-
20h03
Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu thường gặp, đặc trưng nhất của Covid-19. Ngoài ra, khi mắc Covid-19 còn có dấu hiệu ít phổ biến nào khác cần lưu ý không ạ? (chị Hạnh, 45 tuổi ở phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM)
Các dấu hiệu thường gặp, đặc trưng nhất của bệnh nhân mắc Covid-19 giống như cảm cúm, như sốt, đau nhức mình mẩy, đau bụng, tiêu chảy. Nặng hơn là đau tức ngực, khó thở, diễn tiến suy hô hấp, tím tái cần phải nhập viện để điều trị. Y văn còn ghi nhận những người lớn tuổi đã vượt qua Covid-19 là cảm giác đau nóng rát cổ. Ngoài ra 10-15% bệnh nhân Covid-19 mất vị giác, tê đầu lưỡi, ăn uống nhạt miệng; mất khứu giác (không ngửi được mùi).
Những dấu hiệu ít phổ biến ở trẻ em có thể là hội chứng viêm đa hệ thống. Có nghĩa là em bé có biểu hiện nổi ban ở da, phù nền niêm mạc và vùng da ở tay chân nổi đốm đỏ dưới da, nó sưng sưng, giống như tình trạng tổn thương da niêm trong bệnh kawasaki ở trẻ em. Em bé có thể đau bụng, ói mửa, mệt, biểu hiện ở tim, sốc, mạch huyết áp tụt, bị mắt đỏ, lưỡi dông, triệu chứng như bệnh lý kawasaki ở trẻ em.
Ở người lớn thì có thể bị đột quỵ, tổn thương mạch vành, tổn thương cơ tim, ảnh hưởng đến chức năng tim phổi do phản ứng viêm.
-
20h12
Hiện có cách nào để nhận biết cơ thể mình đã mắc Covid-19 (ngoài cách xét nghiệm) khi mà có các trường hợp dương tính nhưng không có triệu chứng gì? (Nguyễn Phúc Nguyên, 30 tuổi, quận 5).
Theo thống kê, trong đợt dịch này có đến 80% bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vậy làm sao để biết mình bị bệnh trong bối cảnh này cũng rất khó.
Lưu ý trong hoàn cảnh dịch phức tạp, dù chúng ta không có triệu chứng nhưng chũng ta vẫn có thể có nguy cơ từ phía gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Hoặc khi chúng ta đi mua thực phẩm thiết yếu, vô tình tiếp xúc với người mắc hoặc không trang bị tốt khẩu trang, kính giọt bắn, không sát khuẩn tay thì khả năng mắc bệnh là rất cao. Những trường hợp này cần cẩn thận bởi nếu không có triệu chứng mà đi khắp nơi thì là nguồn lây lan rất lớn và nguy hiểm cho mọi người.
-
20h13
Tôi tự test nhanh 2 ngày cả 2 lần đều âm tính. Sáng qua huyết áp tự nhiên lên cao 154/88. Sau đó là test lần 2 cũng âm tính. Uống thuốc hạ huyết áp xuống còn 140/77. Tối qua tôi không chợp mắt được, rất khó ngủ. Cháu gái trong nhà 7 tuổi sáng qua test dương tính. Xin hỏi bác sĩ tôi có phải đã bị dương tính nCoV không? (Bà Lý Chí Huê, 65 tuổi, Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, TP HCM)
Trường hợp của bác đã có hai lần test nhanh âm nhưng cũng không loại trừ không mắc bệnh. Huyết áp của bác trồi sụt bất thường có thể do bác quá lo lắng. Do đó bác cần bình tĩnh lúc này. Cháu gái đã test nhanh dương rồi thì bác và cháu gái nên đến cơ sở y tế hoặc nhờ y tế địa phương tới nhà phết mũi họng để làm RT-PCR, xét nghiệm xác định. Bác cũng nên cách ly, tránh tiếp xúc với cháu gái. Đồng thời bác nên tuân thủ 5K, tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
-
20h14
Tôi có đọc bài báo nói khoảng từ ngày thứ 5-12 mắc bệnh có thể sẽ chuyển biến nặng. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Nếu đúng thì các dấu hiệu nào cho thấy bệnh đã chuyển nặng và tôi cần phải đến bệnh viện ngay lập tức? Trong trường hợp chuyển nặng tôi cần liên hệ với số điện thoại hay bệnh viện nào. Tôi sống ở TP HCM (Nguyễn Thị Hoan, 63 tuổi, quận Gò Vấp)
Hiện nay số ca nhiễm trong nước đã cập nhật trên 177.000 ca, tử vong trên 2.000. Để nói như này, khi nhiễm nCoV ủ bệnh từ 2-14 ngày, biểu hiện triệu chứng ở tuần đầu tương đối nhẹ, nhưng bệnh trở nặng rơi vào ngày 5-8 của bệnh từ khi khởi phát triệu chứng. Như vậy có thể nói bài báo bác đọc là đúng. Sau một tuần ta sốt, ho, nhức mình mẩy, biểu hiện nhẹ thôi, sau đó triệu chứng giảm dần. Một số trở nặng hơn, sau đó mình sốt cao hơn, cảm thấy nặng ngực, ngạt thở, thở gắng sức, nếu trong bệnh viện ta có đo SpO2 thấp, dưới 93% là quá thấp, thì các trường hợp đó phải nhập viện thở oxy, hỗ trợ thở để giúp vượt qua.
Trong quá trình đó, diễn tiến ngày càng nặng kéo dài từ 7-10 ngày. Tuần thứ 2 mắc sẽ quyết định tình trạng bệnh, nếu mình vượt qua tuần này thì bệnh thối lui, phục hồi sức khỏe. Trong thời gian đó, có thể biến chứng xảy ra rất nhiều, ngoài biến chứng nặng ra còn viêm cơ tim, suy tuần hoàn, hoặc biến chứng đột quỵ, mạch vành nhiều. Ở trẻ em, có triệu chứng viêm đa hệ thống giống bệnh Kawasaki như tôi vừa miêu tả, triệu chứng chân tay sưng phù, có hồng ban, mắt đỏ, ảnh hưởng cơ tim, mạch vành của trẻ, gây suy tuần hoàn sốc tim. Nên ta rất phải lưu ý trong giai đoạn này, cần phải nhập viện và được nhân viên y tế chăm sóc vượt qua giai đoạn khó khăn này.
-
20h15
-
20h18
Sau khi nhận kết quả test nhanh dương tính nCoV thì tôi phải làm những gì trong thời gian chờ kết quả khẳng định lại? Trong thời gian này tôi nên theo dõi và xử trí các triệu chứng thông thường như sốt, ho, mất khứu giác, vị giác, mệt mỏi... như thế nào? (Anh Nam, 49 tuổi, Nhà Bè, TP HCM).
Khi có test nhanh dương tính thì thường ngành y tế sẽ tiếp tục xét nghiệm RT-PCR để khẳng định. Trong thời gian chờ, kết quả trong vòng 24 tiếng có kết quả. Trong thời gian đó, bạn nên tự cách ly tại nhà, cách ly thành viên còn lại, thường xuyên theo dõi dấu hiệu bản thân như sốt, cần có cặp nhiệt độ đo từ 2- 3 lần để xem mình có sốt không, kẹp ở nách nếu 38,5 độ là sốt.
Tuyệt đối không được đi ra khỏi nhà, bởi chỉ cần tiếp xúc trong ăn uống có thể lây nhiễm.
Trường hợp bạn triệu chứng thông thường như sốt, ho, mất khứu giác, vị giác, mệt mỏi...có khả năng bạn đã mắc bệnh. Khi đó, bạn cần nhanh chóng thông báo đến nhân viên y tế theo quy trình và cần có hệ thống y tế phường xã, quận huyện tuyến tỉnh thành phố để hỗ trợ có tổ chức, đánh giá, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
-
20h19
Thưa bác sĩ, nhà tôi có 12 người, gồm 4 trẻ nhỏ từ 3-14 tuổi, 5 người lớn, và 2 người già (ba mẹ tôi đều có bệnh nền). Em tôi là F1 cách ly tại nhà. Vậy tôi cần chuẩn bị những gì? Và kế hoạch sống chung của F1 như nào để không lây nhiễm sang người thân? Xin bác sĩ chỉ giúp (Đinh Ngọc Hưng 41 tuổi, 547/38A Hoàng Sa, phường 7, quận 3, TP HCM)
F1 đã làm xét nghiệm và đã có kết quả âm tính, nhưng sẽ có xét nghiệm lập lại. Người này phải được cách ly, phòng riêng, nếu ở ngày 7 và 14 xét nghiệm âm tính thì khả năng mắc bệnh thấp. Các thành viên khác trong thời gian này cũng phải tự theo dõi sức khỏe, có biểu hiện gì thì thông báo ngay cho nhân viên y tế.
-
20h20
Tôi đại diện hộ gia đình đi xét nghiệm tầm soát, tôi vừa nhận được thông báo kết quả dương tính. Hiện tôi chưa biểu hiện triệu chứng song tôi hoảng loạn quá, giờ tôi phải làm sao để trấn tĩnh? (Phạm Minh Hùng, 31 tuổi, Cầu Kho, Quận 1, TP HCM)
Như trường hợp của bác, do trong cộng đồng, ngành y tế đã có chính sách làm sao xét nghiệm phát hiện cộng đồng có người mắc Covid-19 hay không. Ở gia đình cử người ra làm, rất tốt để mình cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm từ đầu. Như vậy, anh dương tính nhưng không có triệu chứng, ngành y tế chẩn đoán xác định bằng test PCR và những người trong gia đình anh, tiếp xúc gần, gọi là F1, còn anh là F0 ở mức là test nhanh dương tính. Ngành y tế sẽ test PCR, nếu dương tính có biện pháp cách ly. Nếu ở nhóm có nguy cơ thì có thể cách ly tại nhà, hoặc cách ly tập trung ở tầng 1 chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Anh yên tâm ngành y tế sẽ chăm sóc, làm các công việc tiếp theo xác định ổ dịch tại cộng đồng và xử lý ổ dịch.
-
20h27
Trường hợp người nhà tôi 35 tuổi, không bệnh nền, có dấu hiệu sốt và đau họng, tự test nhanh dương tính. Báo cho trung tâm y tế rồi nhưng chưa được hỗ trợ ngay, tôi có nên cho người nhà uống thuốc hạ sốt không? Liều lượng cụ thể ra sao? Các loại thuốc hạ sốt hiện không được bán nếu không có giấy xét nghiệm âm tính. Tôi phải mua ở đâu? (Nguyễn Thanh Hằng, 31 tuổi, quận Bình Tân, TP HCM)
Trường hợp của chị, khi có biểu hiện sốt đau họng, thì sốt là dấu hiệu, yếu tố bảo vệ cơ thể, nếu không sốt cao từ 38,5 độ đổ lại, giúp kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên khi sốt cao từ 39 độ trở lên thì có hại vì cơ thể phải làm việc rất nhiều để giải quyết cơn sốt cao. Nếu sốt ở 38 độ thì uống nhiều nước để giúp hạ sốt. Nếu sốt cao hơn, 38,5 độ, ta uống 1 viên paracetamol, một ngày 4 viên, không được nhiều hơn vì thuốc có thể gây tổn thương gan.
Thường thuốc hạ sốt là thuốc bán không cần kê đơn, ta có thể mua được các loại thuốc này. Trách nhiệm của người bán thuốc dặn dò kỹ hướng dẫn sử dụng. Riêng trẻ em không được uống quá 60mg/kg thể trọng một ngày. -
20h30
Tôi ở nhà trọ, cả nhà 4 người (hai vợ chồng, hai con nhỏ dưới 5 tuổi) mà nhà chỉ có một phòng và 1 nhà vệ sinh duy nhất. Tôi đã có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính nCoV nhưng chưa được đưa đi điều trị. Tôi nên pha dung dịch khử khuẩn như thế nào để diệt khuẩn? Ngoài ra tôi cần chú ý đến các vấn đề lau chùi, khử khuẩn các bề mặt, vật dụng khác như thế nào? (Huỳnh Tuấn Kha, 32 tuổi, TP Thủ Đức).
Đây là tình huống mà nhiều người ở trọ gặp phải do ở chung trong phòng trọ nhỏ, không đủ không gian cách ly. Trường hợp của anh test nhanh dương tính, lý tưởng nhất là đi cách ly tập trung để được cách ly an toàn và theo dõi tình trạng bệnh.
Lợi ích khi cách ly tập trung là anh được chăm sóc y tế và bảo vệ người thân bởi cách ly ở nhà là rất khó. Khuôn viên nhỏ, không thể lắp được vách ngăn trong khi khoảng cách an toàn là 2 m.
Về sát khuẩn, anh có thể sử dụng Chloramine B sẽ được y tế phường cung cấp, dùng loại có mác, theo hướng dẫn trên bao bì. Thường là 10 lít nước trong gói 40 g để lau bề mặt hoặc dùng bình xịt. Khi đó, gia đình phải đi ra ngoài và đợi 15 đến 30 phút mới vào lại để đảm bảo gia đình an toàn.