Sau 38 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 26/7 tuyên bố từ chức để trao lại quyền lực cho con trai cả của ông, Hun Manet, trong vài tuần tới. Theo giới quan sát, trên thực tế, việc chuyển giao quyền lực này là một quá trình đã được chuẩn bị trong quãng thời gian dài.
Khi Hun Manet chào đời ngày 20/10/1977, ông Hun Sen cho biết đã nhìn thấy "một vệt sáng bay qua mái nhà". Ông tin rằng con trai mình được sinh ra từ linh khí của một cây đa thiêng và đây là dấu hiệu về tương lai tươi sáng của cậu.
Là con trai cả trong gia đình, Hun Manet được đầu tư cho sự nghiệp học hành từ nhỏ. Ông theo học các trường phổ thông tại thủ đô Phnom Penh, trước khi được định hướng theo con đường binh nghiệp.
Ông nhập ngũ năm 1995 và được cử đi du học tại Mỹ, nơi ông trở thành học viên Học viện Lục quân West Point, một trong những cơ sở đào tạo quân sự danh giá nhất của quân đội Mỹ. 4 năm sau, ông trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện này.
Năm 1996, khi đang học tại West Point, Hun Manet trả lời phỏng vấn tờ Phnom Penh Post, kể rằng bố Hun Sen đã nhắn nhủ mình: "Con sẽ tiếp nối khi ta rút lui". Hun Manet khẳng định ông muốn "tăng cường sức mạnh" cho quân đội Campuchia và "phục hồi đất nước".
Sau khi từ Mỹ về nước, Hun Manet nhanh chóng thăng tiến trong quân đội, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như tư lệnh lục quân Campuchia, chỉ huy Lữ đoàn 70, đơn vị cận vệ Thủ tướng, và lãnh đạo bộ phận chống khủng bố của Bộ Quốc phòng.
Không chỉ theo đuổi binh nghiệp, Hun Manet còn trang bị cho mình các kiến thức quan trọng về kinh tế, dường như nhằm chuẩn bị cho giai đoạn quản lý đất nước sau này. Ông nghiên cứu lĩnh vực kinh tế và có bằng thạc sĩ Đại học New York của Mỹ, sau đó là bằng tiến sĩ Đại học Bristol của Anh.
Giới quan sát nhận định Hun Manet là gương mặt sáng giá nhất trong ba con trai của Thủ tướng Campuchia.
"Đà thăng tiến của Hun Manet trong giới tinh hoa cầm quyền tại Campuchia diễn ra rất nhanh chóng. Thủ tướng Hun Sen đóng một vai trò nhất định trong đó, nhưng quá trình huấn luyện quân sự tại West Point và bằng tiến sĩ từ Bristol đã góp phần củng cố uy tín của ông ấy", Lee Morgenbesser, chuyên gia chính trị Đông Nam Á tại Đại học Griffith, Australia, đánh giá.
Năng lực quân sự của Hun Sen được thử thách trong cuộc xung đột giữa Campuchia và Thái Lan liên quan đến đền Preah Vihear năm 2008-2011. Dù các trận đánh trên thực địa do các sĩ quan nhiều kinh nghiệm chỉ huy, Hun Manet đã thể hiện được vai trò chính trị của mình và được các binh sĩ ủng hộ. Ông cũng có nhiều đóng góp trong quá trình đàm phán với Thái Lan để chấm dứt xung đột.
Trong những năm sau đó, Hun Manet tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị. Năm 2015, ông trở thành ủy viên Ủy ban Thường vụ CPP và dẫn dắt nỗ lực tăng cường sự ủng hộ của các kiều bào với đảng. Năm 2020, ông trở thành bí thư đoàn thanh niên của CPP và bắt đầu có những bài phát biểu thường xuyên trước công chúng.
Tháng 12/2021, Thủ tướng Hun Sen thông báo Hun Manet sẽ là người kế nhiệm và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cũng nhất trí ủng hộ con trai ông trở thành ứng viên thủ tướng tương lai. Đây được coi là nấc thang vững chắc nhất để Hun Manet hướng tới ghế thủ tướng.
Thông cáo từ CPP mô tả Hun Manet là "người kế nhiệm xứng đáng và mạnh mẽ" nhờ được Thủ tướng Hun Sen trực tiếp đào tạo và truyền thụ kinh nghiệm, cho rằng con trai Thủ tướng Campuchia sẽ giúp bảo đảm hòa bình, ổn định và mang đến tiến bộ cho đất nước.
Sau khi được CPP công bố là ứng viên thủ tướng tương lai, Hun Manet bắt đầu tăng tần suất xuất hiện trước công chúng. Năm ngoái, ông đã gặp mặt nhiều quan chức thế giới, như Ngoại trưởng Australia Penny Wong, Ngoại trưởng Trung Quốc lúc bấy giờ Vương Nghị, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hay Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ông cũng tích cực tham gia những sự kiện về văn hóa nghệ thuật và từ thiện. Tháng 8 năm ngoái, ông còn tạo một trang Facebook mới mang tên "Hun Manet, Tư lệnh Lục quân".
Nhà phân tích chính trị Campuchia Em Sovannara nhận xét Hun Manet đã luôn cố gắng thể hiện năng lực của mình với tư cách ứng viên thủ tướng tương lai.
"Thứ nhất, ông ấy là người kế nhiệm trong thế hệ trẻ. Thứ hai, ông ấy là ứng viên thủ tướng. Hun Manet có vai trò lớn trong đảng, vì vậy ông ấy phải làm việc chăm chỉ để đứng trước những người khác", Sovannara nói.
Trong thời gian đó, Thủ tướng Hun Sen cũng có những động thái quyết liệt với phe đối lập. Hồi tháng 10/2017, chính phủ của ông đề nghị Tòa án Tối cao giải tán đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), sau khi thủ lĩnh Kem Sokha bị bắt với cáo buộc "phản quốc".
CNRP từng là đảng đối lập chính của CPP và đã giành 44% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Ngày 16/11/2017, Tòa án Tối cao Campuchia ra phán quyết giải tán CNRP, cấm 118 thành viên cấp cao của đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm. CNRP cũng mất toàn bộ 489 ghế lãnh đạo địa phương và 55 ghế trong quốc hội.
Ông Hun Sen năm 2020 tuyên bố CNRP sẽ không có cơ hội nắm quyền trong tương lai gần ở Campuchia. "Các ông muốn nắm quyền, nhưng có lẽ các ông nên chờ đến kiếp sau đi", ông Hun Sen nói, đề cập đảng CNRP. "Khi có Hun Sen ở đây, CPP ở đây, các ông phải chờ đến kiếp sau".
Quyết định giải tán CNRP khiến đảng Ánh nến trở thành đảng đối lập chính với CPP trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm nay. 16 đảng nhỏ còn lại tham gia bầu cử đều không đủ khả năng thách thức CPP.
Đảng Ánh nến trước đây có tên là đảng Sam Rainsy, cựu lãnh đạo đối lập Campuchia hiện sống lưu vong ở nước ngoài. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia hôm 15/5 tuyên bố đảng Ánh nến không được tham gia cuộc bầu cử vào tháng 7 vì không cung cấp đầy đủ giấy tờ đăng ký hợp lệ.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ông Hun Manet giải ngũ không lâu sau khi được thăng hàm đại tướng hồi tháng 4 và ra tranh cử ghế nghị sĩ đại diện cho thủ đô Phnom Penh. Theo quy định của Campuchia, ứng viên thủ tướng trước hết phải là nghị sĩ.
Trước khi cuộc bầu cử quốc hội diễn ra, Thủ tướng Hun Sen nhiều lần khẳng định con trai "xứng đáng" và hoàn toàn có khả năng lãnh đạo chính phủ nhờ năng lực bản thân.
CPP đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, giành 120 ghế tại quốc hội, 5 ghế còn lại thuộc đảng bảo hoàng FUNCINPEC. Đây được coi là tiền đề để ông Hun Sen trao lại quyền lực cho con trai, sau hành trình dài chuẩn bị.
Giới phân tích nhận định trong quá trình vận động cho cuộc bầu cử vừa diễn ra, các bài phát biểu của Hun Manet có phong cách tương tự ông Hun Sen, cho thấy mong muốn về một sự tiếp nối và ổn định.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC của Australia hồi năm 2015, Hun Manet khẳng định Campuchia phải giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh "bằng bất cứ giá nào", phản ánh tầm nhìn lãnh đạo mà ông hướng tới.
"Việc Thủ tướng Hun Sen chuẩn bị cho con trai mình trong suốt nhiều năm cho thấy mức độ tin tưởng và tín nhiệm của ông đối với con", chuyên gia Morgenbesser nhận xét. "Điều này có thể được nhìn thấy không chỉ ở các vị trí quyền lực mà còn ở tốc độ ông giao phó những trách nhiệm lớn lao đó cho con trai".
Dù quyết định từ chức Thủ tướng, ông Hun Sen khẳng định sẽ không rút lui khỏi chính trường. "Ngay cả khi không còn là thủ tướng, tôi vẫn sẽ kiểm soát chính trị với tư cách người đứng đầu đảng CPP cầm quyền", ông nói.
Theo chuyên gia Morgenbesser, việc ông Hun Sen quyết định tiếp tục lãnh đạo CPP sẽ giúp ông duy trì ảnh hưởng chính trị, đồng thời giúp Hun Manet củng cố cơ sở quyền lực.
"Cho đến khi ông Hun Manet xây dựng được nền tảng quyền lực vững chắc, ông Hun Sen nhiều khả năng vẫn sẽ có tiếng nói quan trọng trong các quyết định chính sách lớn", Morgenbesser nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, TIME, Guardian)