Giữa những tiếng nổ của đạn cối và súng máy hôm 1/9, một sĩ quan Ukraine nói với đội thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng việc tiếp tục tiến đến nhà máy điện hạt nhân do Nga kiểm soát ở miền nam nước này là quá nguy hiểm.
"Tiếng nổ ngày càng dữ dội", khi lực lượng Ukraine giao tranh với Nga gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở tỉnh cùng tên, Rafael Grossi, tổng giám đốc IAEA, kể lại. "Câu hỏi được đặt ra cho tôi là tiếp tục tiến lên hay quay về. Nhưng tôi nói chúng tôi sẽ tiếp tục".
Sau 4 tiếng chờ đợi, Grossi cảnh báo sĩ quan Ukraine rằng nếu anh ta không cho phép phái đoàn thanh sát viên đi qua chốt kiểm soát, ông sẽ thông báo rằng quân đội Ukraine đã ngăn chặn sứ mệnh của IAEA. Viên sĩ quan sau đó gọi điện cho một tướng Ukraine và người này ra lệnh mở trạm kiểm soát.
14 thành viên trong nhóm của IAEA di chuyển trên một đoàn xe SUV sơn trắng từ từ tiến lên. Khi một loạt đạn vang lên gần đó, các tài xế hét lên "tăng tốc độ, hãy tăng tốc độ", ông Grossi cho hay.
Sự cố này là một trong rất nhiều trở ngại mà phái đoàn thanh sát viên IAEA phải vượt qua để tới được nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, nơi bị quân đội Nga kiểm soát ngay từ đầu cuộc xung đột.
Nhiều tuần ngoại giao hậu trường, trong đó có cuộc gọi giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã dẫn đến bước đột phá quan trọng sau nhiều tháng bế tắc, khi các cuộc đụng độ không ngừng gia tăng quanh khu nhà máy điện 6,7 gigawatt, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân. Phái đoàn IAEA cuối cùng cũng được cấp phép đến thăm nhà máy.
Tuy nhiên, tình hình nhà máy Zaporizhzhia vẫn rất bất ổn và căng thẳng. Cơ quan điều hành năng lượng Ukraine hôm 5/9 cho biết hỏa hoạn do pháo kích đã làm đứt đường dây tải điện và ngắt kết nối của nhà máy với lưới điện quốc gia. Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau về các cuộc tấn công nhằm vào nhà máy.
Trong báo cáo công bố ngày 6/9, IAEA đã nêu chi tiết hàng loạt thiệt hại mà nhà máy Zaporizhzhia phải hứng chịu, bày tỏ lo ngại về "áp lực cao độ" đang đè nặng lên các nhân viên Ukraine làm việc tại đây. IAEA kêu gọi Ukraine và Nga thiết lập một khu phi quân sự nhằm đảm bảo an toàn xung quanh nhà máy.
"Tình hình hiện tại rất nguy hiểm và cách tốt nhất để đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine cũng như người dân là chấm dứt cuộc xung đột vũ trang này ngay bây giờ", báo cáo có đoạn.
Grossi và nhóm thanh sát viên IAEA nòng cốt đã dành 4 tiếng thị sát tại nhà máy, nơi Nga triển khai lực lượng quân sự. 6 thanh sát viên vẫn tiếp tục làm việc tại đây, gửi thông tin bổ sung đến trụ sở chính của IAEA tại Vienna, Áo.
4 người trong số họ rời đi hôm 5/9, nhưng hai người sẽ bám trụ vô thời hạn tại nhà máy để theo dõi thiệt hại và ngăn việc sử dụng vật liệu hạt nhân cho mục đích quân sự.
IAEA không quy kết trách nhiệm cho Nga hay Ukraine về các vụ pháo kích, nhưng lưu ý rằng bên tấn công cố tình nhắm vào đường dây điện nối với nhà máy Zaporizhzhia.
Ý tưởng về chuyến thị sát của IAEA bắt đầu được hình thành ngày 12/8, khi Tổng thống Pháp Macron, từ khu nghỉ mát mùa hè Riviera, gọi điện cho ông Grossi, người lúc bấy giờ đang nghỉ dưỡng trên một hòn đảo Hy Lạp.
Tình hình an ninh xung quanh nhà máy Zaporizhzhia lúc đó đang xấu đi nhanh chóng. Hai tuần pháo kích dồn dập đã khiến đường dây cấp điện cho nhà máy bị ngắt. Tại thị trấn Enerhodar gần đó, nơi lưu trú của 11.000 công nhân nhà máy Zaporizhzhia, các binh sĩ Nga đang ráo riết săn lùng gián điệp Ukraine.
Ông Macron và Grossi đã thảo luận riêng về tình hình tại nhà máy Zaporizhzhia suốt nhiều tháng trước đó. Trong bối cảnh quan ngại về một "thảm họa hạt nhân" có thể xảy ra, họ quyết định đặt niềm tin vào nhau.
"Ông Grossi có đủ nhạy cảm chính trị để biết những thứ khiến Tổng thống quan ngại và Tổng thống có đủ kiến thức kỹ thuật để hiểu ông Grossi lo lắng điều gì", một quan chức cấp cao Pháp cho hay.
Tổng giám đốc IAEA đã không thể thuyết phục được các bên liên quan cho phép ông thực hiện một chuyến thăm nhà máy Zaporizhzhia từ tháng 4. Nga đã ngăn họ bằng cách đặt ra một điều kiện khó chấp nhận đối với Ukraine và phương Tây: An ninh cho phái đoàn chỉ có thể được đảm bảo nếu họ đi qua Crimea và các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine. Kiev và phương Tây lo ngại việc phái đoàn IAEA đi theo tuyến đường này có thể làm xói mòn chủ quyền của Ukraine và hợp pháp hóa chiến dịch quân sự của Nga.
Đến ngày 12/8, Tổng thống Macron thông báo với lãnh đạo IAEA rằng ông sẵn sàng nói chuyện với người đồng cấp Nga lần đầu tiên sau ba tháng nhằm giúp tổ chức chuyến thanh sát tới nhà máy Zaporizhzhia.
Bốn ngày sau, Tổng thống Macron nói với người đồng cấp Zelensky rằng ông dự định thuyết phục Tổng thống Putin cho phép IAEA tiếp cận nhà máy qua ngả Ukraine. Hai người đã thảo luận về những đảm bảo an ninh mà Kiev có thể đưa ra.
Các cuộc pháo kích vẫn tiếp tục làm rung chuyển nhà máy, cắt đứt một trong hai đường dây điện còn lại chạy vào miền nam Ukraine. Áp lực quốc tế đang gia tăng. Ngày 15/8, 42 quốc gia cùng kêu gọi Nga rút lực lượng quân sự khỏi nhà máy và cho phép chính quyền Ukraine tái kiểm soát cơ sở hạt nhân này, lặp lại tuyên bố của G7 vài ngày trước đó.
Ngày 19/8, Tổng thống Macron nói chuyện với Tổng thống Putin trong 30 phút, nhấn mạnh rằng điều tối quan trọng là Nga, với trách nhiệm của một thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cần cho phép phái đoàn IAEA tới nhà máy.
Ông Putin tiếp tục lặp lại quan điểm Moskva sẽ ủng hộ một chuyến thăm như vậy nếu họ đi qua lãnh thổ do Nga kiểm soát. Tổng thống Pháp ngắt lời người đồng cấp Nga, khẳng định "lằn ranh đỏ" của ông là không được phép làm suy yếu chủ quyền Ukraine và nhóm nên đi từ phần lãnh thổ do Ukraine kiểm soát đến nhà máy và cần đảm bảo an ninh từ Moskva. Ông Putin cuối cùng chấp thuận điều kiện, nói với người đồng cấp Pháp rằng các bộ trưởng quốc phòng phương Tây nên bắt đầu lên phương án chi tiết cho chuyến thăm.
Các quan chức Pháp cho hay đến lúc đó, họ vẫn chưa thực sự yên tâm vì sợ rằng phụ tá của Tổng thống Nga sẽ bác bỏ lời hứa. Nhưng khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu ngồi vào bàn thảo luận, họ đã thở phào nhẹ nhõm. Hai người cùng bàn bạc về thời điểm tổ chức chuyến thăm của IAEA, cũng như những đảm bảo an ninh cụ thể cho các tuyến đường khả thi. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thị sát trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky.
Giới chức Nga không bình luận về các cuộc gọi này.
Nhóm chuyên gia IAEA rời Vienna đến Kiev vào ngày 29/8. Grossi đã đăng một bức ảnh về đội 14 người của ông với gương mặt đầy quyết tâm kèm chú thích: "Ngày này đã đến".
Trong khách sạn Grand Hyatt ở Kiev, các thanh sát viên không khỏi cảm thấy lo lắng khi biết tin Ukraine đã mở cuộc phản công được chờ đợi từ lâu ở miền nam đất nước. Các quan chức Ukraine lúc này cũng bắt đầu bày tỏ lo ngại về việc sứ mệnh có thể không được đảm bảo an toàn.
Tổng thống Macron gọi cho ông Grossi vào đầu giờ sáng ngày 30/8 để thảo luận về tình hình. Sau đó cùng ngày, ông gọi cho Tổng thống Zelensky bàn về những mối quan ngại của Ukraine. Tổng giám đốc Grossi đến phủ tổng thống Ukraine và được "bật đèn xanh" cho sứ mệnh của mình, theo những người tham gia tiến trình.
Khi đoàn xe của IAEA di chuyển qua trạm kiểm soát cuối cùng của Ukraine, nó liên tục tăng tốc dọc theo những con đường hẹp, cho đến khi đến một trạm kiểm soát quân sự của Nga và từ đây di chuyển đến nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nơi họ gặp các quan chức và một nhóm phóng viên Nga.
Theo Energoatom, công ty năng lượng quốc gia Ukraine, Kiev đã tìm cách để phóng viên nước ngoài được đi cùng nhóm IAEA, nhưng phía Nga từ chối. Ông Grossi được hộ tống bởi Renat Karchaa, cố vấn chính trị từ công ty năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom, đơn vị đã cử các chuyên gia đến nhà máy.
Ông Grossi và nhóm đã kiểm tra các sảnh turbine, lò phản ứng và kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng, nhưng họ không được phép vào phòng điều khiển của nhà máy, nơi các binh sĩ Nga đã sử dụng cho mục đích khác, Tổng giám đốc IAEA cho hay.
Những chiếc xe tải quân sự được sơn ký hiệu "Z" của quân đội Nga đậu rải rác trong khu phức hợp, nhưng có rất ít binh lính xuất hiện tại đây. Những khẩu pháo và phương tiện quân sự từng xuất hiện trên ảnh vệ tinh gần đây đã không còn nữa, các quan chức tại Energoatom cho biết.
Các thanh sát viên IAEA nhận thấy những kỹ sư Ukraine rất chuyên nghiệp nhưng cũng có vẻ không vui khi làm việc tại nhà máy. "Họ dường như không bị đe dọa", Grossi nói. "Tôi đã cố nhìn thẳng vào mắt họ để xem cảm xúc thực sự của họ là gì".
Grossi muốn nói chuyện với các sĩ quan Nga tại nhà máy nên đã tiếp cận một người. "Nhưng khi nhận ra tôi muốn nói chuyện, anh ta lập tức quay mặt bước đi", ông kể.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)