"Tôi xin đề cử Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính thứ 79 của Mỹ", Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social ngày 22/11. "Scott là một trong những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, cũng là nhà hoạch định chiến lược địa chính trị và kinh tế, được mọi người tôn trọng".
New York Post dẫn nguồn thạo tin cho biết ông Bessent được ông Trump lựa chọn sau cuộc gặp cuối ngày 21/11 với Tổng thống đắc cử tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.
Quyết định của ông Trump kết thúc cuộc đua của giới doanh nhân cho vị trí lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ quan phụ trách lèo lái nền kinh tế Mỹ. Trong số này, cạnh tranh giữa ông Bessent và ông Howard Lutnick gay gắt đến mức được mô tả như một "trận đấu dao".
Theo WSJ, ông Trump đã nhắm tới Bessent từ lâu trước khi đắc cử nhiệm kỳ hai. Ông mô tả Bessent, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của quỹ phòng hộ Key Square Capital Management, là "một trong những người xuất chúng của Phố Wall", thường xuyên ca ngợi tỷ phú này khi trao đổi với bạn bè và cố vấn.
Bessent cùng các đồng minh cũng triển khai chiến dịch truyền thông nhằm củng cố vị thế ứng viên hàng đầu. CEO 62 tuổi xuất hiện trên các chương trình ông Trump có thể xem, viết bài bình luận, trả lời phỏng vấn các báo. Phó tổng thống đắc cử JD Vance và ứng viên chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Willie đều nghiêng về ông Bessent.
Đối thủ mạnh nhất của Bessent trong cuộc đua là tỷ phú Lutnick, 63 tuổi, CEO công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald, đồng chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực phụ trách tìm kiếm nhân tài cho ông Trump. Các nguồn thạo tin cho biết Lutnick tự đề cử mình vào vị trí bộ trưởng tài chính và nhận được sự ủng hộ từ tỷ phú Elon Musk.
Bessent và Lutnick đều được Phố Wall tôn trọng. Hai ứng viên công khai ủng hộ chính sách kinh tế của ông Trump, trong đó có áp thuế mạnh tay chưa từng thấy.
Một cố vấn của ông Trump ví quan hệ giữa Bessent và Lutnick như "chiến tranh lạnh". Vài ngày sau, người này nói từ "trận đấu dao" mô tả chính xác hơn cuộc cạnh tranh giữa hai tỷ phú.
Để giành lợi thế với Tổng thống đắc cử, hai bên tìm mọi cách đề cao ưu điểm của mình, đồng thời đào xới lại những sai lầm mà đối thủ từng phạm phải trong quá khứ.
Các đồng minh của Bessent lưu ý với phía ông Trump rằng Lutnick từng tổ chức một sự kiện cho bà Hillary Clinton tại New York năm 2015. Cựu ngoại trưởng Mỹ khi đó đang cạnh tranh với ông Trump trong bầu cử tổng thống năm 2016. Vé tham gia sự kiện được cho là có giá 2.700 USD một người.
Phe ủng hộ ông Lutnick lại thường xuyên đề cập việc Bessent có quan hệ mật thiết với tỷ phú George Soros, nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ. Ông Bessent từng làm việc cho ông Soros suốt nhiều năm, được tỷ phú này tài trợ vốn để sáng lập Key Square.
Họ lan truyền tài liệu cáo buộc ông Bessent "quản lý yếu kém" tại Key Square. Đáp trả, phe ông Bessent chia sẻ các tài liệu chứng tỏ Key Square có lợi nhuận tốt, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, thể hiện ông có năng lực, có thể vượt qua điều kiện kinh tế khó khăn.
Cuộc cạnh tranh lên đỉnh điểm khi ông Musk ngày 16/11 đăng bài thể hiện quan điểm trên X, cho rằng Bessent "chỉ là một lựa chọn để 'mọi thứ như thường lệ', trong khi Lutnick thực sự tạo ra thay đổi". "'Như thường lệ' đang dẫn đến tình trạng phá sản ở Mỹ, vậy nên chúng ta cần thay đổi", ông Musk viết ngày 16/11.
Ứng viên bộ trưởng y tế Robert F. Kennedy Jr. cũng thể hiện sự ủng hộ với Lutnick. Không hài lòng khi các lựa chọn của mình bị tiết lộ, ông Trump đã mở rộng phạm vi ứng viên.
Ngày 17/11, đội ngũ chuyển giao quyền lực sàng lọc và chọn thêm ba người nữa là Marc Rowan, nhà sáng lập kiêm CEO công ty quản lý tài sản Apollo Global, cựu thành viên hội đồng thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Kevin Warsh và thượng nghị sĩ Tennessee Bill Hagerty.
Ngày 19/11, ông Trump thông báo chọn ông Lutnick làm bộ trưởng thương mại. Động thái ngầm ám chỉ rằng ông Trump mới là người ra quyết định quan trọng, không phải tỷ phú Musk hay bất kỳ người có sức ảnh hưởng nào khác.
Hagerty đi cùng ông Trump và ông Musk đến sự kiện phóng tên lửa của SpaceX ở bang Texas sáng 20/11, dấy lên đồn đoán thượng nghị sĩ Tennessee là người được chọn vào ghế bộ trưởng tài chính.
Chiều cùng ngày, ông Trump phỏng vấn Warsh và Rowan tại dinh thự Mar-a-Lago.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng chọn Warsh làm ứng viên chủ tịch Fed, nhưng sau đó đổi ý và bổ nhiệm Jerome Powell, quyết định mà ông từng bày tỏ hối tiếc. Truyền thông Mỹ nói ông Trump đánh giá Warsh "thông minh và đẹp trai".
Warsh muốn kế nhiệm Powell khi chủ tịch Fed mãn nhiệm năm 2026. Hai người thảo luận kịch bản Warsh lãnh đạo Bộ Tài chính trong hơn một năm, sau đó ông Trump sẽ đề cử ông vào ghế chủ tịch Fed. Trong kịch bản này, ông Bessent sẽ là chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia, sau đó kế nhiệm ông Warsh.
Rowan đã cắt ngắn chuyến công tác ở Hong Kong để đến Mar-a-Lago. Một nguồn thạo tin mô tả cuộc gặp giữa Rowan và ông Trump là thân thiện, nhưng CEO Apollo Global không chung quan điểm với Tổng thống đắc cử về vấn đề thuế. Ông Trump cũng cảm nhận được điều này từ Warsh.
Ông Trump trao đổi với hàng loạt giám đốc điều hành trên Phố Wall để xin lời khuyên. Trong số này có nhà đầu tư kỳ cựu John Paulson, cũng từng được cân nhắc cho vị trí bộ trưởng tài chính. Tổng thống đắc cử được cho là chú trọng đến cách thị trường phản ứng với lựa chọn của ông. Các cố vấn thêm rằng giới phân tích đánh giá ông Bessent là lựa chọn mang tính ổn định trong chính quyền.
Ngày 22/11, vài giờ trước khi ông Trump công bố quyết định, các ứng viên hàng đầu vẫn chưa biết Tổng thống đắc cử sẽ gọi tên ai. Nguồn thạo tin nói các cố vấn ông Trump đã liên lạc với Rowan để xem CEO này có thực sự muốn vị trí bộ trưởng tài chính không và nhận được câu trả lời là có.
18h55 ngày 22/11, khoảng ba giờ sau khi thị trường đóng cửa, ông Trump thông báo Bessent sẽ là bộ trưởng tài chính trong chính quyền nhiệm kỳ hai. Vị trí này cần được Thượng viện phê chuẩn và nếu được chấp thuận, Bessent sẽ trở thành bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong chính quyền ông Trump cũng như các đời tổng thống Cộng hòa.
Như Tâm (Theo FT, WSJ)