Những ngày cuối cùng của Thế chiến II (1939-1945), Liên Xô và Mỹ thống nhất phân chia bán đảo Triều Tiên thành hai khu vực dọc theo vĩ tuyến 38. Năm 1948, hai miền Triều Tiên tuyên bố thành lập nhà nước, miền bắc là chính phủ Kim Nhật Thành được Liên Xô ủng hộ và miền Nam là chính phủ Seoul dưới sự bảo trợ của Mỹ, theo AFP.
Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ hai năm sau đó và kết thúc bằng một hiệp đình đình chiến năm 1953 thiết lập Khu Phi quân sự phân chia bán đảo cho đến ngày nay.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Triều Tiên khẳng định đã phá âm mưu đảo chính quân đội khi họ bắt giữ một tàu do thám Mỹ vào năm 1968. Bình Nhưỡng tuyên bố tàu USS Pueblo đã xâm phạm lãnh hải và giữ 83 thành viên thủy thủ đoàn trong vòng 11 tháng. Washington phủ nhận cáo buộc này. Con tàu không bao giờ được trả lại và hiện còn được trưng bày ở Bình Nhưỡng.
Năm 1976, hai sĩ quan quân đội Mỹ bị binh lính Triều Tiên bắn chết khi đang cố gắng chặt hạ một cái cây ở Khu Phi quân sự trong sự cố mang tên "Axe Murder Incident". Để đáp trả, Washington triển khai lực lượng vũ trang hùng hậu cùng các chiến đấu cơ và tàu sân bay tới bán đảo.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và kinh tế Triều Tiên tiêu điều vì nạn đói tàn phán, thái độ của thế giới bên ngoài với Bình Nhưỡng bắt đầu dịu xuống.
Tháng 6/1994, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter có chuyến viếng thăm chưa từng có tới Triều Tiên. Cuối năm đó, hai nước ký Hiệp định khung về vũ khí hạt nhân, theo đó Washington sẽ cung cấp 500.000 tấn dầu mỗi năm và hỗ trợ xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử sử dụng nước nhẹ, đổi lại, Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
Tình trạng bớt căng thẳng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Năm 1998, Bình Nhưỡng phóng tên lửa đa tầng đầu tiên và nói rằng đó là nỗ lực đưa vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo. Tuy nhiên, một năm sau đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tuyên bố lệnh dừng phóng tên lửa và Washington giảm bớt trừng phạt. Tháng 10/2000, ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng.
Quan hệ hai bên lại tiếp tục xấu đi dưới thời tổng thống George W. Bush, người đưa Triều Tiên cùng Iran và Iraq vào "trục ma quỷ" năm 2002. Washington cáo buộc Bình Nhưỡng tiến hành chương trình làm giàu uranium bí mật, vi phạm các thỏa thuận trước đó. Điều này được chứng minh là đúng khi vào năm 2006, Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa đầu tiên.
Ba năm sau đó, Bình Nhưỡng rời khỏi đàm phán sáu bên, một tiến trình do Trung Quốc chủ trì, có sự tham gia của Mỹ, và tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai. Thử nghiệm vũ khí tăng tốc sau khi Kim Jong-il qua đời vào năm 2011 và con trai Kim Jong-un kế nhiệm.
Năm 2017, Triều Tiên thực hiện vụ thử nghiệm thứ 6 và cũng là vụ nổ hạt nhân lớn nhất với đương lượng nổ ước tính lên tới 250 kiloton, mạnh gấp hơn 11 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật và phóng các tên lửa có thể vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ. Kim Jong-un sau đó tuyên bố hoàn thành chương trình hạt nhân.
Những vụ thử nghiệm liên tiếp của Triều Tiên trùng hợp với năm đầu tiên ở Nhà Trắng của Trump. Trong suốt năm 2017, Trump và Kim Jong-un liên tục công kích cá nhân và đe dọa chiến tranh lẫn nhau. Trump chế nhạo Kim là "người tên lửa bé nhỏ", Kim Jong-un trả đũa bằng cách gọi tổng thống Mỹ là "người lẩm cẩm loạn trí".
Năm 2018 mang đến sự thay đổi nhanh chóng với diễn biến đầu tiên là Triều Tiên gửi phái đoàn đến dự Olympic Mùa đông ở Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nắm bắt cơ hội và thực hiện các nỗ lực để Bình Nhưỡng và Washington có thể đối thoại trở lại.
Hồi tháng ba, Trump đột ngột, và dường như không có sự góp ý từ các cố vấn, chấp nhận lời mời dự hội nghị thượng đỉnh của Triều Tiên. Đến tháng 4, Kim và Moon gặp gỡ tại Khu Phi quân sự và thống nhất theo đuổi phi hạt nhân hóa cùng một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.
Có một số vấn đề xảy ra vào tháng 5, khi chỉ vài tiếng sau khi Triều Tiên phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân, Trump tuyên bố hủy bỏ hội nghị đã được lên kế hoạch.
Sau những nỗ lực ngoại giao nhanh chóng, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim được tuyên bố tiếp tục diễn ra như kế hoạch ban đầu.
Huyền Lê