Anh Thịnh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường cao học Y tế cộng cộng và Chính sách Y tế thuộc Đại học Thành phố New York (CUNY-SPH), đồng thời là biên tập viên tạp chí quốc tế PLOS ONE có chỉ số ảnh hưởng (IF) 3.75.
"Tôi không nghĩ mình có được bước tiến dài đến vậy. Hồi mới qua Mỹ học thạc sĩ, tôi chỉ nghĩ học xong rồi về làm giảng viên", anh Thịnh nói.
Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Y tế công cộng tại Đại học Y Hà Nội năm 2013, anh Thịnh làm cho một tổ chức phi chính phủ khoảng bốn năm, trước khi giành năm học bổng thạc sĩ toàn phần.
Anh quyết định theo ngành Dịch tễ học tại trường Y tế công cộng thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA), với học bổng 116.000 USD (trên 2,7 tỷ đồng). Đây là trường công số 1 tại Mỹ, theo US News.
Với điểm trung bình học tập (GPA) 3,83/4 cùng 17 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, anh Thịnh tiếp tục được UCLA trao học bổng tiến sĩ.
Tuy nhiên, anh đã từ bỏ cơ hội này, chọn làm việc cho Trung tâm Sáng kiến về Sức khỏe Tâm thần ở khoa Khoa học Xã hội và Y tế công cộng, CUNY-SPH. Công việc của anh là nghiên cứu về nghiện chất (rượu, ma túy...), hỗ trợ chương trình đánh giá, can thiệp các mô hình điều trị trầm cảm.
Giáo sư gốc Việt Victoria Khánh Ngô, nhà nghiên cứu chuyên sâu về sức khỏe tâm thần tại đây, là người đã mời Thịnh về.
"Tôi cảm nhận được sự quyết tâm mãnh liệt trong con người của Thịnh", bà Victoria nói, cho hay ấn tượng nhất với Thịnh ở tinh thần cầu tiến và khao khát có những công trình nghiên cứu giá trị.
Về nước năm 2020, anh Thịnh phải làm việc từ xa vì dịch Covid-19, tới tháng 7/2021 mới trở lại Mỹ. Khi công việc ổn định, anh tiếp tục làm tiến sĩ với học bổng 5 năm tại CUNY-SPH. Trường này trong top 15 trường Y tế công cộng tốt nhất nước Mỹ, theo US News. Anh cho hay trường cho học ngoài giờ hành chính nên hàng ngày anh đi làm từ 8h đến 17h, sau đó đi học tới 22h.
"Vừa học vừa làm rất mệt nhưng cách này giúp tôi tiết kiệm thời gian và học dựa trên những gì làm thực tế", anh Thịnh giải thích. Ngoài ra, khi chọn phòng thí nghiệm, anh chú ý tới giáo sư, đồng nghiệp, môi trường sống và lương. Các giáo sư ở đây tạo điều kiện cho anh sử dụng số liệu nghiên cứu cho mục đích học tập.
Nhờ đó, anh Thịnh có 23 công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Năm 2021, anh nghiên cứu về tình trạng sức khỏe tâm thần và sử dụng nghiện chất của người dân ở khu Harlem, New York trong dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, nhiều người có thể đã uống rượu nhiều hơn để đối phó với trầm cảm và các tác nhân gây căng thẳng xã hội. Việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần cũng như giải quyết vấn đề an toàn công cộng có thể giảm thiểu việc này.
Hai báo cáo từ nghiên cứu do anh Thịnh là tác giả chính, được chọn trình bày tại Hội thảo của Hiệp hội Y tế công cộng Mỹ ở thành phố Boston và Atlanta vào năm 2022, 2023. Năm nay, báo cáo này được xuất bản trên tạp chí Journal of Urban Health (IF= 6.6), Journal of Community Health (IF=5.8).
Bà Deborah Levine, Giám đốc của Sáng kiến Sức khỏe Harlem tại CUNY-SPH, cho biết nghiên cứu của anh Thịnh còn được chia sẻ với Ủy ban Y tế thành phố New York và văn phòng thị trưởng quận Manhattan. Điều này góp phần nâng cao tiếng nói cho người dân nơi đây.
"Thịnh là một thành viên nhóm tuyệt vời và tôi tự hào được làm việc với anh ấy", bà Deborah nói.
Ngoài ra, anh Thịnh còn là tác giả chính của nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế khác. Hướng nghiên cứu chính của anh là sức khỏe tâm thần của bệnh nhân ung thư, hay tình trạng rối loạn sử dụng nghiện chất.
Trên website hồi tháng 3 năm nay, CUNY-SPH cho biết anh Thịnh là nghiên cứu sinh duy nhất hai lần liên tiếp nhận tài trợ của Viện Ung thư quốc gia Mỹ. Với khoản tài trợ 17.000 USD (khoảng 440 triệu đồng), anh Thịnh đã nghiên cứu triệu chứng sức khỏe tâm thần ở người bệnh ung thư và người thân chăm sóc họ tại bệnh viện K. Dựa trên nghiên cứu này, anh đề xuất một nghiên cứu khác có tựa đề "Hiểu về sức khỏe tâm thần và khả năng phục hồi của những người thân chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Việt Nam".
Ngoài ra, anh Thịnh còn tham gia dự án hỗ trợ điều trị trầm cảm miễn phí cho hơn 1.600 người dân Bắc Giang và Phú Thọ. Việc này giúp so sánh các mô hình chăm sóc trầm cảm ban đầu ở cộng đồng; cung cấp thông tin để triển khai các hoạt động này khắp Việt Nam.
Tháng 10 tới, anh Thịnh sẽ tới Los Angeles nhận giải thưởng do trường Y tế công cộng thuộc UCLA trao tặng.
"Thịnh là một trong 80 cựu sinh viên của trường được vinh danh trên Đại sảnh Danh vọng tính từ năm 2002, trong số hơn 11.600 sinh viên tốt nghiệp đang sống và làm việc tại 71 quốc gia", đại diện trường cho biết.
Nhìn lại hành trình đã qua, anh Thịnh nói bản thân đã luôn nỗ lực, quyết tâm đi học và bước ra thế giới dù sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở Quảng Ninh. Anh cũng là người đầu tiên trong nhà học đại học và ra nước ngoài.
Thời gian đầu đến Mỹ, anh sốc văn hóa và ngôn ngữ. Anh vượt qua bằng cách chịu khó đi thực tập để có nhiều trải nghiệm và mở rộng mối quan hệ. Ngoài sự chăm chỉ, anh cũng vạch ra chiến lược rõ ràng.
"Dù đi học hay đi làm, tôi luôn có kế hoạch dự phòng. Nếu dự định ban đầu không như ý, tôi chuyển kế hoạch 2. Nhờ đó, mọi việc luôn đúng lộ trình và tâm lý không bị ảnh hưởng bởi những thất bại", anh Thịnh chia sẻ.
Anh cho biết cố gắng lấy bằng tiến sĩ vào cuối năm sau, tức trong 3-3,5 năm thay vì 5 năm như dự tính.
"Tôi dự định tốt nghiệp sớm để xin việc ở một trường đại học, tiếp tục nghiên cứu và tham gia các dự án hỗ trợ Việt Nam", anh Thịnh nói.
Bình Minh