Năm 1817 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong lịch sử quân đội Mỹ, khi chính trị gia theo chủ trương hiện đại hóa John C. Calhoun được Tổng thống James Monroe bổ nhiệm làm Bộ trưởng Chiến tranh. Là một trong những "diều hâu" chủ trương đối đầu với thực dân Anh, Calhoun đã đặt nền móng cho việc xây dựng quân đội Mỹ thành lực lượng chuyên nghiệp hóa từ đội quân ô hợp, theo Task and Purpose.
Khi cuộc chiến giành độc lập từ tay thực dân Anh nổ ra vào năm 1775, người Mỹ không có một đội quân thường trực chính quy, mà chủ yếu dựa vào các đơn vị dân quân được thành lập ở từng thuộc địa, với nòng cốt là những chiến binh làm việc bán thời gian.
Quốc hội Mỹ lúc đó thành lập một trung đoàn bộ binh chính quy làm nòng cốt cho Lục quân Lục địa để phối hợp với dân quân các thuộc địa chống lại người Anh. Tuy nhiên, sau cuộc chiến, lực lượng chính quy này bị giải tán do người Mỹ không tin tưởng vào các đội quân thường trực. Các đội dân quân cấp bang trở thành lực lượng bộ binh duy nhất của Mỹ, ngoại trừ một trung đoàn phòng thủ Mặt trận phía Tây và một khẩu đội đại bác canh gác kho vũ khí ở West Point.
Mô hình lực lượng vũ trang này khiến Mỹ phải trả giá trong cuộc chiến tranh với Anh năm 1812, khi họ đã không ngăn được quân Anh tràn tới đốt phá thủ đô Washington D.C. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, lực lượng thường trực do tướng Winfield Scott và Jacob Brown chỉ huy đã chứng tỏ được tính chuyên nghiệp của mình và khả năng đẩy lùi quân Anh vào năm 1814.
Từ bài học này, Calhoun đã kết hợp chương trình cải cách quân đội với chính sách dân tộc chủ nghĩa, đảm bảo vị thế của quân đội trong mắt các chính trị gia và công chúng Mỹ. Để làm được điều đó, ông gắn xây dựng quân đội chính quy Mỹ với phát triển kinh tế và mở rộng lãnh thổ.
Các chính sách kinh tế do Calhoun đề xuất đều gắn liền với nhãn quan quân sự. Ông khuyến khích ngành công nghiệp nội địa phát triển để tăng tự chủ về kinh tế trong thời chiến, trong khi nguồn tài chính từ thuế sẽ giúp tu bổ cơ sở hạ tầng và nuôi dưỡng lực lượng quân đội không ngừng lớn mạnh. Việc gia cố bờ biển và đóng thêm tàu chiến sẽ bảo vệ nền thương mại Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia.
Những cải cách nội bộ cũng đẩy nhanh tốc độ triển khai binh sĩ đến các điểm nóng ở biên giới, trong khi mạng lưới tiền đồn giúp bảo vệ người dân, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng địa phương để phục vụ quân đồn trú.
Khi quốc hội Mỹ tìm cách cắt giảm chi phí, Calhoun đưa ra mô hình quân đội với đội ngũ sĩ quan và hạ sĩ quan khung được duy trì, còn lượng tân binh được cắt giảm tối đa. Khi nổ ra khủng hoảng, quân đội có thể tuyển thêm 20.000 lính mới để bổ sung lực lượng.
Calhoun tăng cường sự chuyên nghiệp bằng cách lập ra chức danh Cục trưởng Quân y và Chánh án Tòa án quân sự, nhằm cải thiện việc chăm sóc y tế và thực thi công lý trong quân đội. Ông cũng bố trí lại cấu trúc chỉ huy cho hợp lý, đảm bảo thông tin thông suốt trong chuỗi chỉ huy các cấp. Việc cải cách quân đội gắn với lợi ích quốc gia của Calhoun đã giúp lực lượng vũ trang Mỹ có nền móng vững chắc hơn trong quá trình phát triển đất nước.
Cũng trong năm 1817, sau khi nghiên cứu mô hình các trường quân sự Pháp, tướng Sylvanus Thayer, giám đốc Học viện Quân sự West Point, đã tiến hành những thay đổi trong chương trình giảng dạy và huấn luyện. Thayer chú trọng đào tạo công nghệ và nghệ thuật quân sự, tổ chức các lớp học quy mô nhỏ có đánh giá hàng ngày, cũng như hệ thống điểm phạt.
Tướng Thayer đã đưa những giảng viên giỏi vào dạy ở Học viện West Point, trong đó nổi tiếng nhất là Dennis Hart Mahan, giáo sư cơ khí và tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh. Chính Thayer, Mahan và các giáo sư khác đã đặt nền móng cho sự chuyên nghiệp hóa của quân đội Mỹ, thông qua các bài giảng truyền cảm hứng cho học viên về niềm đam mê nghề nghiệp và khuyến khích họ tự cải thiện bản thân.
Sự kết hợp giữa chính sách của Bộ trưởng Calhoun và cuộc cách mạng trong đào tạo tại Học viện West Point đã đặt nền móng cho quá trình chuyên nghiệp hóa, biến quân đội Mỹ trở thành lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới ngày nay.
Duy Sơn