Hầu hết học sinh lớp cô Quỳnh Anh đọc to, không vấp. So với mọi năm, cô đánh giá học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 biết đọc sớm hơn và đọc trơn tương đối tốt. "Mọi năm, hết học kỳ I học sinh mới nhớ âm và vần, nhưng giờ các em có thể đọc hiểu những mẩu truyện dài nửa trang giấy", cô Quỳnh Anh nói.
Cách đây gần năm tháng, cô Quỳnh Anh với gần 10 năm kinh nghiệm dạy lớp 1 lo lắng khi phải bắt nhịp với chương trình và sách giáo khoa mới. Lượng âm, vần dồn dập khiến cả cô, trò và phụ huynh mệt nhoài sau mỗi ngày học. Nhiều phụ huynh nhắn tin cho cô bộc bạch "không biết con có thể đọc, viết được hay không". Cô chỉ biết động viên "nhìn vào chương trình và sách thì học sinh có thể đọc trôi chảy sau khi hết học kỳ I".
Dù việc dạy học áp lực hơn, cô Quỳnh Anh cho rằng việc phải làm quen với chương trình và sách mới cũng mang đến mặt tích cực là phụ huynh sát sao với con hơn. Những năm trước, khi dặn bố mẹ kèm con đọc bài buổi tối, nhiều người kêu bận không làm. Còn năm nay, cô nhận được sự phối hợp rất tốt từ phụ huynh. Hầu như ai cũng hợp tác để kèm cặp con, rồi trao đổi lại với giáo viên. Đây là một trong những lý do giúp học sinh tiến bộ nhanh.
Hiện học sinh lớp 1 của quận Đống Đa tập viết cả chữ nhỏ và chữ lớn để 5 tuần nữa (tuần 25) chuyển sang mẫu chữ mới. Mỗi bài, các bé được học khoảng 2-3 vần, mức độ tương đương với chương trình cũ. Do đã quen với nhịp độ, chương trình và sách giáo khoa mới nên giáo viên, học sinh và cả phụ huynh không còn áp lực, nhờ đó kết quả đạt được cũng khả quan hơn.
Gần 20 năm kinh nghiệm dạy lớp 1, cô Thu, giáo viên một trường tiểu học ở TP Pleiku (Gia Lai) thấy sốc khi chương trình và sách giáo khoa mới bị phản ứng ngay những tuần đầu năm học. Ban giám hiệu nhà trường sau đó đã họp tổ chuyên môn và xác định chương trình giáo dục phổ thông mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là phương tiện để giảng dạy. Giáo viên được quyền chủ động. Bài học, ngữ liệu nào không phù hợp (theo quan điểm chung của tổ chuyên môn) được thay thế bởi sách, tài liệu khác, miễn học sinh nắm được yêu cầu.
Qua học kỳ I, cô Thu nhận thấy học sinh lớp 1 năm nay tiến bộ hơn nhiều năm trước, nhất là môn Tiếng Việt. Khoảng 2/3 trong số 40 học sinh lớp cô có thể đọc rõ các âm, vần khó, đọc tốt câu đơn giản hoặc đoạn văn ngắn 2-3 câu. Trong khi mọi năm, ở thời điểm này, chỉ khoảng nửa lớp làm được điều đó. Nội dung bài học trong sách giáo khoa mới khá đa dạng, minh họa rõ ràng, giúp học sinh thêm hào hứng, cha mẹ dễ dàng nhận biết để giúp con trong các bài tập thực hành.
Tại Bắc Giang, nhiều trường chọn sách Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, với lượng vần học ở mỗi bài nhiều hơn và tốc độ nhanh hơn một chút so với bộ Cánh Diều. Đến tuần đầu tiên của học kỳ II, hầu hết học sinh đã có thể đọc một bài tập đọc hoàn chỉnh và bước đầu trả lời được câu hỏi.
Cô Chu Thị Huyền, trường Tiểu học Bích Sơn, huyện Việt Yên, khẳng định học sinh học theo chương trình, sách giáo khoa mới đọc thông viết thạo nhanh hơn so với chương trình cũ. "Như ở môn Tiếng Việt, nếu ở chương trình cũ, phải khoảng giữa học kỳ II các con mới học hết âm vần và có thể đọc các đoạn văn thì ở chương trình mới hết kỳ I các con đã ổn rồi. Bài tập đọc đầu tiên của học kỳ II, các con đã đọc tốt và bắt đầu đọc hiểu, suy ngẫm để trả lời được một hoặc một số câu hỏi dựa vào nội dung bài cũng như viết được ra câu trả lời", cô Huyền nói.
Ngoài yêu cầu cần đạt về mặt kiến thức, cô Huyền thấy học sinh lớp 1 năm nay phát triển năng lực tốt hơn hẳn so với khi học chương trình cũ, thể hiện ở khả năng tự chủ, giao tiếp, hợp tác, ngôn ngữ, tư duy. Học sinh chủ động thảo luận nhóm đôi hoặc nhóm bốn khi gặp yêu cầu khó.
Kết thúc học kỳ I, 36 học sinh lớp cô Huyền chủ nhiệm đều đạt yêu cầu. Đa số đạt ở mức độ cao, tức đọc thông viết tốt, đọc hiểu, tính toán được. Một số ít còn lại chậm hơn. Với nhóm này, cô không yêu cầu học sinh phải đọc hay trả lời hết các câu hỏi trong sách mà linh hoạt đưa ra yêu cầu phù hợp năng lực từng em.
Kết thúc học kỳ I, 33 học sinh lớp cô Đỗ Thị Trang, trường Tiểu học Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa), đều đạt yêu cầu. Trong đó hầu hết đọc thông viết thạo, một số bạn đọc chậm hơn được cô thiết kế bảng vần riêng cho dễ học và nhờ bố mẹ cho con ôn luyện thêm nên cuối kỳ đã bắt kịp các bạn. Ngoài ra, có một bạn chậm hơn nhưng do có vấn đề sức khỏe chứ không phải chậm do chương trình. Hiện các em đã học bài tập đọc thứ hai môn Tiếng Việt và học đến số 16 ở môn Toán.
Ở học kỳ I, cô giáo khá vất vả để giúp các con bắt nhịp được bởi có những bài học tới 4 vần. Tuy nhiên bước sang kỳ II, cô cảm thấy nhẹ nhàng hơn mọi năm. "Nhờ biết đọc biết viết sớm, các con chủ động được trong nhiều hoạt động như soạn sách vở, mạnh dạn, tự tin hơn", cô Trang chia sẻ, lên kế hoạch thời gian tới sẽ đầu tư cho học sinh luyện viết nhiều hơn vào các buổi học chiều bởi ở chương trình mới, tiết viết ít hơn nên chữ nhiều em chưa đẹp.
Cô Phạm Thu Hương, giáo viên một trường tiểu học ngoại thành TP HCM, nhận thấy đa số học sinh trong lớp theo kịp chương trình, đạt được các yêu cầu sau khi kết thúc học kỳ I. Khoảng 10 em học chậm, đọc chậm, viết chưa tốt được cô ưu tiên rèn giũa, mục tiêu là cuối năm theo kịp bạn học.
Từ góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Văn Tần, quận 6, cho rằng chương trình mới đem đến hiệu quả tích cực và rõ rệt. Học sinh không chỉ học kiến thức mà được trải nghiệm nhiều hơn, phát triển đồng đều năng lực, phẩm chất, đạo đức. Thiết kế chương trình và sách giáo khoa mới giúp giáo viên linh hoạt trong giờ dạy, học sinh nhờ đó thoải mái tiếp thu.
Theo bà Hằng, để chương trình mới được áp dụng suôn sẻ, hiệu quả, trường rất cần sự ủng hộ từ phía phụ huynh. Nhiều tháng trước khi năm học bắt đầu, sau khi chọn được sách giáo khoa Chân trời sáng tạo, trường họp ban đại diện cha mẹ học sinh để phổ biến những điểm mới trong năm nay. Nhờ sự thấu hiểu này, phụ huynh đồng thuận và hỗ trợ nhà trường nhiều trong bối cảnh dư luận xã hội có những phản ứng trái chiều về sách giáo khoa mới.
"Hiện tại giáo viên được phát huy hết khả năng sáng tạo, linh động và chủ động hơn. Ngữ liệu dạy học, hình ảnh có thể lấy từ nhiều nguồn, tham khảo nhiều nguồn mới và phát triển thêm cho phong phú", nữ hiệu trưởng chia sẻ.
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.
Sau gần một tháng học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều phụ huynh than phiền chương trình quá "nặng", gây căng thẳng cho học sinh, trong khi sách giáo khoa có nhiều điểm tranh cãi, đặc biệt là sách Tiếng Việt
Trả lời VnExpress, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Muốn thế thì theo chương trình nào cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. "Chương trình mới không thể thêm chữ nào, vần nào vào tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ", ông Thuyết nói.
Dương Tâm - Mạnh Tùng - Thanh Hằng