Ngày 21/1 kỷ niệm hơn 115 năm ngày sinh Christian Dior - một trong những huyền thoại thời trang thế giới. Ông từng nói: "Những gì tôi biết, thấy và nghe cũng như mọi khoảnh khắc đời tôi chuyển vào váy áo. Chúng là giấc mộng ban ngày của tôi, từ vùng đất mơ bước vào thời trang". Trải qua hơn bảy thập kỷ, phụ nữ vẫn mê đắm váy áo nữ tính, lãng mạn xen chút cổ điển - phong cách đặc trưng của Christian Dior từ ngày đầu.
Hoa cỏ và thiên nhiên là cảm hứng lớn nhất, niềm say mê trở đi trở lại nhiều lần trong các bộ sưu tập của Dior. Với nhà thiết kế, sau phụ nữ, hoa là tạo vật xinh đẹp nhất Chúa tạo ra trên đời. Ngay từ bộ sưu tập đầu tay, 90 thiết kế tạo ấn tượng khác biệt với thời trang cứng nhắc, đơn điệu thời bấy giờ. Dior dùng tận 20 thước vải cho mỗi bộ váy, sử dụng kỹ thuật may đo cao cấp để nén chặt các nếp khâu ở eo đồng thời tạo độ phồng ở hông. Sự tốn kém gây nhiều tranh cãi, đặc biệt khi nước Pháp vừa trải qua tình trạng kiệt quệ của thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, đây cũng là liều thuốc giải cho nỗi đau chiến tranh, gợi nhắc phụ nữ về thời kỳ xa hoa, tươi đẹp trước kia.
Ban đầu, Christian Dior đặt tên bộ sưu tập là "Corolle" mang nghĩa vòng hoa. Ông nói trên Vogue: "Tôi muốn vẽ những người phụ nữ tựa đóa hoa, với bờ vai mềm mại, vòng eo mảnh khảnh tựa dây leo và hông xèo ra như đài hoa". Sau này, khi Carmel Snow - tổng biên tập khi ấy của Harper's Bazaar - thốt lên khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập: "It’s such a New Look!" (Thật là một sự cải cách trong phong cách), chúng được nhớ tới với tên "New Look".
Hoa in trên nền vải, hoa gợi cảm hứng cho dáng váy, hoa cài lên thắt lưng, hoa thêu tay. Tất cả xuất hiện ồ ạt trong bộ sưu tập Xuân Hè 1950, mùa mốt 1955 rồi tới mùa mốt cao cấp năm 1957. Nhà thiết kế còn chinh phục làng mốt bằng đầm được uốn cong nhẹ, mềm mại gợi lên dáng hoa trong bộ sưu tập Tulip. Dior thích hoa tới độ, trong mỗi show diễn, phải có ít nhất một người mẫu cầm loài hoa mà ông ưa thích - linh lan.
Hầu hết váy áo của ông đặc trưng bởi nét nữ tính, nhẹ nhàng, thắt đáy lưng ong làm tôn vòng eo nhỏ, bờ ngực cùng vòng ba đầy đặn của phái nữ. Ông chuộng sử dụng những màu nhẹ nhàng, trung tính như xám, hồng hay xanh lam. Váy Junon (đầm của thần Hera), váy Venus (đầm thần Vệ nữ) hay Cygne Noir dress (đầm thiên nga đen) là những thiết kế trong thời kỳ đỉnh cao, đại diện cho vẻ đẹp xa hoa, cổ tích, thơ mộng của thời trang dạ tiệc.
Các bộ sưu tập khác như A-line (đầm chữ A), H-line (đầm chữ H), Y-line (đầm chữ Y) vẫn đi theo chuẩn mực này. Chúng được làm từ những loại vải đắt giá, phương thức cắt may cao cấp, phảng phất đôi chút dấu ấn cổ điển từ thời kỳ vàng son Belle Époque (Thời kỳ tươi đẹp Pháp, từ năm 1871 đến trước Thế chiến Thứ nhất) và đề cao tối đa đường cong phụ nữ.
Váy áo Dior nhận được sự ủng hộ lớn từ nhiều người nổi tiếng như công chúa Margaret, ngôi sao Ava Gardner hay Olivia de Havilland... Minh tinh Marlene Dietrich từng thốt lên: "Không có Dior, không có Dietrich". Cuối thập niên 1940, nhà mốt Dior chiếm ba phần tư lượng xuất khẩu các mặt hàng thời trang ở Paris. Trong 10 năm ngắn ngủi (1947 - 1957), Dior đã đưa Pháp trở lại vị trí dẫn đầu làng mốt thế giới.
Đam mê thời trang đến với Dior từ nhỏ. Ông sớm nhận ra hứng thú với nghệ thuật, dễ bị thu hút bởi "những thứ lấp lánh, cầu kỳ, hoa mỹ, phù phiếm". Hình ảnh người mẹ trong những bộ váy cầu kỳ, rực rỡ thời Belle Époque, hay khu vườn ngập hoa cỏ thành ăn sâu vào trí nhớ, trở thành cảm hứng suốt đời của nhà thiết kế.
Sinh năm 1905 tại Granville, một thị trấn nhỏ ven bờ biển Normandy (Pháp) trong gia đình khá giả, cậu bé Dior theo cha mẹ chuyển tới kinh đô thời trang Paris năm 1910. Ban đầu, cha ông định hướng con trai làm nhà ngoại giao, nhưng thiên hướng nghệ thuật ngày càng rõ nét đưa đẩy Dior thành ông chủ một phòng trưng bày nghệ thuật nhỏ, năm 1928. Tuy nhiên ba năm sau, cái chết của mẹ, anh trai cùng công việc làm ăn thất bại của cha khiến Dior rơi vào cảnh khốn cùng. Ông bán tất cả tác phẩm nghệ thuật, đóng cửa phòng tranh, phải ngủ nhờ nhà người bạn.
Cuộc sống khốn khó kéo dài tới năm 1937, khi Dior được hai nhà thiết kế nổi tiếng Robert Piguet và Pierre Balmain thuê. Suốt thế chiến thứ hai, ông làm việc cho nhà mốt Lucien Lelong, thiết kế trang phục cho các sĩ quan Đức quốc xã, chiến sĩ Pháp và phu nhân của họ. Đến năm 1946, Marcel Boussac - một doanh nhân Pháp thành đạt - mời Dior gầy dựng thương hiệu Philippe et Gaston nhưng ông từ chối vì muốn tìm vị trí riêng tuổi 41. Từ đây, nhà mốt Christian Dior ra đời.
Trong 10 năm sau đó, Christian Dior thành thương hiệu dẫn đầu làng mốt. Người sáng lập được mệnh danh "nhà thiết kế của những giấc mơ" bởi vẻ đẹp bay bổng, nữ tính mà xa hoa. Trong cuốn tự truyện, ông viết: "Sâu thẳm trong mỗi người đều có một mơ ước. Nhà thiết kế cần hiểu được rằng mọi phụ nữ đều là công chúa". Chính sự trân trọng và thấu hiểu giúp Dior làm ra những thiết kế được phái đẹp khao khát.
Ngày 24/10/1957, Christian Dior bất ngờ qua đời sau một cơn đau tim, hưởng thọ 52 tuổi. 2.500 người bao gồm nhân viên và khách hàng thân thiết đưa tiễn ông. Nhiều người khi đó thậm chí nghĩ tới chuyện đóng cửa nhà mốt, và dự đoán ngành thời trang Pháp vốn phụ thuộc quá nhiều vào "gã khổng lồ" Dior bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lúc ấy, Yves Saint Laurent - 21 tuổi - được đề cử vị trí giám đốc sáng tạo và duy trì được thương hiệu tới nay.
Bảo Thư