Vợ chồng Bích Ngân và Kay (tên khai sinh Nguyễn Phạm Xuân Anh) 36 tuổi, gắn bó với nhau 5 năm. Kay là người chuyển giới từ nữ sang nam (transguy - có cơ thể sinh học nữ, song luôn tin mình là nam). Nhiều năm qua, anh thể hiện giới tính và sống như một người đàn ông. Kay không có ý định phẫu thuật hay sử dụng hormone để thay đổi ngoại hình. Còn Ngân, vợ anh, là người đồng tính nữ (les).
"Xu hướng tính dục của chúng tôi không ảnh hưởng đến thiên chức làm cha mẹ, nuôi dạy con cái hay tình yêu dành cho con", Ngân nói.
Đến với nhau khi đã đủ trưởng thành, vượt qua định kiến xã hội và dám sống thật với chính mình, có công việc và thu nhập ổn định, nhưng Kay và Ngân vẫn cảm thấy tổ ấm chưa thực sự trọn vẹn. Họ khao khát có những đứa con và đã xác định sẽ can thiệp y khoa. Người mang thai là Ngân, vì lợi thế trẻ tuổi, khỏe mạnh, khả năng thành công và an toàn cao hơn. Gia đình hai bên ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho kế hoạch này. Tuy nhiên, giới tính của Kay trên giấy tờ vẫn là nữ, luật pháp Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới. Do đó, Ngân phải làm các thủ tục như một người mẹ đơn thân, xin tinh trùng từ nguồn hiến tặng của bệnh viện, giấy khai sinh con sẽ theo họ mẹ, để trống phần tên cha.
Đứa trẻ không có quan hệ huyết thống, cũng không được công nhận cha - con trên pháp lý, song điều này với anh Kay "chưa bao giờ là vấn đề". "Con được sinh ra từ trái tim tôi", anh nói.
Cuối năm 2019, họ bắt đầu hành trình tìm con. Trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản, đôi vợ chồng lựa chọn thụ tinh nhân tạo (IUI - bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Đây là phương pháp bắt chước quá trình thụ tinh thông thường ở các cặp đôi dị tính. Quá trình này diễn ra hoàn toàn bên trong cơ thể, chi phí thấp nhất, song tỷ lệ thành công chỉ ở mức 5-10% do chu kỳ kinh nguyệt của Ngân không đều. Trường hợp làm IUI thất bại, sẽ chuyển qua thụ tinh ống nghiệm (IVF). Thậm chí, nếu quá khó khăn, họ sẵn sàng nhận con nuôi.
Bác sĩ khuyên nên để việc mang thai diễn ra tự nhiên nhất có thể, sẽ tốt cho cả mẹ và con, vì thế Ngân không sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt hay thuốc kích trứng. May mắn, tròn ba tháng sau các mũi tiêm vaccine phòng bệnh trước khi mang thai, Ngân "đến kỳ" trở lại. Thời điểm chị tới siêu âm đánh giá chức năng buồng trứng, đúng lúc các nang noãn vừa độ chín, đủ điều kiện thực hiện IUI. Bác sĩ chỉ định bơm tinh trùng vào thẳng buồng tử cung trong ba ngày. Từ khi bơm đến lúc có kết quả là hai tuần. Tin vui đến nhanh, Ngân đậu thai ngay lần đầu tiên làm IUI khiến họ và bác sĩ đều bất ngờ.
Mang thai, Ngân ốm nghén nặng. Những món ăn yêu thích bỗng trở nên khó chịu. Ba tháng đầu, chị chỉ ăn được bánh mì không và hủ tiếu gõ. Bà bầu từ 50 kg sụt xuống còn 46 kg. Sang tam cá nguyệt thứ hai chị hết nghén, thai kỳ diễn ra ổn định, chị tăng cân trở lại.
Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 29, bác sĩ chẩn đoán nhau thai bị vôi hóa, khiến em bé không hấp thu được chất dinh dưỡng từ mẹ, có nguy cơ chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng. Gần 32 tuần tuổi, thai nhi nặng khoảng một kg, nhẹ hơn tiêu chuẩn thông thường. Để cải thiện tình hình, bác sĩ yêu cầu mỗi ngày Ngân phải ăn 6 cữ, với nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là đạm như thịt, cá, trứng... uống 2-2,5 lít sữa tươi không đường thay nước.
Nỗi lo chưa dừng lại vì Ngân bị dị ứng cuối thai kỳ. Cả người nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, gãi đến mức sứt da mà không thể dùng thuốc, chỉ có cách chườm nóng lạnh cắt cơn ngứa. Mỗi tuần một lần, Kay đều đặn đưa vợ đi khám thai theo chỉ định của bác sĩ. May mắn, đến tuần 39, cậu nhóc 2,6 kg được mẹ sinh thường an toàn, khỏe mạnh.
Chứng kiến khoảnh khắc vợ đau đớn trong phòng sinh, Kay trách mình thật tệ. Cảm giác bất lực ngập tràn khiến người đàn ông đứng lặng yên nắm chặt tay vợ, thậm chí quên việc chụp cho con tấm ảnh đầu đời. Nỗi bất lực ấy anh chuyển thành hành động, Kay đảm nhận gần như toàn bộ việc chăm sóc vợ con. Những tháng vợ ở cữ, anh lo liệu cơm nước, việc nhà, cho con ti bình, tắm gội, thay bỉm, ru ngủ... để vợ có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Con vài tháng tuổi hai vợ chồng mới thay phiên canh cho con bú. Kay tiết lộ, trước khi làm cha, anh đã có 9 năm kinh nghiệm chăm sóc các em bé bị bỏ rơi, mồ côi tại một trung tâm bảo trợ xã hội tại TP HCM nên không bỡ ngỡ.
Hiện, Khải Minh - "quả ngọt" của vợ chồng Kay đã gần một tuổi rưỡi, nặng 8,5 kg, khỏe mạnh, vui vẻ và hoạt bát. Hai vợ chồng dự định khi Minh lớn hơn, họ sẽ sinh thêm con hoặc nhận con nuôi. Dù trải qua nhiều đau đớn trong quá trình mang thai và sinh nở, mất ngủ cả tháng đầu sau sinh, da rạn, tăng 20 kg... nhưng với Ngân tất cả đều xứng đáng.
Kay cho biết mong muốn lớn nhất của hai vợ chồng là Khải Minh lớn lên khỏe mạnh, trở thành người tử tế. Họ hứa với nhau sẽ đồng hành, che chở và cùng con đối mặt với mọi khó khăn.
"Chúng tôi không lo lắng sẽ phải nói với con ra sao về sự khác biệt của gia đình mình khi con lớn lên. Tôi tin con sẽ hiểu", ông bố nói.
Thư Anh