![]() |
Theo ông Cung, tới đây, các cấp cần tiếp tục nỗ lực để làm tốt "tiền đăng, hậu kiểm". Ảnh: Anh Tuấn |
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, hậu kiểm là quá trình giám sát của nhà nước về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi đăng ký. Trước hết, đó là nhà nước phải đảm bảo những đối tượng không được quyền kinh doanh như những người bị kết án, công chức... không được mở công ty; kế đến là giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký. Trong quá trình này, cần tránh tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, không lành mạnh.
Cũng theo ông Cung, hậu kiểm còn có nghĩa là cơ quan nhà nước có biện pháp giúp nhà đầu tư có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh, khuyến khích họ lập nghiệp; kiểm tra chất lượng, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường, như chất lượng xe buýt...
Trên thực tế, hiện nay, các địa phương hầu như chỉ chú trọng vào việc làm thế nào có thể kiểm tra được doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh. "Trong khi đó, biện pháp quan trọng là giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì nhiều địa phương chưa làm tốt", ông Cao Bá Khoát, Bộ Kế hoạch đầu tư nói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đến nay, sau 4 năm Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống, việc tiếp cận thông tin để hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Chẳng hạn, muốn hoạt động trên những tuyến đường 300 km trở lên, phải có văn bản chấp thuận của Cục đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, để có được quy định cụ thể này chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian", ông Trần Thiện Căn, Giám đốc công ty TNHH vận tải Hoa Phượng (Hải Phòng) nói.
Cũng theo ông Căn, để có thông tin về quy định của nhà nước trong lĩnh vực vận tải, những tuyến đường có thể hoạt động..., thậm chí nhiều khi doanh nghiệp không biết tìm ở đâu.
Theo đánh giá của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, hiện nay Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương làm công tác hậu kiểm khá tốt. Tỉnh này đã xây dựng được cơ chế khá rõ ràng, tạo sự phối hợp giám sát hiệu quả giữa các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh. Ví dụ như, để khuyến khích, giúp đỡ các nhà đầu tư có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh trên địa bàn, UBND tỉnh đã mở các lớp khởi sự kinh doanh miễn phí, thực hiện cơ chế “một cửa một dấu”, quy hoạch nhiều khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp...
"Địa phương đã thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch để hỗ trợ thông tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chỉ đạo các sở, ngành mở các lớp khởi sự doanh nghiệp miễn phí để phổ biến chế độ chính sách về kinh doanh", ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Ngọc Quang