Lúc này, ta sẽ cảm thấy tự tin và đường hoàng hơn khi lái xe ra đường. Và rồi... theo thời gian, cái giấy phép lái xe (GPLX) ấy dần cũng bình thường như những loại giấy tờ khác. Và mặc nhiên, nó yên vị trong một cái ví hay trong một cốp xe nào đó đến độ bị lãng quên nếu không bị "hỏi thăm" hay sắp đến ngày hết hạn. Vậy thì giá trị của GPLX nằm ở đâu?
Cùng một hạng, cùng một nơi đào tạo nhưng trình độ tiếp thu, kỹ năng thao tác, vận hành cũng như năng khiếu của từng học viên là khác nhau. Người thì chỉ cần "liếc" một cái là hoàn thành giáo trình, nhưng cũng có người ngoài thời gian học chính khóa vẫn thuê giáo viên "gò" thêm ngoài giờ, rèn dũa cho cái đích cuối cùng là vượt qua kỳ thi sát hạch. Rồi cái ngày mong chờ cũng đến.
Từ anh xuất sắc cho đến anh phải đóng tiền thi lại vài lần đều sở hữu riêng mình cái GPLX, củng cố thêm cho một "sự đảm bảo". Đến lúc này, giá trị của GPLX bắt đầu phát huy tác dụng.
Ta sẽ mạnh dạn và tự tin hơn, cơ hội có việc làm cao hơn, thậm chí trong cơn bí bách, có thể "cắm" nó vào tiệm cầm đồ. Vậy là sẽ có thêm một bộ phận tài xế mà mọi người thường gọi là "lái mới" cùng tham gia vào hệ thống giao thông. Nhưng không hẳn lái mới đã là lái yếu và ngược lại.
Trải qua một thời gian "chinh chiến", vài lần móc GPLX ra-nhét vào, tích lũy kinh nghiệm... Đến lúc này, nếu may mắn, họ sẽ thành "tài già" kèm theo lưng vốn kinh nghiệm. Với tài kinh nghiệm, chỉ cần nhìn cách mọi người chạy xe trên đường thì họ sẽ dễ dàng nhận biết ai là "lái yếu" mà có cách đề phòng từ xa.
Tài kinh nghiệm có thể đọc vị gần như chính xác tình huống giao thông có thể xảy ra và đưa ra quyết định xử lý một cách đúng nhất để giảm thiểu rủi ro. Đôi khi, quyết định đó có thể cứu được mạng sống của một người hay nhiều người.
Lái mới nhưng non kinh nghiệm dễ mắc tâm lý "cho bằng anh, bằng chị". Với số giờ thực hành khiêm tốn để qua được kỳ sát hạch, muốn thành tài già thì phía trước còn chông gai lắm. Khi chưa hiểu rõ về chiếc xe mình điều khiển thì tốt nhất là nên hết sức cẩn trọng nếu không muốn một ngày nào đó bỗng dưng trở thành kẻ tội đồ...
Tai nạn-Tang thương-Người ai oán... Nát thịt-Tan xương-Vỡ mộng trần... Đến bao giờ mới giảm khi phần lớn là do sự chủ quan của con người? Khi mà "Chiếc áo (GPLX) không làm nên thầy tu (tài xế)". Vậy thì có nên đào tạo thầy tu sao cho xứng, cho vừa với chiếc áo?
Tai nạn giao thông không chừa một ai. Dù có hay không có GPLX, dù có là lái mới hay tài già. Mọi người (kể cả người viết bài này) xin hãy bớt đi một chút tôi, một chút ích kỷ, thêm vào chút vị tha, chút thông cảm... Bằng cái Tâm, cái Tài của mình mà tích Đức cho đời cháu con....
Độc giả Hoàng Thanh