Những ngày cận Tết, chị Ngô Thị Út Luân, Tổng Giám đốc Công ty CP K-Beauty Worldwide Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP HCM), tất bật kiểm tra tiến độ các đơn hàng, doanh thu, tính lương, thưởng Tết cho nhân viên.
"Những ngày giáp Tết luôn làm tôi bồi hồi", người phụ nữ 39 tuổi, nói khi nhớ lại chuyến bay lúc 0h ngày 22/12/2008, cất cánh từ Nội Bài đi Hàn Quốc. Nhìn ra cửa sổ rồi theo dõi hành trình bay, nước mắt chị lăn dài khi máy bay rời khỏi địa phận Việt Nam. Trước mắt cô là cuộc sống không người thân ở xứ người.
"Cảm xúc lẫn lộn nhưng trên hết tôi quyết tâm phải cố gắng làm việc để thoát cảnh nghèo khó đeo bám gia đình", Út Luân, khi ấy 22 tuổi, nhớ lại. Cô được sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Thanh Hóa. Nhà đông anh em, mẹ đau ốm nên năm lớp 10, Út Luân chuyển vào Ninh Thuận sống cùng chị gái để được nuôi ăn học.
Năm 2007, Luân đang hoàn thành học kỳ cuối chuyên ngành kế toán, Đại học Nha Trang. Chị gái, vốn là giáo viên tiểu học, đã gửi gắm cô em vào vị trí kế toán của trường. Tuy nhiên, một sự kiện khiến cuộc đời Út Luân rẽ ngang là hàng xóm vừa mua một chiếc xe tay ga đời mới nhất từ tiền của con trai đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc gửi về.
"Hai chị em qua hàng xóm hỏi ngay trong đêm", Út Luân nhớ lại. Sau nhiều suy tính, chị quyết định vẫn thi tốt nghiệp đại học cùng lúc lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Thuận đăng ký sang Hàn Quốc làm việc theo diện visa E-9 (dành cho lao động phổ thông).
Cuối năm 2008, Út Luân nhận bằng tốt nghiệp đại học thì các thủ tục sang Hàn cũng hoàn tất. Đứng giữa hai lựa chọn ở quê làm kế toán đúng chuyên môn nhưng lương thấp hay xuất ngoại làm lao động tay chân với thu nhập khá hơn, chị Luân quyết định ra đi.
San Hàn vừa trúng dịp Noel, tuyết rơi dày, áo quần mang từ Việt Nam sang không có tác dụng. Không chỉ khó khăn về thời tiết, cô gái trẻ còn bị sốc ngôn ngữ. Dù ở Việt Nam, Út Luân đứng đầu kỳ thi tiếng Hàn nhưng khi sang nước sở tại "người ta nói mình chẳng hiểu gì".
Lúc mới sang, Út Luân được sắp xếp làm việc ở công ty gia công linh kiện điện tử, mỗi ngày 8 tiếng. Nhà máy cách xa khu dân cư, cô và đồng nghiệp tự trồng rau, nấu ăn và ở tại ký túc xá. Tuy nhiên, sau nửa năm, ban giám đốc chỉ đồng ý trả mỗi tháng 800.000 won trong khi lương cơ bản ở Hàn Quốc thời điểm đó 904.000 won, tức cô chỉ nhận được 70% lương của một lao động phổ thông. Lý do được ông chủ đưa ra là chỉ đủ khả năng thuê thực tập sinh. Do đó, dù công việc nhẹ nhàng nhưng Út Luân quyết định nghỉ việc và liên hệ cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc hỗ trợ tìm việc làm mới.
Cô được chuyển đến một xưởng cơ khí nằm trong khu công nghiệp với các công đoạn đều dùng sức do liên quan đến đúc, hàn, tiện. Trước đó, doanh nghiệp chỉ tuyển nam nhưng suốt thời gian dài không kiếm ra người nên đành chấp nhận lao động nữ.
Luân được phân về công đoạn tiện, làm ống nối cho dây chữa cháy. Ngoài đứng máy tiện CNC, chị phải liên tục xách các xô nước to hơn chục lít để xối lên làm mát thiết bị. Đặc thù xưởng cơ khí máy móc phải chạy liên tục nên công nhân phải đi ca 12 tiếng, tuần ngày – đêm luân phiên nhau, không có ngày nghỉ.
"Khẩu hiệu của họ là hôm nay phải nhiều sản phẩm hơn hôm qua nên cơ thể mình lúc nào cũng như bị vắt kiệt", Út Luân nói. Chưa kể, chỗ mới không có ký túc xá cho lao động nữ nên cô và hai đồng nghiệp phải ngủ tạm trong thùng container. Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp khiến thùng container như một cái tủ lạnh khổng lồ. Lúc đó, động lực thôi thúc chị cố gắng là thu nhập ở chỗ mới gấp đôi công ty đầu tiên.
Hào hứng với lương cao được gần một năm thì chị phải nghỉ do công ty hết việc và chuyển sang công ty thứ ba, chuyên về sản xuất sản phẩm nhựa. Út Luân làm việc ở vị trí vận hành máy, đi ca 12 tiếng, làm tuần ngày – đêm luân phiên.
Công việc vất vả không kém chỗ cũ nhưng lương lại thấp hơn, chưa đến một triệu won mỗi tháng. Tuy nhiên, đây lại là nơi Út Luân gắn bó lâu nhất và học được nhiều điều. Giai đoạn này, doanh nghiệp thiếu người nên cô gái trẻ tự nguyện hỗ trợ cho các vị trí khác trong xưởng như kiểm hàng, hỗ trợ xuất nhập hàng. Ngay cả thợ kỹ thuật sửa máy, cô cũng chăm chú theo dõi, tỉ mẩn ghi chép để khi gặp tình huống sẽ tự xử lý. Nhờ đó, hầu hết các phần việc trong xưởng cô đều thành thạo.
Do làm nhiều công đoạn, tiếp xúc với nhiều người nên tiếng Hàn giao tiếp của Út Luân ngày càng khá. Cùng lúc, nhân viên văn phòng người Hàn Quốc phụ trách xuất nhâp hàng nghỉ việc, thấy Luân nhanh nhẹn, biết việc nên ông chủ chuyển cô từ nhà máy lên văn phòng làm việc.
"Đó là một bước ngoặt với tôi", chị Luân nói. Nhờ lên văn phòng, chị chủ động được công việc, có thời gian đến các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài ở Hàn Quốc tham gia các hoạt động tình nguyện. Tại đây, chị được học tiếng Hàn một cách bài bản, trực tiếp giải quyết các vấn đề từ xin visa, vận dụng pháp luật để khiếu nại tiền công, thi bằng lái xe... Nhờ đó, các kỹ năng và trình độ của chị ngày càng cải thiện. Nhiều lần, chị còn nhận làm thông dịch miễn phí cho đồng hương đàm phán với chủ doanh nghiệp Hàn Quốc, yêu cầu phải trả lương, thưởng đầy đủ theo quy định.
Năm 2017, cô gái Việt Nam được đề bạt lên chức trưởng phòng và chuyển đổi thành công visa dài hạn E7 (dành cho lao động có tay nghề cao). Cũng trong thời gian này, chị học được cách vận hành doanh nghiệp, trở thành lao động Việt duy nhất cùng giám đốc sang Việt Nam với vai trò kết nối đầu tư.
Trong những chuyến cùng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam, Út Luân là người duy nhất biết cả hai ngôn ngữ Việt – Hàn nên cô nhận phiên dịch cho cả đoàn. Từ đi ăn uống, gặp gỡ, đưa ra các thông cáo song ngữ, cô gái Việt đều đảm nhận. Chính nhờ những chuyến đi này đã giúp cô mở rộng mối quan hệ, kết nối với nhiều chủ doanh nghiệp Hàn Quốc.
Năm 2019, một trong số những người bạn từng đi cùng sang Việt Nam ngỏ ý mời cô về nước mở doanh nghiệp phân phối mỹ phẩm. "Ban đầu, tôi chỉ định hỗ trợ chứ không làm cùng vì quyết tâm của tôi là ở lại Hàn Quốc", Út Luân nói. Bởi, sau rất nhiều nỗ lực, cô gái trẻ đã có chỗ đứng ở nước bạn, liên tục được nhận bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, bằng khen lao động nước ngoài ưu tú của TP Incheon... Chị cũng đã được cấp visa F2 (cho phép người nước ngoài nhập cư và sinh sống tại Hàn lâu dài).
Dù không có ý định về song chị vẫn hỗ trợ bạn nhiệt tình. Giai đoạn đó, tối thứ 6, khi xong việc ở công ty nhựa, chị đi thẳng ra sân bay để kịp chuyến 11h và đến Việt Nam lúc 3h. Hai ngày cuối tuần, chị cùng bạn đến các thẩm mỹ viện, spa, cửa hàng mỹ phẩm khảo sát nhu cầu thị trường. Tối chủ nhật lại lên máy bay trở về Hàn Quốc và kịp đi làm vào thứ hai.
Sau 6 tháng tìm hiểu cùng với được bạn thuyết phục và nhận thấy thị trường Việt Nam tiềm năng, Út Luân thay đổi suy nghĩ. Chị quyết định nghỉ việc, dồn hết tất cả tiền tiết kiệm được hơn một tỷ đồng sau bao năm làm thuê, trở về Việt Nam cùng hai người bạn Hàn Quốc mở công ty phân phối mỹ phẩm.
"Mở công ty ra thì gặp dịch, khó khăn chồng chất, khách hàng nợ tiền", chị Luân nhớ lại. Sau gần một năm ở Hà Nội, chị quyết định chuyển công ty vào TP HCM chuyên phân phối độc quyền mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng. Từ những đơn hàng nhỏ lẻ đầu tiên, doanh thu công ty tăng dần, có lúc đạt 50 tỷ đồng mỗi năm. Sau hơn 5 năm hoạt động, doanh nghiệp làm việc với 13 nhãn hàng, bán ra thị trường gần một triệu sản phẩm. Ngoài ra, chị thành lập thêm hai công ty về làm đẹp và phân phối bán lẻ mỹ phẩm, đạt tổng doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm.
Năm ngoái, kỷ niệm 20 năm chương trình EPS, Ngô Thị Út Luân là đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi "Lao động EPS lập nghiệp thành công năm 2024" do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức. Trong số các bài thi của lao động từ 16 nước, chị Út Luân đã được trao giải nhất.
Nhìn lại hành trình hơn một thập kỷ ở Hàn Quốc, chị Luân cho rằng ước mơ thoát nghèo, tinh thần không bỏ cuộc, ham học hỏi đã giúp chị vượt qua tất cả. Giờ đây, con đường kinh doanh ở Việt Nam mới bắt đầu, chị luôn tin mình sẽ làm tốt hơn bởi "đây là quê hương của mình".
Lê Tuyết