Series phim truyền hình 10 tập The New Look đang thu hút sự quan tâm của giới yêu thời trang thế giới. Tác phẩm của đạo diễn Todd A. Kessler kể về quá trình ra đời thiết kế kinh điển của Christian Dior cùng sự nghiệp của huyền thoại Pháp, công chiếu ngày 14/2.
Karen Muller Serreau chịu trách nhiệm thiết kế trang phục cho phim. Làm việc ở Pháp trong phần lớn sự nghiệp 30 năm, Muller Serreau nói với WWD công việc lần này gây áp lực lớn nhất cho cô từ trước đến nay. "Tôi bị choáng ngợp trước thử thách này, nhưng nhận được niềm vui to lớn khi lần đầu tiên được vào kho lưu trữ quý giá của nhà mốt nổi tiếng. Rất thú vị!", cô nói.
Nhiều tháng trước khi phim bấm máy, Muller Serreau tập trung tái tạo các thiết kế thời trang cao cấp khó nhất cho hai bối cảnh thời trang quan trọng: Buổi trình diễn đầu tiên của Dior tại trụ sở Avenue Montaigne ngày 12/2/1947 và buổi trưng bày của nhà thiết kế song song bài giảng của ông tại Đại học Sorbonne năm 1955 trước 1.200 sinh viên và khách mời.
Tổng cộng 20 mẫu được tạo ra, gồm cả bộ váy áo Bar mang tính biểu tượng, về sau gọi là New Look, được hoan nghênh nhiệt liệt cuối thập niên 1940. Muller Serreau nói: "Bộ cánh đại diện cho tương lai tươi sáng với những gì mọi người đã trải qua trong thời chiến, do đó nó rất quan trọng".
Theo Marie Claire, không có chiếc váy nào từ năm 1947 trong kho lưu trữ, vì vậy cô và nhóm cộng sự đã sử dụng các mẫu vải, bản phác thảo và tư liệu báo chí để tái tạo những kiểu dáng như váy dạ hội Figaro, được làm từ lụa hồng xếp nếp phủ trên vải tuyn chấm bi màu đen.
Sau khi các lựa chọn vải của cô được đội ngũ nhà Dior chấp nhận, cô làm việc với Atelier Caraco, một xưởng chuyên biệt ở Paris, để may trang phục. Nhà thiết kế cho biết trong điều kiện hạn chế về thời gian và ngân sách của một chương trình truyền hình, nhóm cô không thể tái tạo mức độ chi tiết của một chiếc váy thời trang cao cấp cổ điển.
"Đầu tiên, nó phải được cắt công phu, và sau đó để có được vẻ đẹp bên ngoài y như bản gốc, toàn bộ cấu trúc bên trong phải được tính toán vô cùng chuẩn xác", cô nói. Cả nhóm mua thêm đồ lót và chế tạo nên những chiếc áo nịt ngực có khả năng siết eo diễn viên, tạo nên diện mạo thời trang ngày xưa.
Dior đã giới thiệu 95 kiểu dáng trong bộ sưu tập mùa xuân năm 1947, nhưng nhóm 15 người của Muller Serreau chỉ làm một vài bộ để quay phim, như: các trang phục ban ngày, đầm cocktail, đầm dự tiệc tối và Fidélité, chiếc váy cưới đầu tiên của hãng. Sau khi phim kết thúc ngày 3/4, các bộ trang phục này sẽ được trưng bày trong một căn phòng tại Galerie Dior, trụ sở lịch sử của thương hiệu ở Paris, đến ngày 13/5.
Ngoài ra, phim còn sản xuất hàng trăm bộ trang phục dành cho các diễn viên chính và phụ. Hầu hết các cảnh hành động lấy bối cảnh thời Đức Quốc xã chiếm đóng Paris từ năm 1940 đến năm 1944, nhà thiết kế tập trung thực hiện trang phục đơn giản cho Christian Dior. Lúc này, Dior đang làm việc cho nhà may thời trang Lucien Lelong. Bên cạnh đó, cô còn thực hiện các bộ quần áo mang xu hướng nam tính kết hợp nữ dành cho Juliette Binoche, người đóng vai Coco Chanel trong phim.
Muller Serreau nói với Marie Claire do không có tài liệu lưu trữ chắc chắn về những gì Coco Chanel đã mặc vào thời điểm đó, cô đã tự thiết kế trang phục dựa vào bối cảnh thời đó và sở thích của huyền thoại thời trang.
The New Look cũng đi sâu vào mối quan hệ của Dior với em gái Catherine, do Maisie Williams thủ vai, một thành viên của Lực lượng Kháng chiến Pháp, người là nguồn cảm hứng cho nước hoa Miss Dior nổi tiếng sau này. "Với Catherine, cô ấy vừa quyến rũ vừa thể hiện một người làm việc chăm chỉ. Vì vậy, trang phục của cô có nhiều nét khá thú vị", Muller Serreau nói với WWD. Ngoài ra, trang phục của những vị khách tham quan bộ sưu tập trong phim lấy cảm hứng từ các thiết kế của giám đốc sáng tạo hiện tại của Dior hiện - Maria Grazia Chiuri.
Dior được Christian Dior thành lập vào năm 1947. Đến năm 1953, nhà mốt đã chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu thời trang cao cấp của Paris. Ngày nay, thương hiệu cao cấp được ví là viên ngọc quý trên vương miện của ông trùm xa xỉ Bernard Arnault, người sáng lập đế chế LVMH và sở hữu thương hiệu này từ năm 1984.
Sao Mai