Tại hội trường đại học Văn Lang, họ thể hiện các tiết mục: điệu múa chào mừng tên Nhật nguyệt Bát thiên vương, ba trích đoạn Ôn Đình chém Tá, Bà Huyện đánh ghen và Trần Bình Trọng tuẫn tiết.
Nhiều sinh viên hào hứng khi thưởng thức loại hình nghệ thuật cổ truyền. Khán giả reo hò hưởng ứng khi xem cảnh Khương Linh Tá (nghệ sĩ Bảo Châu đóng) bị Tạ Ôn Đình (nghệ sĩ Đông Hồ) chém rơi đầu. Trích đoạn Bà Huyện đánh ghen làm người xem cười ngả nghiêng trước tình huống ông Huyện bị bà Huyện bắt gặp và đánh trên đường sang nhà Thị Hến. Đến tiết mục Trần Bình Trọng tuẫn tiết, khán phòng im lặng, người xem chăm chú vào từng lời thoại, câu hát, động tác của các nhân vật và dành nhiều tràng pháo tay tán thưởng.
Trịnh Chí Vĩ - sinh viên - cho biết xúc động trước những lời thoại trong vở diễn, nhất là câu "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng (nghệ sĩ Xuân Quan đóng). Chí Vĩ nói thêm: "Lần đầu tiên tôi xem hát bội và thấy các tiết mục đầu tư rất công phu. Phong cách biểu diễn tường cổ của các nghệ sĩ hài hòa, ăn ý ở từng hành động, cử chỉ đến sắc thái cảm xúc. Khi quan sát, tôi có thể rút ra những kinh nghiệm cho chuyên ngành học diễn viên của mình".
Nghệ sĩ Xuân Quan nói rất vui khi diễn loại hình nghệ thuật này trước sinh viên. "Dù một trích đoạn chỉ khoảng 15 - 20 phút nhưng chúng tôi phải tập rất kỹ. Đoàn cố gắng diễn nhiều tác phẩm trong một buổi để các em được tiếp cận hát bội nhiều hơn", ông cho biết.
Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Danh giới thiệu các bạn trẻ những nét đặc trưng của hát bội như hóa trang mặt, tính ước lệ tượng trưng, tính văn chương và âm nhạc. Theo ông, có hai màu mặt cơ bản là đỏ và trắng. Mặt đỏ tượng trưng cho người tốt, nghĩa khí, trung thành với vua. Mặt màu trắng chỉ gian thần hay nịnh bợ vua, hãm hại người khác. Ngoài ra, có nhiều màu khác như mặt xanh thể hiện sự thông tuệ, liều lĩnh nhưng yểu mạng. Màu vàng để hóa trang người có tấm lòng nhân hậu, từ bi. Mặt vẽ màu đen nhạt dành cho người dân dã ít ăn học nhưng hay giúp đỡ người khác. Nhân vật có mặt rằn mang râu có tính tình hùng dũng, dữ tợn và sức khỏe phi thường. Do đó, hóa trang được xem là một loại ngôn ngữ thể hiện phẩm chất, tính khí của nhân vật.
Bên cạnh đó, hát bội còn mang giá trị nghệ thuật với tính ước lệ theo nghệ thuật cung đình - phục vụ vua chúa trên sân khấu, khác với cải lương - nghệ thuật dân gian, tả thực. Tính tượng trưng trong ước lệ là lấy cái cụ thể miêu tả cái trừu tượng như: chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình, khi khóc không cần lên tiếng mà chỉ gục đầu xuống cánh tay, còn cây roi được thắt năm chùm dây được hiểu là roi ngựa...
Ngoài ra, nghệ sĩ Hữu Danh còn cho biết văn chương trong hát bội được viết theo lối biền ngẫu - biền là hai con ngựa chạy song song, ngẫu là chẵn đôi - hai câu đối nhau. Ví dụ, câu đầu là "sạch sành sanh" thì câu sau phải là "tất tần tật", hoặc hai câu: "Sơn cách thủy cách tình nan cách/ Tinh di nguyệt di chí bất di" được sử dụng trong bối cảnh hai vợ chồng chia tay nhau để người chồng đi đánh giặc. Hai câu này có nghĩa là dù hai người xa nhau, bị ngăn cách bởi sông núi nhưng lòng vẫn hướng về nhau, và sao trăng có thể đổi dời nhưng tình yêu nước vẫn luôn son sắt - thể hiện sự thủy chung trong nghĩa vợ chồng và chí trai đối với quê hương một lòng không đổi.
Âm thanh cũng là yếu tố quan trọng trong hát bội. Dàn nhạc được đặt bên phải sân khấu cũng như bên trái khán giả. Âm nhạc có ba loại: nhạc gõ, nhạc dây và nhạc hơi. Nhạc gõ gồm các loại trống chầu, trống chiến... và chiêng. Nhạc cụ thuộc nhạc dây là đàn guitar phím lõm, đàn gáo, đàn cò, đàn sến... Còn nhạc hơi là kèn, sáo, tiêu...
Buổi giao lưu nằm trong chương trình Sân khấu học đường do Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo, Nhà hát Nghệ thuật Hát TP HCM bội phối hợp với khoa Nghệ thuật, Sân khấu và Điện ảnh Đại học Văn Lang tổ chức. Sự kiện nhằm tạo sân chơi cho sinh viên, góp phần bảo tồn và giới thiệu hát bội đến người trẻ.
Ngọc Yến