Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo nguồn cung khí đốt qua ngả Ukraine sang châu Âu đã dừng từ 8h ngày 1/1, sau khi công ty dầu khí quốc doanh Ukraine Naftogaz từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển. Thỏa thuận này được Nga và Ukraine ký vào năm 2019, cho phép Moskva chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống trên lãnh thổ nước láng giềng trong vòng 5 năm và Kiev được thu phí trung chuyển.
Bộ trưởng Ukraine German Galushchenko xác nhận Kiev đã dừng trung chuyển khí đốt Nga, mô tả đây là "sự kiện mang tính lịch sử". Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố có thể xoay xở mà không cần khí đốt Nga qua ngả Ukraine. Khối đã giảm phụ thuộc đáng kể vào khí đốt Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát tháng 2/2022.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo động thái trên vẫn tiềm ẩn nhiều hệ lụy với châu Âu.
"Châu Âu có phương án thay thế, nhưng thường sẽ đắt hơn khí đốt Nga. Tác động sẽ bộc lộ rõ rệt ở Áo, Hungary và Slovakia, khiến giá năng lượng tại đây tăng", Philipp Lausberg, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu, trụ sở Bỉ, nói với Press TV. "Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt cũng như các ngành công nghiệp ở châu Âu, làm suy yếu sức cạnh tranh của khu vực".
Trước khi chiến sự bùng phát, Nga đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của EU qua 4 hệ thống đường ống gồm Nord Stream dưới biển Baltic đến Đức, Yamal - Europe qua Belarus đến Ba Lan, TurkStream dưới Biển Đen qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria và Urengoy - Pomary - Uzhgorod (UPU) qua Ukraine.
Căng thẳng leo thang do chiến sự Ukraine đã khiến hai đường ống chính là Nord Stream và Yamal - Europe dừng hoạt động, đẩy giá năng lượng tại EU tăng vọt. Liên minh sau đó nhập khí đốt từ Na Uy, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ để ứng phó, đặt mục tiêu không phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027.
Khí đốt qua đường ống UPU hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu trong năm 2024, nhưng có thể gây tác động lan rộng trong bối cảnh nguồn cung tại khu vực bị thắt chặt.
Dừng nhận khí đốt từ Nga đồng nghĩa EU sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn LNG nhập khẩu để bù đắp. Chi phí nhập khẩu cao hơn cùng với độ tin cậy thấp hơn của LNG so với khí đốt Nga sẽ càng làm gia tăng gánh nặng lên các ngành công nghiệp và người tiêu dùng.
Giới quan sát thị trường không lo ngại các quốc gia châu Âu hết khí đốt, mà lưu ý việc cung cấp năng lượng sẽ phức tạp và tốn kém hơn. Viện chính sách kinh tế Bruegel, Bỉ, cho biết giá các loại năng lượng ở EU đang cao hơn hầu hết các nền kinh tế công nghiệp khác, trung bình gấp gần 5 lần so với ở Mỹ.
"Mỗi nước thành viên EU sẽ phải tự tìm giải pháp cho mình", Robert Frank, nhà phân tích chính trị Croatia, nói. Theo ông Frank, kinh tế EU đã chững lại và nếu xảy ra khủng hoảng nguồn cung năng lượng, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, làm suy yếu vị thế kinh tế của châu lục hơn nữa.
"Dừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ tác động đến tất cả các nước EU, chứ không phải Liên bang Nga", Thủ tướng Slovakia Robert Fico viết trên mạng xã hội hôm 1/1.
Ông Fico cũng cho rằng chi phí năng lượng sẽ bị đẩy lên cao, khiến EU mất năng lực cạnh tranh, các nước Đông Âu có thể thiệt hại hàng trăm triệu USD do mất nguồn thu phí trung chuyển và phải trả phí cao hơn để nhập LNG từ nơi khác. Slovakia ước tính thiệt hại nước này phải chịu khoảng 184 triệu USD.
Ông Fico hôm 22/12 đã tới Moskva gặp Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận về tương lai hoạt động cung cấp khí đốt của Nga. Thủ tướng Slovakia còn dọa đáp trả Ukraine nếu Tổng thống Volodymyr Zelensky không gia hạn thỏa thuận với Nga, nhưng Kiev đã phớt lờ.
Joze P. Damijan, giáo sư kinh tế Đại học Ljubljana, Slovenia cảnh báo thiếu khí đốt Nga sẽ tạo ra "trở ngại nghiêm trọng" đến các lĩnh vực như nông nghiệp và sản xuất điện của nước này.
Bất chấp các lo ngại, EU vẫn tin vào khả năng đảm bảo nguồn cung thay thế khí đốt Nga.
Truyền thông dẫn một tài liệu chưa công bố của Ủy ban châu Âu đánh giá "với hơn 500 tỷ m3 LNG được sản xuất trên toàn thế giới mỗi năm, việc thay thế 14 tỷ m3 khí đốt Nga qua ngả Ukraine sẽ không có tác động nhiều đến giá khí đốt ở EU".
"Có thể coi việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển của Ukraine đã được phản ánh vào giá khí đốt mùa đông", tài liệu có đoạn. Kể từ tháng 8/2022, các nước thành viên EU cũng đã giảm 18% nhu cầu tiêu thụ so với trung bình 5 năm. Khối đã "chuẩn bị sẵn sàng" cho kịch bản này.
Các quốc gia châu Âu từng phụ thuộc nguồn cung từ UPU có Áo, Slovakia, Italy, Hungary, Croatia, Slovenia và Moldova. Hầu hết đều đã đa dạng nguồn mua và triển khai biện pháp cắt giảm nhu cầu.
Croatia không nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga, trong khi hợp đồng giữa công ty khí đốt Geoplin của Slovenia và Gazprom đã kết thúc từ cuối năm 2023. Áo có thể nhập khẩu từ Italy và Đức. Italy đang nhập khí đốt từ Azerbaijan và Algeria. Hungary vẫn mua được khí đốt Nga qua TurkStream. Slovakia tuyên bố "đã chuẩn bị" cho tình huống và không có nguy cơ thiếu khí đốt.
Moldova được coi là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất nguồn khí đốt Nga. Moldova đã nhập khẩu hầu hết khí đốt từ thị trường châu Âu để thay thế, nhưng vùng ly khai Transnistria ở miền đông nước này vẫn phụ thuộc hoàn toàn khí đốt từ Nga qua Ukraine, nhập khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ năm 2022.
Transnistria sử dụng khí đốt Nga để sản xuất điện và bán lại cho các khu vực do chính phủ Moldova kiểm soát. Nhà máy điện lớn nhất Moldova là Kuciurgan nằm ở vùng ly khai này.
Việc bị cắt nguồn khí đốt Nga khiến vùng ly khai Transnistria không thể tiếp tục sản xuất điện để bán cho các khu vực khác ở Moldova, khiến nước này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì thiếu năng lượng.
"Tôi cảm thấy chúng tôi đang bước vào một cuộc khủng hoảng rất khó giải quyết", Petru Murzin, bưu tá 39 tuổi ở thủ đô Chisinau, nói với AP, lo ngại tình trạng thiếu năng lượng sẽ khiến nhiều người dân Moldova không có điện, không được sưởi ấm giữa mùa đông băng giá. "Giá tăng là một chuyện, không có khí đốt lại là chuyện khác".
Như Tâm (Theo Reuters, Al Jazeera, Xinhua)