Hệ thống chính trị gồm 9 đảng ở Trung Quốc. Video: CGTN.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng một Trung Quốc tươi đẹp, cống hiến sức lực và trí tuệ để xây dựng xã hội thịnh vượng trên mọi lĩnh vực và giành thắng lợi mới cho chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc", Chen Zhu, chủ tịch đảng Dân chủ Công nông Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh năm 2013, theo NYTimes.
Chen là một trong những lãnh đạo của tám đảng chính trị đang hoạt động và được đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền thừa nhận ở nước này. Trong cuộc họp báo, lần lượt các chủ tịch đảng này đứng lên ca ngợi thành tựu kinh tế của đất nước, cam kết bảo vệ môi trường của các lãnh đạo và trên hết là sự hoàn hảo của chế độ một đảng cầm quyền.
Các đảng này gồm có Ủy ban Cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc (Dân Cách), Đồng minh Dân chủ Trung Quốc (Dân Minh), Hội Kiến quốc Dân chủ Trung Quốc (Dân Kiến), Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến), Đảng Dân chủ Nông công Trung Quốc (Nông Công đảng), Đảng Trí công Trung Quốc (Trí Công đảng), Học xã Cửu Tam và Đồng minh Tự trị Dân chủ Đài Loan (Đài Minh).
Theo đài CRI, phần lớn các đảng này được thành lập trong thời kỳ Trung Quốc kháng chiến chống Nhật và ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) trong cuộc chiến chống lại Quốc Dân đảng vào cuối thập niên 1940.
Các đảng dân chủ này là những tổ chức độc lập, có quyền tự do chính trị, quyền tự quyết về tổ chức và được công nhận địa vị pháp lý trong hiến pháp. Tám đảng này hợp tác với CPC theo nguyên tắc "cùng tồn tại lâu dài, giám sát lẫn nhau, đối xử chân thành với nhau và vinh nhục có nhau".
Cây bút Mu Chunshan của Diplomat cho biết khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, một hoặc hai đại diện của các đảng này được nắm các vị trí chủ chốt trong chính quyền và sở hữu quyền lực thực sự. Chẳng hạn như Shen Junru, chủ tịch đầu tiên của Tòa án Tối cao Trung Quốc, chính là chủ tịch đảng Dân Minh, một trong tám đảng dân chủ ở nước này.
Tuy nhiên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các đảng này chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Chỉ đến khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và tìm cách khôi phục truyền thống chấp nhận bị phê bình của đảng Cộng sản, các đảng này mới bắt đầu được coi trọng. Từ 170.000 thành viên vào giữa thập niên 1980, số lượng đảng viên của tám đảng này hiện nay đã lên tới hơn 840.000 người.
Lãnh đạo của tám đảng được tham gia Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, dù không còn nắm thực quyền như chủ tịch Tòa án Tối cao đầu tiên nữa. Dù vậy, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn thể hiện sự tôn trọng lớn cho các đảng này, được thể hiện bằng việc sẵn sàng thảo luận những vấn đề đại sự và tham vấn ý kiến của họ.
Về bản chất, tám đảng này không phải là các đảng đối lập với CPC mà ngược lại, họ có vai trò hợp tác, đưa ra những tiếng nói khác biệt, những đề xuất từ các khía cạnh khác của xã hội giúp đỡ CPC trong quá trình cầm quyền. Dù họ không thể đưa ứng viên của mình vào các vị trí trong chính phủ, các hoạt động của họ đều được CPC tài trợ kinh phí. Đây được coi là mô hình chính trị "độc nhất vô nhị" trên thế giới.
Một số người cho rằng sự tồn tại của các đảng này chỉ mang tính hình thức và họ không có vai trò gì trong xã hội cũng như đời sống chính trị Trung Quốc. "Họ chỉ là những đảng giả, được tạo ra nhằm đem lại cảm giác về lợi ích cho dân chúng", Jin Zhong, tổng biên tập tạp chí Open ở Hong Kong, tuyên bố. "Những người gia nhập các đảng này đều nuôi ảo tưởng rằng họ có thể tác động tới đảng Cộng sản".
Nhưng những nhận định như vậy lại bị chính lãnh đạo các đảng này phản đối. Họ cho rằng hệ thống chính trị như vậy hoạt động rất hiệu quả, cung cấp cho chính phủ những đề xuất cụ thể và lời khuyên xác đáng từ bên ngoài đảng Cộng sản.
Wan Exiang, chủ tịch đảng Dân Cách, cho rằng người dân Trung Quốc mong muốn sự phát triển và ổn định đã gắn liền với sự lãnh đạo một đảng. "Chúng tôi từng có hơn 300 đảng trong thời kỳ đầu của Trung Hoa Dân Quốc và kết quả là sự đấu đá giữa các đảng phái chính trị và lãnh chúa, dẫn đến tình trạng chia rẽ quốc gia", Wan nói. "Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được thành công về kinh tế như hôm nay nếu vẫn giữ hệ thống chính trị đó".
Các đảng này cũng có những hoạt động tích cực của mình. Họ quyên tiền để trao học bổng cho sinh viên, nghiên cứu các vấn đề xã hội và ban hành những báo cáo chi tiết để trình lên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, chẳng hạn như đề xuất bảo tồn di tích lịch sử chiến tranh ở Trùng Khánh hay lời kêu gọi cải thiện dịch vụ nhãn khoa cho người dân ở khu vực phía tây Trung Quốc.
Zhou Zhongxiao, 30 tuổi, điều hành một website hẹn hò trực tuyến ở Bắc Kinh, cho biết việc gia nhập đảng Dân Minh đã giúp anh quảng bá dự án bảo tồn các nghi thức kết hôn truyền thống của Trung Quốc. "Hoạt động hữu ích của chúng tôi là giúp đỡ đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước", Zhou nói. "Một đảng chính trị không nhất thiết cứ phải luôn tìm kiếm quyền lực".
Việc gia nhập các đảng này cũng không dễ dàng. Thành viên có cảm tình phải được ít nhất hai đảng viên giới thiệu, nhưng quan trọng nhất là họ phải thuộc tầng lớp trí thức hoặc giới doanh nhân Trung Quốc. Khi trở thành đảng viên các đảng này, họ sẽ có cơ hội thăng tiến đáng kể trong sự nghiệp, thậm chí có thể tham gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân ở Bắc Kinh, theo Joseph Cheng, nhà khoa học chính trị tại Đại học Thành phố Hong Kong.
Một người bạn của Mu Chunshan cho biết trong công ty của anh này, thành viên của một đảng dân chủ sẽ được ưu tiên đề bạt chỉ ngay sau đảng viên đảng Cộng sản. Công ty quy định phải có một tỷ lệ nhất định đảng viên đảng dân chủ trong ban lãnh đạo, đồng nghĩa với việc anh sẽ có cơ hội cao hơn để vào được vị trí này, khi tất cả các chức vụ khác đều đã thuộc về đảng viên đảng Cộng sản.
Wang Tongchun, doanh nhân ở Giang Tô, cho biết anh được kết nạp vào đảng Dân Kiến với mức đảng phí 16 USD một năm, "đổi lại nó giúp bạn có địa vị xã hội và cảm giác mình thuộc về một cái gì đó".
Trí Dũng