Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay sẽ chủ trì lễ ký kết sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Kherson, Zaporizhzhia ở miền nam và Donetsk, Lugansk ở miền đông. Động thái này được tiến hành sau các cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền thân Nga tổ chức, vốn bị Ukraine và phương Tây chỉ trích là "dàn dựng" và "bầu cử giả".
Với nước đi này, Nga sẽ giành hơn 90.000 km2 lãnh thổ, tương đương 15% diện tích Ukraine với dân số khoảng 4 triệu người. Đây được coi là cuộc sáp nhập lãnh thổ lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.
Liên Hợp Quốc hôm 27/9 kết luận các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 vùng do Nga kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine là "bất hợp pháp". Tổng thư ký LHQ Antonio Gueterres ngày 29/9 tuyên bố kế hoạch sáp nhập lãnh thổ thuộc Ukraine vào Nga là hành động "không bao giờ phù hợp với mọi khung pháp lý quốc tế" và đi ngược mọi giá trị của cộng đồng quốc tế.
Ông Guterres cảnh báo mọi hành động sáp nhập lãnh thổ bằng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đều vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế", cảnh báo Nga đang "leo thang nguy hiểm" với kế hoạch này.
Bất chấp sự phản đối của LHQ cũng như Ukraine và các đồng minh phương Tây, Nga vẫn quyết thực hiện kế hoạch sáp nhập, điều có thể khiến nước này đối mặt với hệ quả lớn hơn.
Giới quan sát cho rằng hành động này nhiều khả năng sẽ khiến cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây trở nên quyết liệt hơn, trong khi sự ủng hộ với Moskva có thể giảm sút.
Ngay cả những đồng minh gần gũi nhất với Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan và Serbia đều phát tín hiệu rằng họ sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý của 4 vùng Ukraine cũng như bất kỳ nỗ lực sáp nhập nào.
Trung Quốc hồi đầu tuần kêu gọi các bên tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ" của các quốc gia. "Mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ cần được tuân thủ, các mối quan ngại an ninh hợp pháp của tất cả các nước cần được xem xét nghiêm túc và mọi nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình cần được ủng hộ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.
Đại hội đồng LHQ nhiều khả năng sẽ tổ chức bỏ phiếu về một nghị quyết phản đối các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập lãnh thổ của Nga. "Các nước phương Tây đang tự tin rằng sẽ có nhiều bên ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine tại Đại hội đồng", Richard Gowen, chuyên gia tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói.
Dù cộng đồng quốc tế gần như đồng loạt bác bỏ kế hoạch của Nga, quyết định sáp nhập 4 vùng lãnh thổ vẫn sẽ tạo ra những thay đổi "thực tế trên thực địa" và có thể làm sụp đổ mọi cơ hội đàm phán với Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố nếu Điện Kremlin vẫn thúc đẩy kế hoạch, mọi triển vọng đàm phán giữa hai nước sẽ không còn.
Điều này có nguy cơ khiến tình thế đối đầu giữa Nga với Ukraine và các đồng minh phương Tây của Kiev tăng lên một mức độ mới. Một khi cờ Nga được treo tại 4 vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập, Nga nhiều khả năng sẽ tăng cường mức độ bảo vệ "tương tự bất kỳ vùng đất nào khác thuộc Liên bang Nga", điều được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định hồi cuối tuần trước.
Theo Alexander Baunov, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, thông điệp mà Điện Kremlin muốn gửi tới phương Tây rất rõ ràng: "Bạn đã chọn đối đầu với chúng tôi ở Ukraine, giờ đây, hãy thử đối đầu với chúng tôi trên lãnh thổ Nga xem".
Phần thứ hai trong thông điệp đó, được nêu trong bài phát biểu của Tổng thống Putin hôm 21/9 khi ông ban bố lệnh động viên một phần, là Nga sẽ đáp trả cứng rắn bất kỳ cuộc tấn công nào vào khu vực được coi là lãnh thổ nước này, kể cả 4 vùng vừa được sáp nhập.
Điều này sẽ khiến Ukraine phải cân nhắc khi mở các đợt phản công mới vào 4 vùng lãnh thổ Nga sáp nhập, đặc biệt là bằng các loại vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ. Điện Kremlin khi đó có thể tuyên bố Ukraine đang "tấn công lãnh thổ" và Mỹ cũng như các đồng minh châu Âu đang hỗ trợ Kiev thực hiện điều này.
Tổng thống Putin năm 2020 ký sắc lệnh cập nhật học thuyết hạt nhân Nga, trong đó cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả "những hành động sử dụng vũ khí thông thường đe dọa tồn vong của nhà nước Nga".
Định nghĩa về mối đe dọa đó khá mơ hồ, nhưng vào tuần trước, ông Putin đã cảnh báo Nga có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại "vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau", để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ". Tuyên bố này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, kịch bản có thể khiến xung đột vượt tầm kiểm soát và trở thành một cuộc chiến hủy diệt.
Andranik Migranyan, giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moskva, cho rằng động thái sáp nhập lãnh thổ ở Ukraine, kết hợp với lệnh động viên một phần, cho thấy Nga đã quyết định cần thực hiện "các bước nghiêm túc và quyết đoán nhằm giành lại thế chủ động" sau khi chiến dịch phản công của Ukraine hồi đầu tháng đã đánh bật các lực lượng Nga khỏi khu vực đông bắc Kharkov.
"Tôi nghĩ quyết định của Tổng thống Putin là nhằm thay đổi đáng kể tình hình và đặt cả phương Tây lẫn Ukraine vào tình thế rất khó chịu", ông nói.
Theo Anatol Lieven, giám đốc Chương trình Á - Âu tại Viện Quincy, trụ sở ở Washington, Mỹ, ông Putin dường như muốn đặt Mỹ và các đồng minh phương Tây vào "thế đã rồi" ở Ukraine và buộc họ phải gây sức ép với Kiev để chấp nhận các điều kiện đàm phán do Nga đặt ra.
Nhưng các chuyên gia cho rằng Ukraine và phương Tây đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nao núng trước những động thái đe dọa của ông Putin.
Washington vừa công bố cung cấp một lô vũ khí công nghệ cao khác cho Kiev, trong đó bổ sung thêm cả pháo phản lực HIMARS, thứ vũ khí được cho là đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraine.
Quân đội Ukraine cũng tăng tốc chiến dịch phản công ở Donetsk mà không quan tâm đến nguy cơ khi tấn công các khu vực có thể được Moskva coi là lãnh thổ của mình. Lực lượng Nga ở thành phố Lyman thuộc tỉnh Donetsk đang trên đà bị bao vây và có nguy cơ hứng chịu thất bại tại đây.
Nếu quân Nga buộc phải rút khỏi Lyman, vùng lãnh thổ ở trung tâm Donbass, nơi sắp được sáp nhập vào Nga, đây sẽ là một phép thử sớm đối với "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Putin vạch ra trong nỗ lực sáp nhập lãnh thổ.
"Khi cuộc chiến kéo dài, sự ủng hộ với Ukraine trên trường quốc tế có dấu hiệu suy giảm, nhưng động thái sáp nhập của Nga lại khiến làn sóng ủng hộ đó trỗi dậy", chuyên gia Gowen nhận định. "Nga dường như đã phạm sai lầm ngoại giao nghiêm trọng với động thái này".
Vũ Hoàng (theo Al Jazeera, CNN)