Cuối năm 2023 là những ngày đặc biệt nhất của Lưu Đình Nam, học viên chuyên ngành Ngư lôi của Học viện Kỹ thuật quân sự. Nam được đại diện cho gần 340 học viên đọc lời tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp, nhận bằng kỹ sư loại giỏi cùng hàm trung úy, đồng thời nhận quyết định ở lại công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Trong số khoảng 500 học viên khóa này, chỉ 6 người được Học viện giữ lại làm giảng viên.
"Đó là giây phút đáng nhớ trong cuộc đời tôi", Nam nói, cho biết thành quả này thể hiện sự nỗ lực của bản thân trong hơn 5 năm học tập, nghiên cứu, rèn luyện.
Đình Nam 24 tuổi, quê Thái Bình. Từ nhỏ, Nam rất thích xem chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ". Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của bác và chú - những chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nam cũng ước mơ một ngày được khoác lên mình màu áo lính.
Thời gian học trường THPT Bắc Đông Quan, tỉnh Thái Bình, Nam xác định xét tuyển đại học bằng tổ hợp Toán, Lý, Hóa. Vì yêu thích các ngành kỹ thuật, Nam tìm hiểu rồi chọn Học viện Kỹ thuật quân sự.
Không giống hầu hết sinh viên các trường ngoài quân đội là chỉ học ở một địa điểm, Nam được trải nghiệm học tập ở nhiều môi trường trong suốt 5,5 năm.
Học viện Kỹ thuật quân sự có 7 khu vực đóng quân, phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hai tuần đầu năm thứ nhất, Nam học tập tại cơ sở ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, để làm quen về 11 chế độ trong quân đội, tìm hiểu lịch sử học viện và hoàn thành một số thủ tục giấy tờ.
Sau đó, Nam có 6 tháng ở trường Sĩ quan Lục quân 1 tại Sơn Tây, Hà Nội. Nam ví giai đoạn này giống như đào tạo tân binh, được học từ những điều cơ bản nhất như điều lệnh đội ngũ đến tìm hiểu các chiến thuật, học các môn chính trị.
Với các môn đại cương như Giải tích, Vật lý, một số môn học về các loại vũ khí, chiến thuật, Nam được đào tạo tại cơ sở ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Đến kỳ II năm hai, Nam mới học tập tại trụ sở chính của trường ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được phân công học chuyên ngành Ngư lôi.
Với Nam, Ngư lôi là ngành rất lạ.
"Tôi đã khá hoang mang khi được phân công vì không biết ngư lôi là gì. Tìm hiểu trên mạng, tôi chỉ biết đây là loại vũ khí dưới nước, hỏi anh chị khóa trên nhưng cũng không nhiều người rành bởi số lượng đào tạo ít, có năm không có", Nam nhớ lại. Như khóa của Nam, chuyên ngành này tại Học viện Kỹ thuật quân sự chỉ có 9 học viên.
Từ khi được học sâu vào chuyên ngành, đặc biệt năm thứ 5 được học tại Học viện Hải quân ở Nha Trang, Nam rất hứng thú khi biết được đầy đủ tính năng, hoạt động của loại vũ khí này. Nam từng tham gia hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, trong đó một đề tài nghiên cứu về máy kiểm tra đầu tự dẫn ngư lôi, liên quan trực tiếp tới chuyên ngành học.
Hứng thú với cả học tập và nghiên cứu, Nam có nguyện vọng được ở lại Học viện làm giảng viên bởi cho rằng "đây là môi trường tối ưu để phát huy sở trường và sở thích của mình". Khi chia sẻ nguyện vọng với thầy cô và được chỉ rõ đường hướng, chàng trai quê Thái Bình đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi và tích lũy nhiều thành tích nhất có thể.
Trong vai trò lớp trưởng, vừa học tập, nghiên cứu, vừa hỗ trợ các bạn và các em khóa sau, Nam nhiều lúc áp lực. Giai đoạn gần tốt nghiệp, Nam "ngợp" bởi chỉ có khoảng 4 tháng để vừa làm đồ án tốt nghiệp, kèm bài báo đăng tạp chí của trường, vừa ôn thi môn Công tác đảng, Công tác chính trị và tiếng Nga.
"Khối lượng kiến thức và tài liệu tham khảo quá lớn khiến tôi phải tập trung cao độ, nhiều hôm ngồi liền đến đêm muộn, mục tiêu là đủ điểm để giữ bằng giỏi", Nam nói.
Nam sinh giữ phương pháp học tập trung trên lớp, tích cực tự học, ghi chép nhiều nhất có thể theo nguyên tắc "ghi phải hiểu". Nam cũng tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện thể lực và giảm stress.
Cuối cùng, Nam trở thành một trong 45 học viên tốt nghiệp loại giỏi toàn khóa với điểm tổng kết 8,3/10, đáp ứng đủ 5 chuẩn đầu ra của trường gồm kiến thức - kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, thể lực, điều lệnh và tác phong chính quy.
Nam cũng có khoảng 15 thành tích khác, gồm các danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ tiên tiến, huy hiệu Bác Hồ, huy hiệu Học viên giỏi.
Đại diện Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết Nam được các giảng viên đánh giá cao. Quyết định giữ Nam ở lại làm giảng viên dựa trên đề xuất của bộ môn và nguyện vọng của Nam.
Nam cho hay sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức chuyên môn, tiếng Nga và tiếng Anh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.