Hôm 16/6, diễn viên Diêu Gia nhận nhiều sự chú ý sau khi một blogger đăng ảnh cô hiện tại, ở tuổi 52. Sau đó, các video Diêu Gia đóng phần Lạc vào Động Bàn Tơ ở Tây du ký cũng được nhiều người chia sẻ lại. Trên một số diễn đàn phim, các khán giả nhận xét Diêu Gia cùng sáu diễn viên đóng yêu tinh nhện ăn vận táo bạo, hở hang trong bối cảnh thập niên 1980.
Trên trang cá nhân, Đường Kế Toàn, trợ lý quay phim Tây du ký, cho biết các nữ diễn viên không hề táo bạo, đoàn phim phải làm nhiều cách để họ không bị lộ da thịt. Ông nhận xét trong nguyên tác cũng như ở bộ phim, nội dung Lạc vào Động Bàn Tơ mang màu sắc dục. Kịch bản phim ghi: Bảy yêu nhện tắm ở hồ, Tôn Ngộ Không hóa thành chim ưng quắp y phục của chúng, sau đó dụ Trư Bát Giới đến. Trư Bát Giới tới hồ, liền cởi quần áo xuống tắm cùng dàn yêu nữ. Khi bị chúng trêu chọc, Bát Giới hóa thành con cá đen, luồn qua đùi yêu nữ. Chúng tức giận, xấu hổ, thả tơ trói Trư Bát Giới.
Cảnh này quay ở dòng suối dưới chân núi ở Cửu Trại Câu, tỉnh Tứ Xuyên. Đoàn phim khởi hành từ nhà nghỉ từ sáng sớm. Tới nơi, diễn viên hóa trang xong, trời đã sang trưa. Các cô gái đóng yêu tinh nhện đều dưới 20, bấy giờ mọi người ăn mặc kín đáo, truyền thống. Một thiếu nữ khóc vì sợ phải mặc lộ da thịt.
Tuy nhiên, đạo diễn Dương Khiết đã tính các phương án bảo đảm kín đáo cho họ. Phần bụng, ngực diễn viên được che bằng các tấm voan màu da. Rốn cũng được gắn phục sức để che lại. Khi dàn "yêu nữ" xuống nước, tất cả người không liên quan được yêu cầu rời địa điểm quay.
Một số nhân viên nam dáng người nhỏ, gầy, đóng thế cho các cô gái khi quay cận phần bụng và đùi. Trong đó, phần hở đùi do Hạng Hán - chỉ đạo võ thuật - đảm nhiệm.
Vất vả nhất ở tập phim này là Mã Đức Hoa, người đóng Trư Bát Giới. Bụng của ông được nhét đầy bông để phồng lên. Khi xuống suối, bông ngấm nước, khiến bụng nặng trịch. Mã Đức Hoa nói: "Đoạn phim này xem thì thấy vui nhộn nhưng quay chẳng hề nhẹ. Ghi hình được một nửa, tôi thở hồng hộc, không bò lên bờ nổi".
Tây du ký quay từ năm 1982, kể chặng đường Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng hộ tống Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh. Sư đồ trải qua 81 kiếp nạn mới hoàn thành trọng trách. Trong bối cảnh giao thông, vận chuyển chưa thuận lợi, đoàn phim ghi hình tại nhiều nơi địa hình hiểm trở như Hỏa Diệm Sơn ở Tân Cương, rừng sâu ở Cát Lâm, thác ở Cửu Trại Câu, chùa trên vách núi ở tỉnh Sơn Tây... Dù kỹ xảo thô sơ, Tây du ký thành tác phẩm kinh điển, giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc (hơn 3.000 lần).
Như Anh