Ấy vậy nhưng khi trái bóng đã lăn, suốt một tháng trời ở Pháp, tình yêu bóng đá và niềm đam mê bất tận đã hoàn toàn chế ngự nỗi lo ngại bất an. Vẻ đẹp thể thao đã chiến thắng cho dù hiện thực tàn khốc vẫn luôn song hành. Khi các cổ động viên trên toàn thế giới đang dõi theo từng đường bóng lăn trong những trận đấu cuối cùng của vòng tứ kết, bán kết và chung kết; thì ở nhiều nơi trên thế giới, từ Trung Đông đến Nam Á, từ Châu Âu sang Bắc Mỹ, hàng loạt những vụ khủng bố, đặt bom, bắt giết vẫn làm dấy lên sự sợ hãi chết chóc.
Trong những năm 1960, có một khẩu hiệu nổi tiếng "Make love, not war" (Tình yêu, không chiến tranh) được dùng để phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Giờ đây, với việc bóng đá đã trở thành "Túc cầu giáo" với hàng triệu tín đồ khắp hành tinh và có nhiều tác động trên khắp các mặt của đời sống xã hội, có lẽ nên đề ra khẩu hiệu mới "Play ball, not bomb" (Chơi bóng, không bom).
Các đời Chủ tịch FIFA từ trước tới nay luôn cố gắng nhưng chưa thể hiện thực hóa một trận bóng đá giao hữu quốc tế giữa hai đội tuyển Israel và Palestine. Cả thế giới đều mong đợi trận đấu đó sẽ sớm diễn ra trong bầu không khí hòa bình và thân thiện. UEFA cũng mong xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ sớm chất dứt để hai đội tuyển này cũng như các CLB của hai nước sẽ lại có thể gặp nhau trong các bảng đấu, cặp đấu tại Euro, vòng loại World Cup hay Champions League.
Người hâm mộ bóng đá và những người yêu chuộng hòa bình cũng mong chờ một giải vô địch bóng đá Iraq hòa bình, với trận "siêu kinh điển" giữa CLB của người Hồi giáo Sunni và CLB của người Hồi giáo Shiite, căng thẳng quyết liệt nhưng đượm tình anh em bạn bè. Và trong những trận đấu đó, sẽ không có tiếng bom đạn hay tiếng la hét sợ hãi hoảng loạn mà chỉ có tiếng hô cổ vũ vang dội khắp các khán đài như các cổ động viên Iceland, sẽ không có khủng bố ôm bom mà chỉ có những cái ôm hay kề vai thân ái của những người bạn khác màu áo khác dòng máu nhưng cùng chung tình bằng hữu.
Hãy chơi bóng, đừng chế bom!