Tại hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học ngày 2/2, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá học kỳ đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới lớp 1 đã bước đầu đạt được mục tiêu đặt ra.
Với kết quả đạt được ở hai môn Toán và Tiếng Việt khá cao, ông Độ cho rằng có thể khẳng định "đến giờ phút này học sinh tiếp cận chương trình mới một cách nhẹ nhàng, giáo viên được dạy một cách phù hợp".
Một số tỉnh thành còn khó khăn nhưng vẫn có tỷ lệ học sinh đạt mức hoàn thành và hoàn thành tốt hai môn Toán và Tiếng Việt cao như An Giang, Lạng Sơn. Ông Hồ Công Liêm, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn, cho biết tỷ lệ này ở môn Tiếng Việt là 97,65%, tăng 0,25% so với năm trước, môn Toán là 98,7%, giảm nhẹ 0,1%. "Như vậy, kết quả lớp 1 cơ bản ổn định", ông Liêm nói.
Còn ở An Giang, dù có nhiều xã biên giới, một số trường có hơn 95% học sinh là người dân tộc thiểu số, có nhiều khó khăn, nhưng tỷ lệ học sinh lớp 1 hoàn thành và hoàn thành tốt môn Tiếng Việt và Toán cũng ở mức 98,48 và 98,44%.
Ngoài những số liệu thống kê, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương chia sẻ theo khảo sát, học sinh đã có thể đọc trơn tốt, một số em đã đọc văn bản thành thạo. Các em tự tin, chủ động hơn, phát huy được năng lực của mình như yêu cầu chương trình mới đề ra.
Trước chia sẻ của các địa phương, Thứ trưởng Độ đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, đặc biệt là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. "Các Sở đều ưu tiên dành những gì tốt nhất cho lớp 1", ông Độ nói. Dẫn chứng từ việc còn nhiều tỉnh, thành phố bố trí dạy 25 tiết/tuần thì đến nay các tỉnh đều cho học sinh lớp 1 học hai buổi/ngày. Các tỉnh cần cố gắng để lớp 2, 3, 4 trẻ được học hai buổi/ngày.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra một vài tồn tại khi thực hiện chương trình. Thứ nhất, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 sắp xếp số lượng âm vần mỗi bài, ngữ liệu chưa phù hợp, buộc giáo viên chủ động khắc phục. "Một số tỉnh tôi đi kiểm tra trực tiếp như Bắc Giang, các cô giáo đã xây dựng kế hoạch nhà trường, lựa chọn sử dụng ngữ liệu thay thế, có kế hoạch triển khai thực tế ở địa phương", ông Độ chia sẻ.
Một tồn tại khác là vẫn còn một số tỉnh bố trí học sinh học ở điểm lẻ, ghép lớp. Ông Độ đề nghị các địa phương quan tâm để hạn chế lớp ghép tiểu học, nên dành những gì tốt nhất cho học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1.
Về sĩ số học sinh, báo cáo tổng hợp cho thấy trung bình cả nước có 31,5 học sinh tiểu học trong một lớp nhưng ở các thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp thì sĩ số cao hơn rất nhiều khiến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Ông Độ yêu cầu các địa phương tiếp tục khắc phục trong thời gian tới để có thể triển khai chương trình mới ở các lớp cao hơn được thuận lợi.