Ngọn lửa lớn bùng lên ở nhà thờ Đức Bà Paris tối 15/4 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho công trình hơn 850 năm tuổi, phá hủy tháp nhọn mang tính biểu tượng của nó và thiêu rụi phần lớn mái vòm bằng gỗ sồi hàng trăm năm. Khi ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn, nhà chức trách Pháp và giới chuyên gia bắt đầu quá trình đánh giá thiệt hại cũng như tính toán phương án xây dựng lại công trình lịch sử.
Theo các chuyên gia về xây dựng, lịch sử, văn hóa, việc khôi phục nhà thờ Đức Bà Paris là một quá trình rất khó khăn, tốn kém, có thể mất nhiều năm trời với những công đoạn lựa chọn phương án xây dựng, nhân công, vật liệu kỳ công chẳng khác nào "đãi cát tìm vàng", bởi tầm quan trọng và giá trị lịch sử, văn hóa quá lớn của công trình.
"Những việc cần làm tới đây là đánh giá đầy đủ thiệt hại, gia cố mọi thứ còn lại, thống kê những thứ bị phá hủy trong đám cháy và sau đó tìm vật liệu thích hợp để xây dựng lại nhà thờ", tiến sĩ Emily Guerry, giảng viên cấp cao về lịch sử châu Âu Trung cổ thuộc Đại học Kent của Anh, nói. "Trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta không xây dựng theo cách của người xưa nữa".
Thứ đầu tiên mà người Pháp cần tìm để khôi phục nhà thờ Đức Bà là gỗ, bởi mái vòm và tháp nhọn của công trình lịch sử này được làm từ những thân gỗ sồi đại thụ, được phủ chì để bảo vệ khỏi sức tàn phá của thời tiết. Toàn bộ cấu trúc phía trên kết cấu bằng đá của nhà thờ được làm từ 13.000 thanh dầm và xà gỗ, khiến chúng bắt lửa nhanh chóng và bị phá hủy gần như hoàn toàn trong đám cháy.
Theo tiến sĩ Guerry, để thay thế được số gỗ này, nước Pháp sẽ cần tới 3.000 cây sồi kích thước lớn, đủ bao phủ diện tích rừng khoảng 21 hecta. Đây gần như là điều không thể ở Pháp hiện nay, bởi phần lớn các khu rừng nguyên sinh của họ đã bị tàn phá.
"Thời Trung cổ, người ta dễ dàng tìm được số lượng lớn cây sồi đại thụ chắc khỏe, nhưng việc khai thác gỗ quá mức đã dẫn tới sự hủy diệt nhiều rừng gỗ sồi ở châu Âu", bà nói. "Việc tìm ra khoảng 3.000 cây sồi lớn như vậy trong hai thập kỷ tiếp theo là thách thức rất lớn".
Những cây gỗ đầu tiên bị đốn hạ để xây dựng nhà thờ trong giai đoạn 1160-1170, trong đó có những cây 300-400 năm tuổi, nghĩa là tới nay chúng đã tồn tại gần 1.300 năm. Phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp Bertrand de Feydeau hôm qua thừa nhận nước này không còn cây gỗ nào có kích thước tương đương để thay thế những dầm gỗ đã bị thiêu rụi trong đám cháy ở nhà thờ Đức Bà.
Website của nhà thờ Đức Bà cũng thừa nhận rằng ngay từ thế kỷ 12, việc tìm cây gỗ đủ lớn để xây dựng nhà thờ đã gặp nhiều khó khăn do hoạt động đô thị hóa và phá rừng của con người. Hoạt động đó gia tăng theo thời gian, khiến các khu rừng nguyên sinh dần bị thu hẹp đến mức báo động.
Báo cáo được công bố trên tạp chí địa sinh học bảo tồn Diversity and Distributions hồi tháng 5/2018 cho biết chỉ 4% diện tích rừng ở châu Âu hiện nay là rừng nguyên sinh. Các khu rừng nguyên sinh này lớn không quá 500 km vuông, nằm gần lãnh thổ Nga và khu vực Bắc Âu. Tại Pháp, chỉ 0,01% diện tích rừng chưa bị con người xâm phạm và có thể có những cây đại thụ 200-400 năm tuổi, theo tiến sĩ Francesco Maria Sabatini, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học Đức.
Tuy nhiên, tiến sĩ Guerry cho rằng những cây sồi cổ thụ kích thước lớn cần thiết cho dự án khôi phục nhà thờ Đức Bà vẫn có thể được tìm thấy ở vùng Baltic, nơi cung cấp phần lớn gỗ sồi cho cả châu Âu ngày nay. Việc lựa chọn, khai thác và nhập khẩu chúng vào Pháp cần đến con mắt, đôi tay của những người thợ lành nghề.
"Chúng ta cần đội thợ mộc giàu kinh nghiệm tới tận nơi để lựa chọn những cây gỗ phù hợp, xử lý chúng đúng cách và sau đó đưa chúng lên mái nhà thờ", bà cho hay. "Những kỹ năng làm mộc đó không thực sự phổ biến thời nay, nhưng tôi chắc chắn đâu đó vẫn có những thợ mộc tài năng nóng lòng muốn làm điều đó cho Paris".
Thách thức thứ hai với dự án khôi phục nhà thờ là phải tìm ra loại đá phù hợp. Loại đá vôi dùng để xây dựng công trình từ thế kỷ 12 được coi là "cực phẩm trên thế giới", nên các chuyên gia sẽ phải tìm ra vật liệu thích hợp để xây lại phần khung vòm và gia cố các bức tường bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao từ vụ cháy.
Những tảng đá này từng được thợ thủ công khai thác từ mỏ đá ở vùng Normandy, chế tác và thi công bằng những biện pháp thô sơ. "Chúng ta sẽ cần cả một hệ thống mới để khai thác loại đá tương tự một cách thủ công để tạo hiệu ứng đồng nhất", Guerry nói. "Điều đó sẽ cần đến hàng nghìn tấn đá hạng nhất thế giới, nên ngay từ bây giờ chúng ta phải xin giấy phép tiếp cận và khai thác những mỏ đá tốt nhất".
Ngoài gỗ và đá, các chuyên gia còn phải nghiên cứu vật liệu phù hợp để khôi phục những cửa sổ hoa hồng bằng kính mờ đặc biệt của nhà thờ Đức Bà. Phần lớn những cửa sổ này còn nguyên vẹn sau vụ cháy, nhưng một số tấm kính bị nóng chảy do nhiệt độ quá cao.
"Việc khôi phục cửa sổ của nhà thờ là công việc khó khăn vượt mức tưởng tượng và cần đến nỗ lực tuyệt vời", Guerry nói, bổ sung rằng nhiệt độ cao từ đám cháy có thể khiến các tấm kính trên cửa sổ hoa hồng bị cong vênh.
"Các thợ kính sẽ phải trèo lên và tháo gỡ từng mẩu kính ở cửa sổ hoa hồng, đưa chúng ra ngoài để làm sạch và điều chỉnh những tấm bị cong vênh, thay thế những tấm bị phá hủy rồi lắp chúng lại như cũ", bà cho biết.
Theo tiến sĩ, điều may mắn là vùng Paris có những thợ kính giỏi nhất thế giới từng được đào tạo về kỹ thuật chế tác kính từ thế kỷ 12, đủ sức khôi phục kiệt tác bên trong nhà thờ một cách hoàn hảo.
Tuy nhiên, Bernard-Henri Lévy, một trong những học giả nổi tiếng nhất của Pháp, cảnh báo rằng dù dự án khôi phục được tiến hành tỉ mỉ với các công đoạn "đãi cát tìm vàng" tinh tế đến bao nhiêu, nhà thờ Đức Bà sẽ không bao giờ còn được như cũ.
"Bạn không thể dựng lại sự phong trần, không thể khôi phục lớp bụi thời gian của nó", ông nói, nhấn mạnh rằng nhà thờ Đức Bà đã tồn tại qua nhiều thời khắc gian nguy của lịch sử, trước khi "biến cố phi lý" tối 15/4 gần như hủy hoại nó. "Sinh khí của công trình này chính là sự lâu đời của các vật liệu làm ra nó, là sợi dây gắn kết hiện tại với các ý tưởng, tâm huyết được những người xây dựng nhà thờ gửi gắm".
Thành Nguyễn (Theo CBS, Fortune)