Tôi thấy bây giờ nhiều người có lẽ đã quên đi mất sự tự vươn lên của bản thân và cố tình lấp liếm nó bằng nhiều hình thức quan hệ xã hội bên ngoài, bên cạnh đó, cũng có người miệt mài cố gắng tự khẳng định mình. Cuộc chiến của hai thái cực này là một cuộc chiến dai dẳng quyết liệt.
Chúng ta đang sống ở thời đại kinh tế hội nhập, đang phát triển, tăng trưởng dần dần. Xã hội ngày một biến đổi, sinh ra nhiều vấn đề nan giải đối với con người, mà người ta ai cũng muốn mình phải có chỗ đứng trong khung cảnh xô bồ, hối hả ấy.
Xã hội luôn có rất nhiều ngành nghề hợp pháp dưới mọi lĩnh vực, chuyên môn, với các đặc tính miêu tả đa dạng như: nhàn nhã, nguy hiểm, vất vả hay thậm chí là bèo bọt, rẻ mạt, lương cao, mau giàu... Nhìn chung, ngành nghề nào cũng phục vụ nhu cầu mưu sinh của người lao động, họ phải có được chút vốn để duy trì cuộc sống của mình.
Người lao động dù ở lĩnh vực nào muốn được sử dụng cũng phải có chút ưu thế và kỹ năng về mọi mặt, nhằm đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, vì thế cho nên mới sinh ra sự cạnh tranh.
Từ đó nhiều người mới tìm mọi cách để chứng tỏ mình, có người dùng cách chính thống, nghĩa là đi lên bằng con đường học vấn, tiếp thu tri thức, nắm vững chuyên môn, trau dồi kỹ năng, rồi đường đường bước vào thị trường lao động một cách “hiên ngang bất khuất”. Doanh nghiệp, cơ quan đó sẵn sàng chi trả cho anh một cái giá tương xứng nếu anh cố gắng, nỗ lực hết mình dù biết rằng sẽ không hề đơn giản.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những người nghĩ rằng hoàn toàn khả thi trong việc chiếm lĩnh thị trường lao động bằng cách cố gắng một cách nhỏ giọt, nỗ lực hời hợt, thoáng qua cho có, thậm chí có người chẳng làm gì cả và sử dụng sự trống rỗng của mình để tham gia thị trường lao động, rốt cuộc là bằng cách nào?
Dễ thôi, một cuộc điện thoại, một cuộc gặp, một chầu nhậu... rồi từ đó phi vụ bắt đầu. Xin thưa rằng, điều vừa nêu chỉ là một lịch trình dễ hình dung chứ thực ra vẫn nhiều “biến thể” tinh vi khác gọi chung là "chạy việc". Theo tôi, đây là thứ đang giết chết sự công bằng trong thị trường lao động này.
Dù vấn đề trên có thể phổ biến hay không phổ biến ít nhiều cũng làm tổn hại đến quyền lợi của những người lao động khác nếu vô tình tuyển phải những lao động kém cỏi tay nghề và kỷ luật, điều đó cũng khiến nhà tuyển dụng chịu thiệt thòi.
Nhưng cũng có thể nói rằng, sử dụng lao động tuyển qua con đường quen biết, quan hệ, thân thế ở một khía cạnh nào đó cũng chưa hẳn là chỉ tuyển được toàn lao động “rởm”, đôi lúc doanh nghiệp, cơ quan đó cũng có thể tuyển được những đối tượng có năng lực.
Trường hợp này có lẽ cũng chấp nhận được bởi vì anh ta làm được việc. Tôi nghĩ việc này còn dựa vào bản lĩnh của nhà tuyển dụng, bởi vì giành một phần đặc quyền cho một người lao động này thì phải tước đi một phần quyền lợi của người lao động khác, ở đây nhà tuyển dụng còn tuyển được người giỏi nữa mà.
Nhưng nói gì thì nói, nó vẫn là việc không công bằng, tuy không đem lại thiệt thòi về chất lượng lao động. Trường hợp này có lẽ chỉ có ở một mức độ nào đó và thông thường người ta vẫn hay nghĩ theo chiều hướng là nếu đã đi lên bằng thân thế, chạy chọt thì đa số toàn là những người kém năng lực nên mới đi cửa sau, còn những người khá hoặc giỏi thì con đường của họ thênh thang, đủ tự tin để bước vào đời mưu sinh mà không phải lo toan nhiều về năng lực bản thân.
Sự hình thành các ngành nghề trong hệ thống giáo dục suy cho cùng cũng chỉ là dùng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà thôi. Điều quan trọng là phải xuất phát từ bản thân trước, bản thân cố gắng nỗ lực hết mình học tập để có được các yếu tố và kỹ năng quan trọng để nắm lấy chìa khóa nhằm mở được ổ khóa của thị trường lao động. Nếu mở không được thì nó sẽ đóng mãi, đặc biệt là phải làm điều này bằng chính sức mình, cây của ta trồng thì trái vẫn ngon nhất.
Tôi nhớ tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong một bài giảng đã nói một câu mà đại ý là: “Hễ phương tiện mình sử dụng phải là đường thẳng thì mới có thể đại ngôn với người ta được”. Tôi cũng nghĩ chỉ có con đường chính danh quân tử mới có thể khiến chúng ta có lợi về sau này và không hổ thẹn với bản thân.
Sẽ không ai có thể nghi ngờ hay bắt bẻ chúng ta được vì chúng ta đã dùng con đường cửa trước rộng mở, không dại gì để người ta sờ gáy và soi mói, kèm theo những lời phủ nhận năng lực của bản thân bởi vì chúng ta đã dùng “mưu kế” thay vì thực lực. Cá nhân tôi thực sự không muốn nghe câu: “Tên đấy mà giỏi giang gì?” hay “Nó là con ông X, bà Y mới được thế!”, nghe chẳng vui chút nào.
Bạn đừng bao giờ đổ lỗi vì thời buổi kinh tế khó khăn nên các cơ sở lao động cắt giảm lao động, nhiều nơi không tuyển hay ngành học đã thừa nhân lực nên xin việc khó... Những nguyên nhân đó đúng là có thật, nhưng Việt Nam ta đang còn là thị trường sơ khai và nhiều tiềm năng.
Xu thế chung là đang hội nhập với thế giới, trong tương lai sẽ đón rất nhiều dòng đầu tư của thế giới, cộng với nỗ lực của các nhà quản lý đang cố gắng cải thiện các yếu tố sao cho thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn hơn.
Nếu dòng đầu tư vào các lĩnh vực càng mạnh thì sẽ làm xuất hiện nhiều hơn các xí nghiệp, công ty, nhà máy, văn phòng, đại lý... chưa kể có thể còn có thêm các lĩnh vực, ngành nghề mới chưa phổ biến tại Việt Nam.
Vì thế cho nên, nếu nói chuẩn xác thì nhìn chung là Việt Nam chúng ta đang rất cần lao động mới đúng. Nếu chúng ta thất nghiệp thì nguyên nhân bên ngoài nó chỉ là phụ, chủ yếu là ở bản thân chúng ta có đủ trình độ để đáp ứng được sự sàng lọc khắt khe của thị trường hay không?
Chúng ta phải học cách đừng đổ lỗi cho thị trường để lấy đó biện minh cho lý do sử dụng những thủ thuật khác vì mục đích lao động, hãy để chỗ trống cho những người xứng đáng có được bằng chính sức lực của họ.
Tất nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều điều bất cập nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào tương lai, việc xây dựng một cơ chế xã hội lành mạnh là điều tất yếu phải làm nếu không sẽ bị thụt lùi ngay, khi đó mọi thứ sẽ phải về đúng chức năng của nó mà không hề bị tác động bởi bất cứ yếu tố “không chính thống” nào.
Như vậy, những kẻ lười nhác, cơ hội, chậm tiến sẽ không có cửa sống, khi đó tất cả ta có chỉ là năng lực và năng lực mà thôi, dù là trong lao động hay bất cứ điều gì. Thứ đẹp nhất chỉ có thể đến từ sự tư duy của trí óc và sự cần mẫn của đôi tay mà thôi.
>> Xem thêm: Bố mẹ chi 400 triệu đồng để buộc tôi về quê làm ngân hàng
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.