Hàng chục nhãn hiệu sữa dạng lỏng đóng gói hoặc hộp trên thị trường đều in chữ "tươi". Thậm chí có nhãn công bố trên bao bì và trong các chương trình quảng cáo rằng sản phẩm của mình là sữa tươi tiệt trùng nguyên chất.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam 7028 ban hành 2002 (TCVN 7028: 2002), để được gọi là sữa tươi tiệt trùng, sản phẩm phải được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, qua xử lý ở nhiệt độ cao và nếu phải bổ sung sữa bột hoặc chất béo sữa để chuẩn hoá nguyên liệu thì hàm lượng pha chế thêm không quá 1% (tính theo khối lượng của sữa tươi nguyên liệu).
Một doanh nghiệp ở miền Bắc thừa nhận khi sản xuất sữa tươi tiệt trùng, hầu như không có đơn vị nào dùng loại vắt trực tiếp từ bò, dê để đóng hộp. Về nguyên tắc, sữa tươi nguyên liệu rất khó bảo quản, thời gian sử dụng không quá 48 tiếng và nếu đã đóng hộp thì không thể gọi là "tươi" nữa. Theo doanh nghiệp này, sữa bột nhập khẩu là nguyên liệu chủ yếu để chế biến, bởi giá rẻ và dễ bảo quản. Các nước thường trợ cấp cho ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân bán sản phẩm với giá cạnh tranh.
"Gần 100% sữa tươi tiệt trùng đang có trên thị trường VN được pha chế từ sữa bột, chứ không phải vắt trực tiếp từ bò", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sữa và nước giải khát Hancofood Lê Viết Hà khẳng định với VnExpress, chiều nay.
Một lý do khác để sữa bột biến thành tươi là VN không có đủ nguồn nguyên liệu sữa bò để chế biến sữa tươi.
Trên thực tế, theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng sản lượng sữa mà các hộ chăn nuôi trong nước cung ứng mỗi năm chưa đầy 200.000 tấn, chỉ đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu trong nước. Trong số 200.000 tấn ít ỏi ấy, chỉ có 150.000 tấn được đưa về các nhà máy chế biến. Phần còn lại, các hộ chăn nuôi giữ để dùng hoặc tự chế biến bánh, kẹo, pho mát hay caramen.
"Trong tất cả các doanh nghiệp chế biến sữa hiện nay, chỉ có Mộc Châu là đơn vị có đủ nguồn hàng để chế biến sữa tươi, với sản lượng khoảng 7.500-8.000 tấn. Các đơn vị khác đều trông chờ vào nguồn sữa bột nhập khẩu, nhưng trên thị trường lại đầy sản phẩm sữa tươi tiệt trùng. Hàng ở đâu ra mà nhiều quá vậy?", Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang cũng thắc mắc.
Lập lờ trong cách dùng từ
Theo tiêu chuẩn TCVN 7029:2002, những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha trộn từ nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa các loại, nước, qua xử lý nhiệt độ cao, được gọi là sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Sản phẩm này khi lưu hành, trên nhãn phải ghi rõ là sữa hoàn nguyên tiệt trùng.
"Đa phần các sản phẩm sữa tươi đang bày bán hiện nay là sữa hoàn nguyên. Các doanh nghiệp đã lạm dụng từ sữa tươi. Đây là hành vi thiếu minh bạch, đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm", Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch tỏ ra bức xúc khi trao đổi với VnExpress.
Không chỉ lập lờ trong cách gọi tên sản phẩm, các doanh nghiệp còn né bằng cách công bố rất sơ sài về thành phần nguyên liệu dùng để chế biến. Hàng chục nhãn sữa đang bày bán trên thị trường đều chỉ ghi thành phần gồm sữa tươi, sữa bột béo, phụ gia... Song không công bố chi tiết sữa tươi chiếm tỷ lệ bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm là sữa bột béo.
Theo ông Lê Bá Lịch, các doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng trong các quy định hiện hành về ghi nhãn mác để vô tư "lách", không phải ghi thành phần định lượng. Trong tất cả các văn bản hiện nay, từ Quyết định 178 ban hành năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ /QĐ - TTg về ghi nhãn sản phẩm, tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành, quy định của Bộ Thương mại... đều không bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tỷ lệ các thành phần.
Trả lời VnExpress về chuyện ghi nhãn mác, đại diện một công ty sữa thoái thác: "Quy định đến đâu thì thực hiện đến đó".
Bất công với người tiêu dùng
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng gia tăng. |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sữa và nước giải khát Hancofood Lê Viết Hà cho rằng trên thế giới, công nghệ pha chế sữa bột thành sữa tươi tiệt trùng được công nhận và có tên chính thức là hoàn nguyên, tức trở lại trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận, nguyên liệu sữa bột dùng để chế biến chính là loại sữa tươi đã qua xử lý, tách thành phần, chỉ còn bột và nhiều dinh dưỡng có trong sữa tươi cũng bị mất đi sau từng khâu chế biến. Để đảm bảo chất lượng bằng với sữa tươi nguyên chất, khi hoàn nguyên, nhà sản xuất phải bổ sung vitamin, khoáng chất. Song, công đoạn bổ sung này đến đâu thì còn tùy thuộc vào nhà sản xuất.
Một chuyên gia về dinh dưỡng thực phẩm tại TP HCM cho hay, muốn chế biến từ nguyên liệu sữa tươi nguyên chất, các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ tiệt trùng UHT để không lên men và bảo quản được trong 3-6 tháng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dây chuyền công nghệ UHT rất đắt, cách dễ làm nhất là dùng sữa bột pha chế thành sữa tươi. "Vấn đề là phải ghi rõ đây chưa phải sữa tươi nguyên chất. Nếu không bổ sung vitamin và khoáng chất thì không đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho người dùng", chuyên gia dinh dưỡng này nhấn mạnh.
Theo quy định, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, các doanh nghiệp phải đăng ký và công bố chất lượng, cơ quan quản lý sẽ xem xét các tiêu chuẩn có đảm bảo yêu cầu hay không mới cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang thừa nhận chất lượng và giá bán sữa hiện nay đang bị thả nổi, và việc quản lý cũng đang là vấn đề nan giải. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao chủ trì xây dựng đề án quản lý, nhưng cũng đang loay triển khai và vẫn đang ở giai đoạn đầu. "Chúng tôi đang phối với các bộ ngành khác để tìm quy chế. Chẳng hạn Bộ Công nghiệp - quy hoạch lại hoạt động của ngành sữa. Bộ Y tế đảm bảo vấn đề về vệ sinh an toàn, Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách những vấn đề liên quan đến nhãn mác và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm... Có như vậy mới mong xốc lại được tình hình", ông Vang nói.
Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết ngay trong tháng 9 này sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường kiểm tra một số cơ sở sản xuất sữa. Nếu phát hiện cơ sở nào có hành vi gian lận thương mại sẽ xử lý nghiêm.
Trong lúc cơ quan quản lý còn lúng túng, chưa ra tay, một bộ phận người tiêu dùng đang có xu hướng chia tay với sữa tươi. Ông Trần Văn Kiệt, giám đốc một công ty dược phẩm cho biết, trước đây ông luôn khẳng định sữa tươi chất lượng tốt hơn sữa bột nên chỉ cho con uống tươi. Song giờ ông đã cắt hẳn khẩu phần sữa tươi hằng ngày trong thực đơn của con, thay bằng sữa bột.
Sức mua sữa tươi tại các siêu thị TP HCM tuần qua cũng giảm mạnh. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Nguyễn Trãi cho hay, khách hàng của siêu thị vốn rất nhạy về chất lượng sản phẩm nên đã dè dặt hơn khi chọn mua sữa tươi. Lượng sữa tươi được tiêu thụ trong tuần qua tại siêu thị này đã giảm 50-60%.
Nhóm phóng viên