Theo Lương y Trần Nam Hoàn, Phó Chủ tịch Hội châm cứu TP HCM, trong Đông y, đau dạ dày thuộc chứng vị quản thống (đau ống tiêu hóa). Bệnh nhân thường có triệu chứng đau, nóng rát vùng bụng, đau âm ỉ hoặc quặn thắt từng cơn. Chứng bệnh này dễ khiến miệng có mùi hôi, mi mắt hay mọc lẹo, nhọt.
Bệnh có nhiều nguyên nhân. Có thể do người bệnh nạp quá nhiều protein từ thực phẩm là động vật, hải sản vào cơ thể khiến dạ dày phải hoạt động, co bóp và tiết nhiều axit dịch vị hơn để tiêu hóa hết lượng thức ăn này; hoặc do ăn quá nhiều gia vị chua, cay, uống rượu bia lâu ngày.
Chế độ sinh hoạt không điều độ cũng làm dạ dày bị nóng, dẫn đến tổn thương. Đặc biệt, các cơn nóng giận, lo âu, căng thẳng thần kinh khiến dạ dày tiết ra nhiều axit HCL, gây viêm loét niêm mạc dạ dày, tá tràng.
Đông y đã đúc kết trong câu "đa tư tổn tỳ, đa ưu tổn phế", tức là nghĩ ngợi nhiều hại bao tử, buồn phiền lắm hại phổi.
Lương y Nam Hoàn khuyên người đau dạ dày nên chủ động thăm khám, điều trị sớm để tránh mạn tính và tác động xấu đến các bộ phận khác. Lương y giải thích, vì loại bệnh này có tương quan trực tiếp đến hoạt động của ngũ tạng (tim, gan, lách, phổi, thận). Ngũ tạng có vấn đề, tất yếu ảnh hưởng đến dạ dày, làm phát sinh tổn thương. Muốn điều trị đau dạ dày dứt điểm thì phải tìm ra căn nguyên.
Từ các nguyên nhân, triệu chứng và thể trạng từng người, thầy thuốc sẽ bốc các bài thuốc với vị và liều lượng phù hợp, không có bài thuốc nào đặc trị chung cho tất cả các bệnh nhân đau dạ dày.
Tuy nhiên, theo lương y Nam Hoàn, vẫn có một bài thuốc nam cổ xưa, rất đơn giản, an toàn, có thể ngăn ngừa, làm giảm các cơn đau dạ dày: 5 loại đậu xanh, vàng, đen, trắng, đỏ. Cơn đau dạ dày sẽ được giảm thông qua việc dưỡng chất trong các hạt điều tiết, bồi bổ ngũ tạng.
Hạt đậu đen (ô đậu) nhiều vi khoáng, bổ huyết, lợi tiểu, giải độc cho thận. Đậu xanh (lục đậu) làm mát, thanh nhiệt, giải chứng ngộ độc thức ăn cho gan. Đậu đỏ (xích tiểu đậu) tăng hồng cầu, điều hòa nhịp tim, giúp dễ ngủ. Đậu trắng (bạch tiểu đậu) bồi bổ, tăng chức năng tuần hoàn của phổi. Đậu vàng (đậu nành) giàu chất xơ, giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn, đồng thời trung hòa dưỡng chất trong bốn loại đậu trên.
Người bệnh lấy đều năm loại đậu này, rửa sạch, loại bỏ hạt lép, đem phơi khô, rang hoặc sấy chín. Sau đó nghiền thành bột mịn. Khi dùng, lấy từng lượng nhỏ pha với nước sôi, có thể thêm chút đường hoặc mật ong vừa uống. Nên uống vào bữa sáng, tối hàng ngày để dạ dày điều tiết và tiêu hóa tốt hơn. Năm loại đậu này còn có thể ngâm qua đêm rồi nấu cháo để đổi vị.
Ngoài việc dùng thuốc, để phòng ngừa và chữa trị đau dạ dày có hiệu quả, tự người bệnh phải sinh hoạt theo đồng hồ sinh học. Ban ngày làm việc, vận động, ban đêm tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi để các cơ quan nội tạng không bị đảo lộn thời gian hồi phục, bài tiết. Việc này cũng giúp thần kinh được thư giãn, giảm tác động tiêu cực lên dạ dày.
Việc thay đổi chế độ ăn uống, tăng rau, giảm thịt và hải sản; ăn chậm, nhai kỹ cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Thư Anh