Ngày giáp Tết Quý Mão, ngồi ở chốt kiểm soát của Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, Trùng Khánh, Cao Bằng), ông Hậu kể về hành trình bôn ba xứ người. Tháng 4/2021, bỏ qua lời can ngăn của con cháu, ông sang Trung Quốc làm thuê khi nghe người mợ kể đi bốc vác hàng có thể kiếm chục triệu mỗi tháng. Vợ mất, thu nhập ít ỏi từ tiệm sửa xe máy cũ khiến ông bất an. Từng đóng quân bảo vệ Lào Cai năm 1978, ông ít nhiều biết đến Trung Quốc.
Nhờ sự hỗ trợ của người mợ làm ăn bên Trung Quốc gần mười năm, ông Hậu vượt biên thành công và đi bốc vác trong một công xưởng lốp ôtô ở Quảng Châu. Cuộc sống của lao động chui không biết tiếng chỉ loanh quanh trong nhà xưởng hàng nghìn mét vuông, giữa đống hàng hóa và những đồng nghiệp không hiểu nhau nói gì. Tiền công mỗi tháng 4.500 NDT (hơn 14 triệu đồng) nhận bằng tiền mặt, ông Hậu đổi cho người tổ trưởng rồi nhờ chuyển về Việt Nam.
Không giấy tờ tùy thân, ông không dám ra ngoài, cần gì nhờ người mua hộ thông qua phần mềm phiên dịch giọng nói trên điện thoại. Kết nối duy nhất của ông với thế giới bên ngoài là những cuộc trò chuyện qua mạng xã hội với con cái ở Việt Nam.
Tết Nhâm Dần, lực lượng chức năng hai nước siết quản lý vùng biên khi Covid-19 bùng phát khiến ông Hậu từ bỏ ý định về nước. Ngày cuối năm, mình ông ở lại công xưởng với chiếc tủ lạnh trữ đầy đồ ăn, đồng nghiệp Trung Quốc về quê nghỉ Tết ba tuần. Người duy nhất ông tiếp xúc là tổ trưởng, cứ cách vài ngày lại đến kiểm tra. Họ nói chuyện thông qua phiên dịch từ chiếc điện thoại.
Đêm 30 tháng chạp, ông Hậu ngồi giữa công xưởng, ăn miếng bánh chưng gói bằng lá sen trong nước mắt. Chiếc bánh to hơn nắm tay không mang hương vị quê nhà, không xanh biếc thơm mùi lá dong. "Nuốt miếng bánh chưng cứ nghẹn bứ ở cổ họng, tôi quyết tâm phải về thôi. Đó không phải quê hương, không phải nhà, không có con cháu mình ở đấy", ông kể.
Nhưng guồng quay công việc trở lại sau Tết làm vơi nỗi nhớ nhà, ông Hậu nấn ná ở lại kiếm thêm chút tiền dưỡng già. Tháng 10/2022, ông mới viết giấy nghỉ việc về Việt Nam với lý do "lấy vợ", nhưng hai tháng sau mới được giải quyết.
Có người mách nước cho ông Hậu lên các hội nhóm người Việt trên Wechat, Zalo sẽ tìm được xe đưa về nước. Chi phí cho chuyến hồi hương 5.500 NDT với lời cam kết "yên tâm, sẽ đưa về tận biên giới Việt Nam an toàn". Ông Hậu làm theo người hướng dẫn qua điện thoại.
Rời công xưởng đêm 3/1, ông Hậu mang theo hai chiếc áo ấm, đôi giày và bộ quần áo mặc trên người. Ông không biết đã đi qua những nơi nào, chỉ thấy ánh điện và nhà cao tầng lướt qua khi xe chạy ban đêm. Ban ngày xe nghỉ tạm ở hàng quán dọc đường, ông Hậu nơm nớp lo công an hỏi thăm.
Bốn ngày đêm với bốn lượt xe trung chuyển, những lao động hồi hương cũng tới được khu vực biên giới - nơi họ sẽ phải vượt qua vùng rừng núi và hàng rào thép gai mới về tới đất Việt Nam.
"Cứ đi thẳng hướng này là tới", người dẫn đường tiếp tục chỉ điểm qua điện thoại. Nhóm 15 người Việt có nửa tiếng nghỉ lấy sức trước khi băng rừng. Đoàn người lần mò không dám bật đèn pin vì sợ gặp công an biên cảnh Trung Quốc, cứ dựa dẫm ánh trăng rằm tháng chạp mà đi.
Ông Hậu hơn 60 tuổi, già nhất đoàn nên liên tục tụt lại phía sau. Hai ngày sau, họ vượt qua hàng rào biên giới và về tới Việt Nam. Đôi bàn chân sưng phồng, bê bết bùn đất, ông sụp xuống ơn trời vì vẫn còn sống. Nhóm người sau đó được chốt kiểm soát thôn Khưa Thoang, xã Lý Quốc tiếp nhận, lấy tường trình và phạt hành chính mỗi người 3-5 triệu đồng.
Chung hành trình với ông Hậu, chị Tráng Thị Minh cũng tìm đường về Mèo Vạc (Hà Giang) sau 10 năm ở Trung Quốc. Người phụ nữ Dao không biết chữ, phải kể lại hành trình cho bộ đội biên phòng ghi giúp biên bản rồi điểm chỉ tay.
Theo chị Minh, người Việt đi làm chui bên Trung Quốc muốn về thường tìm trên mạng hoặc hỏi thăm dọc đường nơi xe hay dừng đỗ. Chi phí chuyến hồi hương của chị hết 5.300 NDT. Đoàn người khi được thả xuống bìa rừng sẽ không biết đang ở đoạn nào giáp biên giới, chỉ biết đi theo chỉ dẫn. "Sợ nhất dọc đường gặp công an Trung Quốc", người phụ nữ 46 tuổi cho hay, bởi họ đều là lao động chui, không có giấy tờ tùy thân.
10 năm trước, chị Minh trốn những trận đòn của chồng, bỏ lại hai đứa con rồi vượt biên theo lời người bạn rủ sang Trung Quốc tìm việc. Nhưng thứ chờ đợi chị lại là cuộc hôn nhân khác với người đàn ông 42 tuổi ở vùng nông thôn Quảng Tây. Không biết chữ, không hiểu tiếng, chị chấp nhận thân phận "vợ mua" vì sợ bán đi chỗ khác. Chồng mới không đánh đập như chồng cũ nhưng nghiện rượu nặng. Chị lầm lũi đi nương, cày ruộng, hết mùa ngô lại xoay sang trồng đậu. Sợi dây duy nhất gắn kết họ là đứa con trai.
Năm 2017, chị Minh theo người làng đi làm công nhân trong xưởng đồ chơi ở Quảng Đông. Tiền công mỗi tháng đều gửi về "xây nhà cho con trai" và chỉ về khi Tết đến. Người phụ nữ cảm nhận sự lạnh nhạt của chồng sau những lần say xỉn, đập phá đồ đạc. Cho đến khi Trung Quốc mở cửa sau ba năm khép chặt biên giới, chị Minh quyết định phải về Hà Giang.
"Đời mình khổ thì đi đâu cũng khổ, thôi thì bỏ nó đi. Con trai sau này lớn lên thì mình tìm cách sang thăm nó, hoặc nó tự tìm sang đây với mẹ", chị Minh nói.
Trung tá Nông Đình Sự, Đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, cho biết người Việt đi làm thuê bên Trung Quốc thường có mạng lưới kết nối qua thông tin đưa lên Wechat hoặc Zalo, kèm cách thức liên hệ và một mức giá hồi hương trái phép nhất định. Trong ba năm, Đồn tiếp nhận hơn 21.000 người Việt Nam vượt biên trái phép trở về, chiếm gần 60% lượng người mà bộ đội biên phòng Cao Bằng tiếp nhận.
Theo trung tá Sự, giữ vai trò móc nối thường là cư dân bản địa có mối thân tộc với người bên kia biên giới. Các đường dây đưa người về Việt Nam hoặc sang Trung Quốc không bao giờ lộ mặt. Cơ quan chức năng Việt Nam chỉ có thể xử lý ở địa bàn quản lý và trao đổi thông tin với phía Trung Quốc về những đường dây này để cùng tìm biện pháp.
Sau khi nhận biên bản phạt vi phạm hành chính, các lao động được biên phòng gọi xe hỗ trợ đưa từ khu vực biên giới ra TP Cao Bằng để kịp về quê đón Tết. Riêng chị Tráng Thị Minh được cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn hướng dẫn về địa phương làm thủ tục cấp căn cước công dân. Thứ chị cần là giấy tờ hợp pháp chứng minh thân phận để có thể sống trên quê hương mình hoặc về xuôi tìm công việc sau Tết.
Ông Hậu đã kịp nhờ bộ đội mua sim điện thoại gọi báo tin cho con trai, mừng vì sắp được về bế cháu nội. Sau hành trình hồi hương trong lo sợ, ông nói "không bao giờ quay lại Trung Quốc bằng cách này nữa".
Hoàng Phương