Bạch tuộc và ốc biển có xuất xứ từ ngoài khơi bờ biển Fukushima được bày bán tại các siêu thị địa phương. Ảnh: AP |
Theo hợp tác xã thủy sản Fukushima, bạch tuộc và ốc biển là hai loại hải sản đầu tiên được chính thức bày bán tại các siêu thị địa phương, sau khi trải qua nhiều lần kiểm tra phóng xạ.
"Chúng rất giòn và có vị khá ngon", Yasuhiro Yoshida, giám sát mặt hàng hải sản tại siêu thị York Benimaru, thành phố Soma, Fukushima, nói. Tính tới hôm qua, siêu thị này đã bán được khoảng 24 kg ốc và 34 kg bạch tuộc.
"Cảm giác hy vọng và lo lắng đan xen, tuy nhiên, tôi vẫn rất mãn nguyện khi thấy siêu thị bán hết hàng vào lúc 3 giờ chiều", Hirofumi Konno, một quan chức phụ trách bán hàng tại hợp tác xã thủy sản tại Soma, cho hay.
Konno hy vọng cua cũng sẽ sớm được bày bán sau khi trải qua các thử nghiệm hạt nhân của chính phủ. Tuy nhiên, ông thừa nhận, phải mất một thời gian nữa mong ước này mới có thể trở thành sự thực, thậm chí là hàng năm, đặc biệt là với các loại hải sản khác.
Theo Konno, lượng bạch tuộc và ốc được tiêu thụ trong lô hàng đầu tiên đã gần bằng một nửa so với trước khi xảy ra thảm họa. Mặt khác, ông cho rằng thành công bước đầu này là bởi người tiêu dùng muốn thể hiện sự ủng hộ với các ngư dân. Hiện tại, các sản phẩm có xuất xứ từ ven biển Fukushima vẫn chưa được chào đón ở những thành phố lớn như Tokyo.
Nobuyuki Yagi, giáo sư thuộc trường Đại học Tokyo, người đang nghiên cứu về ngành công nghiệp thủy hải sản sau thảm họa kép động đất sóng thần và hạt nhân, cho rằng mối quan tâm lớn nhất hiện tại là về những loại hải sản không bị nhiễm xạ và quan điểm tiêu dùng của người dân.
"Ngư nghiệp không thể tồn tại nếu người tiêu dùng không muốn mua hải sản. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng Fukushima đang nỗ lực cải thiện tình hình", ông nói trong bài phát biểu hồi đầu tháng.
Sau thảm họa hạt nhân, hình ảnh của những sản phẩm có xuất xứ từ Fukushima đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ, đang tránh sử dụng thực phẩm của Fukushima.
"Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài", AP dẫn lời ông Konno.
Thảm họa động đất sóng thần hồi năm ngoái đã khiến khu vực bờ biển đông bắc Nhật Bản bị tàn phá nghiêm trọng, khiến hàng chục nghìn người phải tìm nơi ở mới. Toàn bộ các thị trấn ở tỉnh Fukushima đã bị ô nhiễm bởi phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nơi có ba lò phản ứng bị hư hại.
Quỳnh Hoa