Kate Geraghty là một phóng viên ảnh từ hãng thông tấn Fairfax hiện thường trú ở Bangkok. Hôm 3/7, chưa đầy 24 giờ sau khi lực lượng cứu hộ tìm thấy 12 thành viên đội bóng nhí Lợn Hoang cùng huấn luyện viên vẫn sống sót trong hang Tham Luang thuộc tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, Geraghty và phóng viên phụ trách khu vực Đông Nam Á James Massola đã có mặt tại hiện trường. Geraghty tận mắt chứng kiến hơn một tuần chiến dịch giải cứu "chạy đua với nước và thời gian" diễn ra và trải qua giây phút vỡ òa lúc tất cả 13 thành viên đội bóng nhí được đưa khỏi hang an toàn, theo Sydney Morning Herald.
"Đó là một tuần làm việc dài với hơn 18 tiếng mỗi ngày trong thời tiết nóng bức và ẩm ướt", Geraghty kể. "Tôi cần liên tục gửi ảnh từ hiện trường về cho các biên tập viên ở Australia mỗi khi có những diễn biến mới, bất kể ngày đêm".
Tuy nhiên, theo Geraghty, các phóng viên ảnh như cô gặp nhiều khó khăn hơn trong lúc đưa tin về chiến dịch giải cứu so với những người khác. "Phóng viên ảnh bị giới hạn địa điểm được phép chụp hình", Geraghty nói.
Khoảnh khắc các thợ lặn cuối cùng rời hang sau chiến dịch giải cứu đội bóng nhí.
Tại nơi gọi là "trại trực chiến", Geraghty có thể chụp ảnh các thợ lặn đang chuẩn bị tiến vào hang nhưng chỉ cho đến khi nào những dãy đèn xanh bật lên báo hiệu thời gian kết thúc.
"Chúng tôi không thể tiếp cận để chụp hình ngay cả các thợ lặn Australia, ngoài 30 giây họ đi bộ vào hang", Geraghty cho hay. "Chúng tôi cũng không thể tới gần hang nơi đội bóng nhí mắc kẹt. Và từ lúc truyền thông được yêu cầu rời khỏi khu trại trực chiến, việc chụp hình lại càng trở nên khó khăn hơn".
Hôm 7/7, trung tâm báo chí bị chuyển tới vị trí cách đường dẫn đến hang khoảng một km, trong bãi đỗ xe phía bên ngoài một tòa nhà chính phủ. Đây là nơi mà James Massola, đồng nghiệp của Geraghty, cắm chốt suốt những ngày tiếp theo, cho đến lúc chiến dịch kết thúc.
Gần hang Tham Luang, Geraghty phải đi bộ cả quãng đường dài từ một điểm kiểm soát tới một ngã ba nơi cô có thể nhìn thấy các xe cứu thương, binh sĩ quân đội Thái Lan và những tình nguyện viên di chuyển tới trại trực chiến.
"Dưới cái nóng 30, 40 độ C và mưa xối xả, tôi cuốc bộ với tất cả đồ nghề trên lưng, từ máy ảnh, ống kính đến tài liệu, giấy tờ và nước. Chưa hết, tôi phải tìm mọi cách giữ chúng không bị ướt", Geraghty chia sẻ. "Nếu lối đi từ điểm kiểm soát tới con đường chính bị chặn, hành trình từ đường chính tới trung tâm báo chí sẽ lâu hơn nhiều".
"Khi đã vào vị trí đối diện con đường dẫn tới hang Tham Luang, tiếp theo đó sẽ là 16 đến 18 tiếng chờ đợi để chụp bất kỳ hoạt động nào tôi có thể nhìn thấy, không nhà vệ sinh, không lều trú, giữa những bụi dứa", Geraghty miêu tả. "Tuy nhiên, mọi chuyện không hẳn đều tồi tệ. Có những tình nguyện viên mang cho tôi món thịt gà Thái Lan và mì ngon nhất tôi từng ăn".
Trong lúc tác nghiệp, có những lúc, Geraghty còn được yêu cầu không chụp ảnh trên đường, nếu không sẽ bị bắt vì gây cản trở cho xe cứu thương. Một phóng viên châu Âu, dường như đến từ Ba Lan, đã bị bắt vì sử dụng thiết bị bay không người lái ghi hình gần hang Tham Luang, điều mà nhà chức trách nhiều lần nhấn mạnh là "bị cấm hoàn toàn".
Khoảnh khắc phi thường
Kể về giây phút các cậu bé được đưa ra khỏi hang, Geraghty mô tả khoảnh khắc xe cứu thương nháy đèn lao qua và khi nghe tin những đứa trẻ khác đang ra khỏi hang an toàn, không khí tại nơi cô tác nghiệp sôi sục lên một cách "phi thường".
"Trước khi xe cứu thương từ hang Tham Luang đi xuống, quân đội và cảnh sát tại điểm kiểm soát ngã ba của chúng tôi sẽ vào vị trí để bảo vệ con đường, họ làm việc vô cùng chuyên nghiệp", Geraghty cho biết. "Khi chiếc xe cứu thương cuối cùng phóng qua, một nhóm nhỏ phóng viên đã chúc mừng, các binh sĩ và cảnh sát nở nụ cười tươi trên gương mặt nhưng vẫn giữ tập trung cao độ".
"Không lâu sau khi chiến dịch giải cứu kết thúc, trong bóng tối, các tình nguyện viên tham gia chiến dịch cứu hộ từ phía hang kéo xuống, có thể nhìn thấy hàng trăm đèn pin, trông giống như những con đom đóm", cô kể. "Lúc họ tới chỗ chúng tôi, một số tình nguyện viên giơ hai tay lên cao, nhảy nhót, hô to 'Hooray'. Đấy là khoảnh khắc tuyệt đẹp và tôi nghĩ lúc bấy giờ, không ai giữ được đôi mắt khô".