Tương lai thương hiệu Sussex Royal (Hoàng gia Sussex) của Công tước và Nữ Công tước Sussex đang bị hoài nghi sau khi Nữ hoàng Elizabeth cấm Harry - Meghan sử dụng danh hiệu "Hoàng tử và Công nương", đồng thời thông báo họ không còn đóng vai trò đại diện chính thức cho hoàng gia Anh.
Với tuyên bố rời hoàng gia của mình, hai vợ chồng đã chấp nhận đánh đổi địa vị hoàng gia để có quyền tự do "hoàn toàn và tuyệt đối", đồng thời không phải chịu bất kỳ ràng buộc tài chính nào từ Điện Buckingham trong các thỏa thuận thương mại tương lai.
Động thái cứng rắn của Nữ hoàng Elizabeth II chắc chắn là điều hai người không mong muốn, bởi họ lâu nay vẫn hy vọng có thể vừa điều hành những dự án kinh doanh riêng vừa tham gia công việc hoàng gia với vai trò không chính thức.
Harry hôm 19/1 cho biết cặp đôi cảm thấy "không còn lựa chọn nào" ngoài tránh sang một bên. BBC tối qua đưa tin Công tước Sussex đã bay tới Canada, nơi anh sẽ cùng vợ và con trai dành hầu hết thời gian trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài một năm sắp tới.
Sussex Royal là thương hiệu nhận diện chính của Harry và Meghan trên các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm trang web mới của họ, tài khoản Instagram và quỹ từ thiện tương lai.
Liệu họ có thể tiếp tục sử dụng thương hiệu này nữa hay không là một trong rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Giới phê bình cho rằng việc để Harry - Meghan giữ lại thương hiệu này là không hợp lý bởi Nữ hoàng đã ra thông điệp rõ ràng rằng họ không còn được phép giao dịch dựa trên thân phận hoàng gia.
"Họ phải đấu tranh vì nó. Họ có thể là ai khác được nữa. Harry và Meghan Windsor ư?", Mark Borkowski, chuyên gia hàng đầu về quan hệ công chúng, bình luận.
Thay đổi thương hiệu sẽ "rất tốn kém và cực kỳ phức tạp", ông nói. "Vô số doanh nhân ngoài kia đang tìm kiếm các biến thể của cái tên đó và đã tạo ra vô vàn mảnh đất màu mỡ cho thương hiệu đó phát triển".
Giữ lại thương hiệu Sussex Royal có thể khiến Harry - Meghan bị chỉ trích, nhưng việc từ bỏ nó cũng không thể giúp họ thoát khỏi sự dò xét. "Không gì ngăn được mức độ gây chú ý của họ, bất kể họ làm gì", Borkowski nhấn mạnh.
Theo David Haigh, giám đốc điều hành công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance, một giải pháp cho Harry và Meghan là họ chỉ sử dụng thương hiệu Sussex Royal trong các hoạt động từ thiện.
"Tôi nghĩ họ đã được nhiều người khuyên làm vậy. Họ nên có những thương hiệu khác cho các hoạt động thương mại và việc làm này sẽ giúp cặp đôi truyền đi thông điệp rằng họ không cố tìm cách kiếm tiền dựa trên di sản hoàng gia của mình, ít nhất là không quá công khai", Haigh nhận xét.
Đến nay, vẫn còn những điều chưa rõ ràng về việc Harry và Meghan sẽ mang chính xác danh hiệu gì sau khi họ rút khỏi các nghĩa vụ hoàng gia.
Sau thông báo từ Nữ hoàng về thỏa thuận với cặp đôi, các nguồn tin cho rằng danh hiệu chính thức của họ sẽ đổi thành Harry, Công tước xứ Sussex, và Meghan, Nữ công tước xứ Sussex.
Harry - Meghan đã nộp đơn đăng ký "Sussex Royal" làm thương hiệu toàn cầu cho hàng loạt vật phẩm và dịch vụ như quần áo, văn phòng phẩm hay hoạt động của các "nhóm hỗ trợ tâm lý".
Các cố vấn của hai vợ chồng đã nộp đơn đăng ký thương hiệu "Sussex Royal" lên Cơ quan Quản lý Sở hữu Trí tuệ Anh từ tháng 6 năm ngoái và quyền sở hữu được chuyển cho họ vào tháng 12.
Haigh cho biết việc dùng từ "hoàng gia" trong các thương hiệu ở Anh là điều vô cùng khó khăn bởi đây là từ được giám sát và bảo vệ chặt chẽ. Nếu muốn thay đổi, Harry - Meghan nên thực hiện sớm, ông lưu ý.
"Vấn đề chỉ nảy sinh khi nó trở nên nổi tiếng và mọi người đều biết về nó", Haigh nói. "Hiện tại, mọi người đều biết về Harry và Meghan nhưng tôi không nghĩ Sussex Royal là một thương hiệu nổi tiếng. Cá nhân tôi thấy nó còn không phải một thương hiệu quá tốt. Tôi nghĩ họ nên tìm một thương hiệu khác".
Bên cạnh đó, việc bảo vệ thương hiệu Sussex Royal trên thị trường toàn cầu cũng là công việc "vô cùng vất vả", Haigh đánh giá. "Thực tế, đấy là một bãi mìn. Họ sẽ gặp những vấn đề thực sự".
"Nếu không nghĩ thấu đáo vấn đề này, họ sẽ phải đối mặt với vô số thách thức lớn phía trước", Borkowski nói.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)