Tại buổi thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội (kỳ họp thứ 16, HĐND TP HCM khóa VIII) chiều 9/12, vấn đề được các đại biểu quan tâm và băn khoăn nhiều nhất là tờ trình về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn từ đầu năm 2015.
Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, nếu thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu chỉ cần 40 người, qua các cây xăng cần 400 người nhưng thu theo đầu phương tiện thì 40 triệu người sẽ phải đi nộp phí, chưa kể phải huy động cả bộ máy cán bộ xã, phường tham gia trên phạm vi cả nước. Các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ sau 2 năm thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đều chỉ đạt 30-50%.
"TP HCM có đến 20% xe máy từ các tỉnh tới, lại thêm vấn đề xe không chính chủ sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Chúng ta chưa có cơ chế xử phạt, nhân viên thuế, tài chính không có thời gian đi kiểm tra nên nhiều khả năng sẽ tạo sự bất công vì người nộp, người không. Nếu cứ triển khai, bảo đảm sang năm khi đi tiếp xúc, cử tri nào cũng sẽ phàn nàn vấn đề này. Tôi đề nghị thành phố hoãn việc thu phí thêm một năm nữa nếu không sẽ tự làm hại uy tín chúng ta", ông Quân nói.
Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết ngay từ khi nhận tờ trình đề nghị cho phép thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy, bà đã cảm thấy băn khoăn, liệu có công bằng không khi không có chế tài, nảy sinh tiêu cực?.
"Phường, xã đang quá tải công việc. Hộ tự giác đi nộp thì tốt nhưng còn hộ không chịu nộp thì sao? Có tạo ra mâu thuẫn giữa người dân và cán bộ hành chính không. Tôi băn khoăn lắm, dù thành phố là địa phương chậm triển khai việc thu phí nhất nhưng khi thông qua có làm được không? Để xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng, cái hại sẽ rất lớn", bà Tâm nói.
Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Huỳnh Công Hùng cũng cho rằng TP HCM có số lượng xe máy nhiều nhất, số xe từ các tỉnh đến thành phố cũng đông nhất nước nên việc triển khai sẽ phức tạp hơn. "Nếu thu mà không đủ chi thì thu làm gì?", ông Đông băn khoăn và đề nghị các đại biểu thảo luận về việc có nên thông qua tờ trình này hay không.
Có mặt tại buổi thảo luận, Phó chủ tịch phụ trách khối giao thông - đô thị của UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín nhận thấy việc triển khai thu phí đối với xe máy có nhiều bất cập, UBND thành phố đã 3 lần gửi văn bản báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định vẫn là Nghị định, TP HCM đã bị nêu đích danh chậm thực hiện việc thu phí.
"Lý do 2 năm nay UBND thành phố chưa trình HĐND là vì vậy. HĐND thành phố là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương nên các đồng chí cứ bàn", ông Tín nói và cho biết phía Công an thành phố "cũng lắc đầu" vì hiện không có quy định xử lý các trường hợp không nộp phí.
Kết luận buổi thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng luật là phải thực hiện, nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào. "Nhìn lại các tỉnh đang làm hiệu quả không cao. Làm mà dở nhiều hơn hay, thấy trước là dở mà vẫn làm thì càng dở. Chúng ta phải suy xét coi cái nào dở ít hơn", bà Tâm nói và đề nghị các đại biểu tiếp tục suy nghĩ để có những ý kiến đóng góp tại buổi thảo luận chung tại hội trường vào sáng 10/12.
Theo tờ trình của UBND TP HCM về Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với xe máy trên địa bàn thành phố, xe có dung tích xylanh đến 100 cm3 nộp 50.000 đồng một năm, loại từ trên 100 cm3 đến 175 cm3 là 100.000 đồng (giảm 30.000 đồng so với đề xuất), trên 175 cm3 là 150.000 đồng. Về phương thức thu sẽ thực hiện theo thông tư 133/2014 của Bộ Tài chính, giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn thu phí và chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ. Căn cứ tờ khai của người sử dụng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sẽ thu phí và phát biên lai. Đối tượng thu phí bao gồm xe mô tô 2 bánh, xe máy (không bao gồm xe máy điện) được đăng ký biển số tại TP HCM hoặc xe đăng ký biển số tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại thành phố. Trường hợp xe máy đã đăng ký tại TP HCM nhưng đã nộp phí tại địa phương thì được miễn tương ứng với thời gian đã nộp phí. Số tiền thu được, cấp phường, thị trấn được để lại tối đa không quá 10%; cấp xã không quá 20% để trang trải chi phí của việc tổ chức thu phí. Số tiền còn lại cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản Quỹ Bảo trì đường bộ mở tại Kho bạc Nhà nước. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải, nếu chỉ thu được 60% trong tổng số 5,4 triệu xe máy (đã đăng ký trên địa bàn) thì trung bình mỗi năm TP HCM thu đạt hơn 300 tỷ đồng. |
Hữu Công