Doanh nhân Hong Kong Từ Tăng Bình đã làm được điều tưởng chừng không bao giờ có thực vào năm 1998, đó là thuyết phục một nhà máy đóng tàu Ukraine bán cho ông một tàu sân bay chưa hoàn thành của Liên Xô với giá 20 triệu USD. Ông Từ là cựu thành viên đội bóng rổ của sở Chỉ huy Quân sự Quảng Châu, ông được các quan chức hải quân tiếp cận để thay mặt Trung Quốc mua tàu sân bay. Tuy nhiên, theo lời kể của mình, ông phải tự bỏ tiền túi để hoàn thành giao dịch và không có sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
Ông Từ đạt được thỏa thuận với đối tác sau nhiều ngày đàm phán và các buổi chiêu đãi túy lúy. Đến ngày 30/4/1999, ông hoàn tất việc thanh toán và còn nhiệm vụ tiếp nữa là đưa tàu về Trung Quốc.
Sóng gió trên đường đi
Nhà máy đóng tàu Ukraine nói rõ rằng họ không có trách nhiệm đưa tàu sân bay từ Biển Đen tới Trung Quốc. Ông Từ có trách nhiệm đưa tàu đến Đại Tây Dương và tiếp tục về cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Đội ngũ của ông Từ thuê Nhà thầu Vận tải Quốc tế của Hà Lan (ITC) để kéo tàu. 4 tháng sau khi hoàn thành thanh toán, thủy thủ đoàn và tàu kéo Sable Cape của ITC nhổ neo vào ngày 14/6/1999. Hành trình thuận buồm xuôi gió cho đến khi họ đến eo biển Bosphorus, ranh giới ngăn cách Đông-Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng vài tuần trước khi thủy thủ đoàn của ông Từ rời cảng. Mỹ ngày 7/5 ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade trong một cuộc không chiến của NATO ở Nam Tư, làm dậy lên làn sóng biểu tình chống Mỹ tại Trung Quốc.
Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thuộc NATO, không cho phép tàu sân bay đi qua eo biển Hormuz. Thủy thủ đoàn đã chờ đợi một tháng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất cứng rắn. Cuối cùng, tàu sân bay Liêu Ninh phải trở về Ukraine.
"Tôi cảm thấy bất lực khi con tàu phải "chôn chân" ở lối vào eo biển Bosphorus. Có lúc tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Chúng tôi thà để con tàu khổng lồ chìm xuống đáy eo biển còn hơn để nó rơi vào tay các quốc gia thù địch với Trung Quốc, như Nhật Bản", ông Từ nói.
Con tàu chờ đợi mòn mỏi tại cảng Biển Đen thêm 15 tháng, cho đến khi thời thế "mỉm cười" với ông Từ. Sau nhiều năm phản đối, các lãnh đạo tại Bắc Kinh đã tái xem xét dự án này. Phát triển quốc phòng được đưa trở lại vào chương trình nghị sự sau vụ đánh bom đại sứ quán. Việc có một chiếc tàu sân bay để đối phó với Mỹ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo vào hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói "không biết gì về vấn đề" tàu sân bay Liêu Ninh được đăng tải trên SCMP. |
Chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm đó, Giang Trạch Dân tháng 4/2000 đến thăm Ankara. Ông hứa sẽ khuyến khích khách du lịch Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ và mở cửa thị trường đất nước mình với hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nước bài này đã đạt được thành công. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/8/2001 quyết định cho phép tàu sân bay đi qua eo biển để ra Địa Trung Hải.
Chiếc tàu sân bay một lần nữa tiến ra Biển Đen. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển vào ngày 1/11 để tàu sân bay và đoàn hộ tống gồm 11 tàu kéo và 15 tàu hộ tống đi qua.
Tuy nhiên, thời tiết giông bão làm đứt các cáp kết nối từ tàu kéo với tàu sân bay, lại một lần nữa đẩy dự án vào nguy hiểm. Có thời điểm con tàu trôi dạt tự do trong 4 ngày tại Aegean, gần đảo Skyros trước khi các tàu kéo có thể kiểm soát nó trở lại.
Cho đến hết năm 2001, tàu sân bay và một loạt tàu kéo từ từ đi qua Địa Trung Hải, qua eo biển Gibraltar, và ra Đại Tây Dương. Nó đi vòng qua Mũi Hảo vọng của châu Phi, qua eo biển Malacca. Ngày 3/3/2002, 5 tàu kéo đã đưa được tàu sân bay về Đại Liên.
Ông Từ cho biết lúc đó ông cảm thấy như "đứa con trai đi lạc tìm được đường về nhà".
"Nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy thật sự nhẹ nhõm cho đến khi con tàu chính thức được bàn giao cho hải quân 12 năm sau đó. Cảm giác giống như cuối cùng cũng được nhìn thấy con tôi trưởng thành và lập gia đình".
Ngọt ngào và cay đắng
Tuy nhiên, thương vụ tàu sân bay Liêu Ninh là chiến thắng vừa ngọt ngào vừa cay đắng với ông Từ do ông phải thanh toán chi phí thuê cảng và tiền công kéo tàu.
"20 triệu USD chỉ là giá đấu giá của tàu sân bay. Trong thực tế, tôi phải trả ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ này từ năm 1996 - 1999. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa nhận được một xu từ chính phủ. Tôi chỉ giao nó cho hải quân mà thôi".
Để có tiền trả nợ, ông Từ phải bán ngôi nhà nguy nga của mình ở Victoria Peak, khu vực giới nhà giàu Hong Kong sinh sống vào năm 1999, và thế chấp căn nhà hơn 26.000 m2 của mình tại Bình Châu, Hong Kong.
Một nguồn tin thân cận với thương vụ tàu sân bay cho biết ông Từ phải gánh các chi phí này vì nhiều người trong số các quan chức hải quân tiếp cận ông để ủy thác nhiệm vụ đã chết hoặc phải ngồi tù. "Cựu trùm tình báo hải quân Cơ Thắng Đức là người ủy thác ông Từ thực hiện giao dịch này", nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, ông Cơ năm 2000 bị sa thải và lĩnh án tử hình treo vì dính líu đến vụ bê bối buôn lậu ở Phúc Kiến".
Ông Từ phải thanh lý thêm nhiều tài sản cá nhân do phí tổn ngày càng đội lên. Ông cũng phải từ bỏ việc kinh doanh riêng của mình, vay mượn từ những người quen ở Hong Kong, trong đó có khoản 230 triệu HKD (gần 30 triệu USD) từ một người bạn.
"Tôi phải mất 18 năm mới trả hết nợ gốc và lãi. Tôi đã trả được khoản nợ cuối cùng vào năm nay. Tôi thấy nhẹ nhõm vì người bạn của tôi hiện đã 81 tuổi. Tôi đã tự hứa với bản thân rằng tôi sẽ trả xong nợ khi ông ấy vẫn còn sống".
Niềm tự hào còn lại
Ông Từ đã vướng vào một vài vụ kiện do các khoản nợ. "Mọi chuyện cứ như thể trước thương vụ đó, tôi có ba trung đoàn, nhưng hiện giờ tôi chỉ còn lại một cái nhà bếp", ông nói.
Theo China’s Carrier (Tàu sân bay của Trung Quốc), trong một cuốn sách do China Development Press xuất bản, ông Từ đã yêu cầu Hội đồng Nhà nước đền bù trong nhiều năm, tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ chỉ trả 20 triệu USD giá bán đấu giá, và nhấn mạnh rằng ông Từ có thể được đền bù phí tổn khác nếu ông cung cấp được biên lai.
"Thật là vô lý và bất công. Làm sao mà Ukraine có thể cấp biên lai cho các bữa ăn, quà tặng và nhiều chồng USD ông Từ đã bỏ ra? Thế còn những hao tổn khác trong việc huy động tiền thì sao?", một nguồn tin thân cận với giao dịch nói. Những chi phí này gồm 6 triệu HKD (hơn 770.000 USD) để đổi lấy một văn kiện từ chính quyền Macau, nhằm củng cố cho câu chuyện về sòng bạc nổi mà ông bịa ra để che giấu cho việc mua tàu.
Một người bạn của ông Từ cho biết phí tổn từ giao dịch mua tàu đã đẩy ông vào khó khăn tài chính trầm trọng. "Ông ấy phải nhờ bạn bè hỗ trợ tài chính trong nhiều năm. Ông ấy còn không trả nổi tiền học cho hai con trai ở nước ngoài. May mắn thay, hai đứa nó giành được học bổng toàn phần từ hai trường đại học ở Mỹ nhờ năng khiếu bóng rổ".
Ông Từ cho biết chính quyền trung ương từ chối trả tiền vì "hải quân không có ngân sách vào cuối những năm 1990, do nền kinh tế nghèo nàn của Trung Quốc vào thời điểm đó".
"Nhưng đó không phải là một lý do thích đáng. Làm thế nào Trung Quốc có thể phát triển 'hai quả bom và một chương trình vệ tinh' vào những năm 1960 khi đó là thời gian khó khăn của đất nước? Nhiều người đã chết đói trong giai đoạn này", ông Từ nói, đề cập đến các chương trình phát triển bom nguyên tử và hydro, cùng việc gửi tàu thăm dò không người lái đầu tiên của Trung Quốc vào vũ trụ.
"Trung Quốc có những bước tiến kinh tế to lớn trong hai thập kỷ qua, nhưng chính phủ vẫn không sử dụng sức mạnh đó để đẩy đất nước hướng tới phát triển bền vững. Ngành công nghiệp quốc phòng là một trong những vấn đề trọng yếu", ông Từ nói.
Tuy nhiên, thương vụ tàu sân bay cũng cho ông Từ một sự an ủi. "Một số chuyên gia hải quân nói với tôi rằng giao dịch của tôi giúp Trung Quốc tiết kiệm ít nhất 15 năm nghiên cứu khoa học", ông nói. "Tôi không hề nản chí và chính tôi muốn hoàn thành sứ mệnh. Cuối cùng thì nó đã gián tiếp thúc đẩy chính quyền trung ương thay đổi chính sách quốc phòng".
Phương Vũ (Theo SCMP)