Ngày 14/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Thành Hưng, đại diện công ty Hitachi Nhật Bản và tập đoàn FPT đã tới thăm hai thành phố Soma và Fukushima - nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011.
Bốn năm tám tháng đã trôi qua, sự hoang tàn vẫn còn hiện hữu rõ nét trên hành trình tới Soma. Dọc đường đi liên tục xuất hiện những bảng điện tử được dựng hai bên hiển thị chỉ số nhiễm phóng xạ. Trận động đất - sóng thần lịch sử đã làm cháy nổ các lò phản ứng và gây rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011, ảnh hưởng tới một vùng trải dài hàng chục km theo chiều gió tây bắc. Chỉ số phóng xạ của Fukushima tương đương Tokyo là 0,05 mSv nhưng sau thảm họa đã tăng lên gấp hàng chục lần. Hiện chỉ số giảm trung bình 76,7% mỗi năm nhưng vẫn còn một số khu vực có chỉ số cao, lên khoảng 2,5 đến 5 mSv.
Trong vòng bán kính 10 km của nhà máy phát điện hạt nhân, mức nhiễm phóng xạ cao bất thường và chính phủ nước này đã cấm người dân tiếp cận khu vực trong vòng 30 năm tới. Ở bán kính 20 km, một số người đã quay về để dọn dẹp và sinh hoạt vào ban ngày, còn ban đêm không được phép ngủ lại do chưa có điện cũng như độ an toàn thấp. Dù vậy, ở đây vẫn có những người sống chui do họ chỉ muốn được ở trong nhà của mình. Dự kiến, đến tháng 4/2016, người dân có thể quay trở về sinh hoạt.
Xa hơn với bán kính 30 km, nơi có Ủy ban Nhân dân tỉnh Fukushima, người dân đã quay trở lại nhịp sống bình thường. Dù chính phủ khẳng định đây là khu vực an toàn, trẻ em vẫn chỉ được phép chơi ở ngoài trời khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày do các gia đình vẫn còn lo lắng, sợ bị phơi nhiễm phóng xạ.
Nỗi mất mát từ sóng thần
Bà Hikedo, 67 tuổi, từng kinh doanh nhà nghỉ ở Soma, vẫn không thể nào quên quãng thời gian kinh hoàng đó. "Bầu trời chưa bao giờ xấu đến vậy. Khi tôi chạy ra đường, sóng đã tràn đến gót chân, cuồn cuộn tiến tới. Tôi bị sóng đánh tung lên 3-4 mét. Vợ chồng tôi và bố chồng bám chặt vào cây thông và trụ lại. Sóng cứ nhào lên tận mặt và chúng tôi tuột tay. Khi trôi ra xa, chồng gọi tên tôi ba lần. Rồi tôi bị sóng cuốn đi, không biết gì nữa. Lúc tỉnh lại, xung quanh toàn nước, rác và mưa đá ào xuống. Dù khó thở và rất lạnh, tôi cố ngoi lên mặt nước, bám vào một mái nhà đang trôi và dùng rác che đầu để tránh đá. Rất may ba người cứu nạn phát hiện ra tôi. Bác sĩ nói chỉ cần trễ 5 phút là tôi đã không qua khỏi".
Bà Hikedo trải qua suốt 2 tháng dằn vặt, ngồi yên trong nhà vì đã không nhớ lời cha mẹ dặn rằng khi có sóng thì phải chạy đến ngọn núi gần đó. Bà luôn tự trách rằng do mình mà chồng và bố chồng ra đi mãi mãi. Nhưng rồi bà, cũng như bao người dân Fukushima khác, đã nỗ lực đối mặt và vượt qua thảm họa để quay trở lại với cuộc sống thường ngày.
Vượt lên tin đồn
12h trưa tại một nhà hàng nhỏ ở thành phố Soma, đoàn tham quan đến từ Việt Nam ngồi quanh những chiếc bàn dài, thưởng thức món cá Aji tẩm bột chiên giòn và salad rau. Những tiếng cười vui vẻ vang lên, xen lẫn là lời khen ngợi vị thơm ngon đậm đà của món ăn từ cá, rau xanh, cho tới bát cơm nóng hổi - những thứ mà hầu hết người Nhật đã cố tránh xa trong 4 năm qua.
Chính phủ Nhật luôn có những quy định, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người dân. Tất cả những thực phẩm chưa an toàn không cho phép khai thác. Endo, chủ cửa hàng, cho biết cá Aji mới chỉ được chính phủ cho phép đánh bắt trở lại từ cuối năm 2014 nhưng phải tới năm nay mới được chế biến thành thức ăn.
Ông Mutsuo Anzai, Phó thị trưởng thành phố Fukushima, cho biết thế giới nhắc đến họ với ba thảm họa: động đất, sóng thần và nổ nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, họ còn phải đối mặt với thảm họa thứ tư: tin đồn rằng nông sản của tỉnh không an toàn. Ông chia sẻ, những thông tin này đang gây khó khăn lớn cho hoạt động nông nghiệp của tỉnh bởi những sản phẩm được phép bán ra thị trường đều đã được kiểm định chặt chẽ và đảm bảo độ an toàn.
"Cách đây 4 năm qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi đã thấy hình ảnh kinh hoàng mà thảm họa mang lại cho người dân đông bắc Nhật Bản. Hôm nay, khi chứng kiến tận mắt những hậu quả để lại, chúng tôi rất cảm thông chia sẻ những mất mát lớn lao mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu", Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói và khẳng định sẽ tuyên truyền với mọi người về sự an toàn thực phẩm tại Fukushima.
Năm 2011, chỉ ba ngày sau khi thảm họa xảy ra, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, đã kịp thời có mặt ở Nhật Bản để động viên nhân viên và trực tiếp giúp đỡ người dân Nhật Bản. Khi đó, ông Bình đã đích thân mang mì tôm, thức ăn và 300.000 USD của FPT và CBNV sang ủng hộ. Và điều đó thực sự được các bạn Nhật cảm động, ấn tượng đến tận bây giờ. Ông Kaichiro Sakuma, Tổng giám đốc công ty Hitachi Solutions, cho biết, ở Việt Nam xa xôi, FPT còn nghĩ đến việc phải làm gì cho Fukushima khiến họ thực sự luôn thấy mình phải nỗ lực hơn nữa.
"Hôm nay, tôi nghe câu chuyện cảm động về một người phụ nữ mất chồng và cha chồng vì thảm họa. Người phụ nữ ấy thể hiện tinh thần kiên cường của Nhật khi vượt qua nỗi đau để chia sẻ, động viên những người khác. Hôm nay chỉ là bước tiếp theo của FPT và Hitachi trong việc chung tay giúp đỡ Fukushima phần nào giảm bớt khó khăn. Mong rằng tỉnh sẽ nhanh chóng khắc phục các hậu quả có thể thấy và cả không nhìn thấy", ông Bình chia sẻ.
Tỉnh Fukushima có dân số 2 triệu người nhưng đã giảm 3,9% sau thảm họa. Thống kê có gần 16.000 người tử vong và hiện còn hơn 2.000 người mất tích. Khi sự cố qua đi, không ít người rơi vào hoảng loạn, trầm uất và số người thiệt mạng từ sau thảm họa lên tới 3.000, chủ yếu là tự sát. 127.833 căn nhà bị phá hủy hoàn toàn và mới chỉ 30% được xây lại, phần đông vẫn sống tạm bợ tại các khu vực lánh nạn, nhận hỗ trợ từ chính phủ Nhật và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Để khắc phục tình trạng nhiễm phóng xạ, Nhật Bản thực hiện việc đào đất cho vào các bao tải rồi dồn xuống hố và xả nước để giảm bớt độ nhiễm cũng như tẩy rửa các căn nhà. Có 95.751 căn bị nhiễm phóng xạ và hơn 76.000 căn đã khử nhiễm xong. Dự kiến cuối năm nay Fukushima sẽ hoàn tất việc rửa nhà ở với tổng chi phí lên đến 4 tỷ USD. Chi phí này còn tốn hơn nhiều so với việc xây dựng nhà mới nhưng người dân vẫn muốn duy trì do có những căn nhà đã tồn tại cả trăm, nghìn năm. Tỉnh Fukushima có quy mô kinh tế 70 tỷ USD, tương đương GDP của Việt Nam năm 2003. Sản phẩm chủ yếu của tỉnh là hoa quả và gạo. Hiện ngành nông sản đã khôi phục sản xuất được 70% nhưng sản phẩm không thể tiêu thụ được do người dân chưa quay về cũng như không dám ăn vì sợ ảnh hưởng của phóng xạ. Ngành thủy sản hiện mới khôi phục khoảng 10% do phóng xạ nhiễm ra biển nên cá ở đây không an toàn, chỉ một phần nhỏ được đưa vào sử dụng. |
Châu An