Giáo sư John Long, một nhà cổ sinh vật học của Đại học Flinders, cho biết ông cùng nhóm chuyên gia đưa ra kết luận sau quá trình nghiên cứu phần xương hình chữ L của cá da phiến (Antiarch placoderm). Đây có thể là bộ phận sinh dục của con cá đực.
Long tin rằng đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự khác biệt giữa cá thể đực - cái và hành vi giao phối để duy trì nòi giống trong các hồ nước. Dựa trên hình dạng của cấu trúc xương, các nhà nghiên cứu xác định phương thức giao phối theo chiều ngang. Theo IB Times, đây không chỉ là phát hiện về cấu trúc xương của cá da phiến, mà còn là bằng chứng về sự tiến hóa trong hành vi của chúng.
Các chuyên gia từng nhận định rằng giao phối bắt đầu ở các loài động vật xương sống có quai hàm, nhưng từ cách đây khoảng 380 triệu năm, muộn hơn khoảng 50 năm triệu so với kết quả mới công bố. Trước đó, phương thức sinh sản của động vật được cho là thực hiện bằng hình thức phát sinh giao tử trong nước để thụ tinh.
Cá da phiến (Placodermi) là một lớp cá có giáp tiền sử. Chúng từng sống trong các hồ nước thuộc khu vực Scotland ngày nay và tuyệt chủng từ cách đây 360 triệu năm.
Linh Anh