Từ 1.700 năm trước, cây thanh hao hoa vàng (hay artemisia annua, ngải hoa vàng, ngải si) đã được coi là báu vật của y học cổ truyền Trung Quốc. Cây có vị đắng, tính hàn, thường được dùng để trừ nhiệt, chống nắng, trị đau trong xương, chữa ung thư. Nhà khoa học Tu Youyou tiếp tục nghiên cứu về cây thanh hao hoa vàng và đã sáng chế ra phương thuốc chữa sốt rét từ loại cây này. Nhờ công trình này, bà cùng chia giải Nobel Y học 2015 với hai nhà khoa học khác.
Tu Youyou sinh ngày 30/12/1930 tại Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc). Bà học tập tại Đại học Y Bắc Kinh, được đào tạo trong 2 năm rưỡi về y học cổ truyền và làm việc tại Viện Y học Trung Quốc sau khi tốt nghiệp.
Theo The Guardian, ngày 21/01/1969 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời người phụ nữ. Giữa cuộc Cách mạng Văn hóa, ở tuổi 39, Tu "sẵn sàng hy sinh cuộc sống cá nhân" khi được tuyển vào dự án bí mật có tên 523 theo lệnh Chủ tịch Mao để tìm ra phương thuốc chữa trị và chống lây lan sốt rét. Nhà khoa học được chuyển tới đảo Hải Nam và tận mắt chứng kiến sốt rét tấn công con người như thế nào. "Tôi thấy rất nhiều trẻ em mắc sốt rét. Các em tử vong rất nhanh chóng", Tu nhớ lại.
Trong quá trình làm việc, Tu và cộng sự đã nghiên cứu hơn 2.000 loại thảo dược Trung Quốc và xác định 640 loài có thành phần chống sốt rét nhưng không cho hiệu quả đáng kể. Tu tìm văn chương cổ đại để tham khảo và bất ngờ phát hiện chi tiết về cây thanh hao hoa vàng trong tác phẩm của Cát Hồng. Cát Hồng là một vị quan nổi tiếng đam mê Đạo giáo, thuật giả kim và bí quyết trường thọ. Cát Hồng viết rằng cây thanh hao hoa vàng giúp giảm triệu chứng của sốt rét và có thể chế thuốc bằng cách lấy một nắm cây cho vào hai lít nước, chắt lấy nước đó rồi uống hết.
Nhờ gợi ý của vị quan cổ đại cách hàng thế kỷ, Tu chiết xuất thanh hao hoa vàng ở nhiệt độ thấp để các thành phần chống sốt rét không bị mất đi. Cuối cùng bà tìm ra chất artemisinin trong loại cây này có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét thể vô tính trong hồng cầu. Không hài lòng khi thí nghiệm chỉ dừng lại ở động vật, Tu lấy chính thân mình ra để thử thuốc. "Là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tôi phải có trách nhiệm", nhà khoa học cho hay.
Sau khi thử nghiệm, thuốc có tác dụng tốt và được chứng minh an toàn cho con người sử dụng. Artemisinin trở thành công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại sốt rét ở châu Phi và châu Á. Phát hiện của Tu đã cứu sống hàng triệu người.
Được hỏi về cảm nhận khi nhận giải Nobel, người phụ nữ 84 tuổi khiêm tốn: "Tôi quá già cho chuyện này rồi". Đối với bà, cống hiến cuộc đời cho y học không phải để nổi tiếng.
Trong căn nhà nhỏ ở phía đông Bắc Kinh, nhà khoa học vẫn lưu giữ đầy đủ các ghi chép, báo cáo, hồ sơ liên quan đến quá trình tìm ra phương thuốc chữa sốt rét. "Tôi không cố tình giữ chúng. Chỉ là thói quen làm việc thôi", Tu vui vẻ nói.
Minh Nguyên