Sau khi đám đông biểu diễn nhào lộn, múa lân và đu dây, Ted Osius, Đại sứ đương nhiệm của Mỹ tại Việt Nam, khi ấy là một nhân viên ngoại giao, đã đứng dậy và cảm ơn mọi người bằng tiếng Việt, về sự đóng góp chân thành của họ vào quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước.
Chia sẻ trong sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ tại Hà Nội hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quá trình hàn gắn giữa Việt Nam và Mỹ sau chiến tranh cần mất một khoảng thời gian và nó không dễ dàng với bên nào. Đó là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực, với rất nhiều việc phải làm, hai bên cần phải can đảm và cả thỏa hiệp.
"Tôi luôn biết ơn đặc biệt những người Việt Nam. Họ đã giúp chúng tôi tìm kiếm hàng nghìn binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, mặc dù con số người thân của họ mất tích còn nhiều hơn. Họ sẵn lòng đào mảnh ruộng của mình, họ cho phép chúng tôi vào nhà mình, vào những ngôi nhà cha ông để lại, thậm chí vào cả nhà tù để tìm kiếm. Nhiều lần họ còn dẫn chúng tôi đi qua các bãi mìn", ông Kerry xúc động nói.
Bản thân ông đã từng tham gia 16-17 chuyến đi trong hành trình tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích (MIA), tìm hiểu từng chi tiết trong những câu chuyện phía sau các lính mất tích, khiến ông hồi tưởng lại ký ức của chính mình khi tham chiến ở Việt Nam. "Ở nơi mà có rất nhiều lý do để cay đắng thì lại không có", ông nói.
Quá trình tìm kiếm MIA đã giúp đem lại câu trả lời cho hàng trăm gia đình người Mỹ và cũng giúp người Việt tìm tung tích người thân của mình, con số này lớn hơn rất nhiều số MIA của Mỹ. "Điều quan trọng nhất là công việc này vẫn đang tiếp diễn", theo Kerry.
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ sự biết ơn những nhà lãnh đạo đã có tầm nhìn đưa ra quyết định giúp hai nước tiến lên phía trước. Phía Việt Nam là cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Mạnh Cầm, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng. Ông Kerry cũng kể chi tiết những cố vấn tích cực của mình là Francis Zwenig, Nancy Stetson, và Virginia "Ginny" Foote, cố vấn của Thượng nghị sĩ John McCain là Mark Salter cùng Tommy Vallely, Chris Gregory, Chuck Robb, Bob Kerrey, Chuck Hagel, John Vessey, Chuck Larson và Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson.
Theo Kerry, cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam cách đây nửa thế kỷ xảy ra do sự thất bại lớn trong hiểu biết ngoại giao và tầm nhìn chính trị của hai bên. Khi nhìn lại, Việt Nam và Mỹ đều dành sự kính trọng cho những người đã chiến đấu ở cả hai bên và không bao giờ ngừng tưởng nhớ những người đã mất.
Bi kịch về điều đã xảy ra nên là điều nhắc nhở hai nước về sự khủng khiếp và những đau thương do chiến tranh gây ra, nhưng cả hai bên không nên bị đắm chìm trong quá khứ.
"Chúng ta đứng đây hôm nay kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ là bằng chứng cho thấy chúng ta không bị số phận làm cho bất hạnh phải lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta có thể vượt qua những cay đắng, dùng niềm tin để thay thế cho nghi ngờ và thay thù hận bằng sự tôn trọng lẫn nhau", ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ tin tưởng hai nước có thể chứng tỏ hai kẻ địch có thể trở thành đối tác, thậm chí trong thế giới phức tạp hiện nay. Những thành tựu đó không chỉ có giá trị với hai nước mà còn là bài học sâu sắc và kịp thời với thế giới.
Hành trình đạp xe, leo núi và tương lai Việt - Mỹ
Nhắc đến chuyến đạp xe cách đây 17 năm mà đích đến là TP HCM, khi đó ông Ted Osius, Đại sứ đương nhiệm, cũng là một người tham gia hành trình, Ngoại trưởng Mỹ nói đó là lần đầu tiên hai ông gặp nhau.
"Kỷ niệm đó hơi đau khổ, tôi lúc đó là thượng nghị sĩ. Với hơi nóng và độ ẩm khi ấy, rõ ràng chuyến đạp xe ấy rất thách thức. Nhưng tệ hơn, mỗi lần tôi chùng bàn đạp và nhìn lên thì Osius vẫn thong thả đạp như là đi chơi trong chiều chủ nhật", Kerry nói.
Sau đó ông phát hiện ra vì sao Osius lại trông như thế, hóa ra ông chính là người ở Mỹ thường gọi là tay cua rơ, trông như đó là lần đầu tiên Ted đạp xe nhưng thực ra ông ta là một chuyên gia rất giỏi. Đại sứ Mỹ Ted cũng từng đi một chuyến đạp xe từ Hà Nội vào TP HCM với độ dài 1.200 dặm.
"Ông ấy là người Việt Nam, không phải người Mỹ", Ngoại trưởng Kerry kể Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói về Osius khi hai người đến chào sáng qua. Ông Kerry nói Osius thực sự là một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất của Mỹ và gửi lời cảm ơn ông.
Đầu năm nay, Đại sứ Osius cùng Trợ lý Ngoại trưởng Tom Malinowski và các quan chức ở Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng tham gia chuyến đi lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam là Fansipan.
"Ông ấy nói đó là một chuyến leo núi đầy gian nan, trời mưa và u ám mây. Khi leo xuống thì trời tối và đoàn suýt lạc đường. Nhưng họ đã trở về an toàn cùng nhau. Có những ngọn núi dốc mà chúng ta chưa leo, có những lựa chọn khó khăn với quan hệ đối tác của chúng ta để đạt được những tiềm năng. Nhưng chúng ta biết rằng bầu trời phía trên là không có giới hạn, dựa trên những gì chúng ta đã đạt được, và với nguyện vọng chung của người dân hai nước, bất kỳ điều gì và mọi điều đều có thể", Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại 20 năm trước có khoảng 60.000 người Mỹ đến Việt Nam, hiện nay có gần nửa triệu người. Thời điểm 1995 mới có 800 học sinh Việt Nam học tập ở Mỹ, con số hiện nay là 17.000 người. Thương mại song phương tăng từ 451 triệu USD lên 36 tỷ USD trong 20 năm qua.
Ở đồng bằng sông Mekong, nơi ông Kerry từng đi tuần trên thuyền hồi năm 1968 - 1969, hiện nay Việt - Mỹ đang cùng các nước ở khu vực này thực hiện Sáng kiến nhằm cải thiện sự thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế của 70 triệu người. Việt Nam và Mỹ cũng thúc đẩy việc giải quyết hậu quả chiến tranh, tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, rà phá bom mìn chưa nổ.
"Chúng ta mất 20 năm để bình thường hóa quan hệ và cũng mất thêm 20 năm nữa để tiến lên từ hàn gắn đến xây dựng quan hệ. Hãy nghĩ về điều gì chúng ta có thể hoàn thành trong 20 năm nữa", Ngoại trưởng Mỹ gợi mở.
Việt Anh