Hai phim chuyển thể danh tác cổ điển - Tây du ký và Thủy Hử - đều có những cảnh quay với chúa sơn lâm. Tập 11 của Tây du ký có đoạn Đường Tăng bị yêu quái biến thành hổ, sau đó được Tôn Ngộ Không làm phép biến lại thành người. Trên Xinhua, nhà quay phim Vương Sùng Thu tiết lộ đoàn phim quay trước phân đoạn Đường Tăng nằm dưới đất tại một ngôi chùa ở tỉnh Vân Nam, cảnh nhân vật hóa thành hổ gác lại, chờ tìm được con hổ phù hợp.
Khi êkíp ngang qua vườn bách thú ở tỉnh Hà Nam, Vương Sùng Thu chờ nửa ngày, chú hổ vẫn không có động tác như ông mong muốn. Nhà quay phim đành phải rời khỏi vườn bách thú để làm việc khác.
Một thời gian sau, êkíp ghi hình ở Thượng Hải. Nhà quay phim nghe nói một đoàn xiếc có hổ, bèn tới xin ghi hình. Con vật bị nhốt trong lồng sắt, ông chuẩn bị sẵn máy quay, chờ bắt khoảnh khắc hổ nằm xuống.
Cảnh quay tốn nhiều thời gian song vì các lý do kỹ thuật, khán giả vẫn thấy dấu vết cắt ghép hình ảnh. Vương Sùng Thu nói Tây du ký "thành vì kỹ xảo, bại cũng vì kỹ xảo". Khi khởi quay năm 1982, cả ông và đạo diễn đều chưa biết khái niệm "kỹ xảo". Do tàn dư của Cách mạng Văn hóa (1966-1976), hai nhà làm phim ít được tiếp cận các phim sử dụng kỹ xảo của nước ngoài, buộc họ phải mày mò, tự nghĩ các phương pháp biến hóa, mây khói... trên phim.
Thủy Hử quay sau Tây du ký 14 năm, lúc này điều kiện vật chất, công nghệ tiến bộ hơn song vẫn làm khó êkíp khi quay cảnh người đánh nhau với hổ. Theo Beijingnews, Đinh Hải Phong, tài tử đóng Võ Tòng, là người duy nhất trong đoàn được mua bảo hiểm, số tiền là 100 nghìn nhân dân tệ (355 triệu đồng). Vì tính chất mạo hiểm, đoạn này được quay cuối cùng, chỉ đạo hành động gồm Viên Hòa Bình, Viên Tường Nhân.
Lần đầu gặp "bạn diễn", Đinh Hải Phong căng thẳng, sợ hãi đến sởn tóc gáy. Khi lấy được bình tĩnh, anh nói với con hổ: "Người anh em, chúng ta hợp tác với nhau, giúp đỡ lẫn nhau nhé". Đoàn phim mất gần một tuần để thực hiện cảnh này. Sau mỗi ngày quay, quần áo của Đinh Hải Phong đều bị móng vuốt hổ cào rách tươm. Khi đóng đoạn cưỡi lưng hổ, con hổ quay đầu, giơ chân trúng mặt Đinh Hải Phong, khiến mặt anh bầm tím.
Đoàn phim phải thuê hai con hổ vì con đầu tiên không tạo được các động tác như đạo diễn yêu cầu. Con thứ hai đến từ một đoàn biểu diễn của Thượng Hải. Chú hổ này ngoan ngoãn và hiền lành như mèo. Ngoài quay hổ thật, một diễn viên mặc bộ lông thú để quay cảnh hổ bay trên không và đoạn Võ Tòng đánh mạnh vào đầu hổ.
Nghinh Xuân