Từng chứng kiến nhiều câu chuyện thành bại, ông Nguyễn Đức Quân – Giám đốc kinh doanh khối chứng khoán, Công ty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) đúc rút bài học đầu tư an toàn cho người mới tham gia thị trường.
Thực tế cho thấy thành công của những nhà đầu tư kỳ cựu như Benjamin Graham, W.Oneil Warren Buffet, đều đến từ việc tuân thủ kỷ luật đầu tư, cắt lỗ và bảo toàn đồng vốn hiệu quả.
Benjamin Graham luôn nói không với những cơ hội đầu tư chưa thoả mãn đầy đủ các tiêu chí của ông. W.Oneil nhất quyết cắt lỗ khi cổ phiếu giảm quá 10%, còn Warren Buffet cũng bán rất dứt khoát khi hoạt động của doanh nghiệp bộc lộ vấn đề. Warren Buffet còn tự đặt ra hai luật, một là không bao giờ được để mất tiền, hai là không bao giờ được quên luật số một.
Sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân kèm thói quen lạm dụng đòn bẩy tài chính khiến hậu quả của mỗi đợt giảm giá của thị trường chứng khoán Việt Nam khốc liệt hơn nhiều. Điển hình như thời điểm dịch bệnh ập đến sau Tết Nguyên đán 2020, thị trường chứng khoán đã lao thẳng đứng, mất hơn 30% từ vùng 900 điểm xuống 600 điểm. Các cổ phiếu vốn hoá lớn lẫn nhỏ đều giảm, kể cả những mã có nền tảng cơ bản tốt như MWG, PNJ cũng mất hơn 50%.
Sử dụng đòn bẩy giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận nhanh hơn trong bối cảnh thị trường tích cực nên nó như một con dao hai lưỡi có chất gây nghiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những ai ký quỹ càng lớn thì tài khoản càng cháy mạnh và mất nhiều hơn công sức để tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường hồi phục.
Vì vậy, bài học cần thuộc nằm lòng khi bước vào thị trường chứng khoán là luôn tuân thủ kỷ luật, chế ngự lòng tham để bảo toàn vốn trước khi kiếm lời.
Việc chế ngự lòng tham nói dễ nhưng để thực hiện không đơn giản bởi nó cần nhiều điều kiện. Thứ nhất, nhà đầu tư phải trang bị một lượng kiến thức để có thể hiểu cách vận hành của thị trường, cổ phiếu và doanh nghiệp niêm yết. Thứ hai, nhà đầu tư cần chắt lọc, ấn định cho bản thân một phương pháp đầu tư khoa học và trên hết có ý thức tuân thủ kỷ luật do chính mình đặt ra.
Đầu tư chứng khoán là mua kỳ vọng cho tương lai, mà tương lai thì không gì có thể chắc chắn 100%. Bên cạnh nhìn vào hướng thuận lợi, bất cứ ai tham gia thị trường cũng nên dự phòng những bất trắc có thể xảy ra và chuẩn bị hành động để thiệt hại thấp nhất có thể.
Tuỳ khẩu vị rủi ro mà mỗi người có một ngưỡng cắt lỗ khác nhau, nhưng nên dao động trong khoảng 8-10%. Để cắt lỗ, bạn phải dứt khoát. Cái sai của hầu hết nhà đầu tư là cảm thấy tiếc nuối vì không bán được giá cao hoặc mới mua đã lỗ nên có chờ đợi, kỳ vọng giá tăng trở lại. Họ chỉ ngậm ngùi bán khi cổ phiếu đã giảm quá sâu, lúc này thiệt hại đã quá lớn.
Nếu mua cổ phiếu giá 100.000 đồng và không cắt lỗ kịp thời trong xu hướng giảm, tài sản "bốc hơi" 50% thì bạn cần chờ cổ phiếu tăng 100% để hoà vốn trở lại. Đây là một điều vô cùng khó khăn, hoặc cần rất nhiều thời gian.
Giới đầu tư thường nói rằng một trong những động tác cơ bản nhất khi đầu tư chứng khoán là cắt lỗ, nhưng rất ít người làm tốt. Có thể đây là lý do xác đáng để giải thích cho việc 95% nhà đầu tư trên thị trường thua lỗ.
Nguyễn Đức Quân