi chưa hoàn thiện có thể gây ngập các đường hầm dưới biển, làm hỏng hệ thống và đe dọa tính mạng công nhân.
Hệ thống được thiết kế để chặn thủy triều lên tới 300 cm. Nếu các cửa chắn được nâng lên và hoạt động đúng như dự tính, Venice sẽ khô ráo. Nhưng không rõ nó có thể che chở cho Venice trong bao lâu, vì nó được thiết kế dựa trên giả định mực nước biển sẽ tăng ít hơn so với dự báo hiện nay.
Dự án được thiết kế để tồn tại 100 năm với dự báo mực nước biển trung bình tăng 60 cm. Tuy nhiên, hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết mực nước biển có thể tăng lên tới 110 cm vào cuối thế kỷ này.
"Trong viễn cảnh tốt nhất, MOSE bảo vệ chúng ta được 100 năm, trường hợp xấu nhất thì 50 năm", Giovanni Cecconi, kỹ sư từng làm việc cho dự án, nói.
Đối với nhiều người Venice, nếu MOSE hữu dụng, nó sẽ có tác động đến quyết định họ đi hay ở. Dân số thành phố đã giảm liên tục trong nhiều thập kỷ, một phần do lũ lụt trở nên thường xuyên hơn. Từng có 171.000 người sống dọc theo các kênh đào, hiện chỉ còn 50.000 người.
"Tôi yêu thành phố của mình. Tôi không muốn rời đi trừ khi mọi thứ thực sự trở nên khó lường", Antonio Dantelli, cư dân sống 62 năm ở Venice, nói.
Vào một buổi sáng trời mưa gần đây, Dantelli đi đôi ủng cao su cao đến đùi, ra đường nhìn cảnh tượng thành phố vắng bóng khách du lịch. "Trước đây, nước hiếm khi dâng tới 140 cm. Bây giờ, nó dâng đến 180 cm. Chúng ta sẽ làm gì trong 10 năm nữa?".
Phương Vũ (Theo WSJ)