Đây không phải điều bất ngờ, bởi truyền thông đưa tin nCoV đã lây lan ở một số nước châu Âu trước khi chạm tới miền nam nước Anh. Các ca nhiễm cũng đã được phát hiện tại thành phố Birmingham và Wolverhampton gần thị trấn Dudley. "Chuyện này không tránh được, nhưng sự xuất hiện của ca nhiễm đầu tiên đã biến nguy cơ thành hiện thực", Rees cho hay.
Rees là bác sĩ phụ trách phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Russells Hall ở Dudley. Suốt sự nghiệp 20 năm qua tại thị trấn, bà dành thời gian vạch sẵn những việc cần làm nếu một đại dịch xảy ra, dựa trên những hiểu biết sâu sắc về Dudley.
Sau cuộc gọi thông báo về ca nhiễm nCoV đầu tiên, Rees vội vàng triệu tập một cuộc họp qua điện thoại với đội ngũ nhân viên trong bệnh viện. Những việc cần làm bao gồm đảm bảo chăm sóc tốt nhất có thể cho ca nhiễm đầu tiên, tạo môi trường thoải mái cho nhân viên y tế, vạch ra các biện pháp phòng dịch cần thực hiện.
Mọi người tỏ ra bình tĩnh khi có kế hoạch để làm theo. Tuy nhiên, biến cố lần này vẫn là một ẩn số. "Tôi nghĩ chúng tôi đều nhận thức được rằng có lẽ số ca nhiễm sẽ tăng lên trong vòng vài ngày", Rees nói.
Paul Hudson, bác sĩ tư vấn gây mê tại Russells Hall, đồng thời là phó giám đốc y tế quỹ tín thác điều hành bệnh viện, từ lâu cũng tiên liệu rằng Covid-19 rồi sẽ lan tới Dudley và suy nghĩ rất nhiều về cách phản ứng. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy ngỡ ngàng trước ca nhiễm nCoV đầu tiên. "Dịch bệnh không đến từ nơi mà chúng tôi dự đoán", Hudson cho hay.
Hudson cũng tích cực tham gia lập kế hoạch ứng phó đại dịch tại Dudley, bao gồm vạch ra các hướng dẫn mới, tìm cách phân chia những người đến nhập viện ngay tại cửa thành hai luồng "Covid" và "không Covid", thành lập khoa hô hấp khẩn cấp, đảm bảo đủ vật tư như oxy, thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở, thuốc và nhân lực.
"Tôi nghĩ kế hoạch của chúng tôi khá ổn", Hudson đánh giá. Vấn đề còn lại chỉ nằm ở việc chờ đợi những bệnh nhân có triệu chứng hô hấp nghiêm trọng nhập viện.
Tuy nhiên, Covid-19 không đi theo hướng mà họ đã dự đoán. "Đột nhiên, chúng tôi phát hiện một bệnh nhân nội trú dương tính với nCoV", Hudson kể lại.
Bệnh nhân này đang được điều trị bệnh khác và nhập viện trước khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng nhiễm nCoV. Dù đã có sẵn biện pháp ứng phó với một trường hợp như thế này, khởi đầu bao giờ cũng khó khăn. "Tôi nghĩ sự việc cho thấy một trong những tính chất của đại dịch này, đó là không thể lường trước", Hudson nhận định.
Ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Dudley được phát hiện hôm 8/3. Chỉ ba ngày sau, báo chí địa phương đưa tin về trường hợp tử vong đầu tiên vì đại dịch. Ca tử vong thứ hai được ghi nhận hôm 15/3, ba ngày sau tăng lên 5 người. Hôm 20/3, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết chính phủ đang tìm hiểu lý do xuất hiện "điểm nóng" Covid-19 tại hạt West Midlands, nơi thị trấn Dudley tọa lạc.
Rees cho biết các bệnh nhân tử vong vì Covid-19 trong những ngày đầu đại dịch bùng phát ở Dudley vốn mang bệnh nền rất nặng. Thông thường, các trường hợp này tử vong nhanh chóng ngay sau khi được chẩn đoán.
"Vào thời điểm nhận kết quả dương tính với nCoV, có thể trong vòng 24 giờ, họ đã chết. Điều đó rõ ràng cho thấy đây là một dịch bệnh thực sự khó đối phó", Rees nói. Tất cả diễn biến này đều mới mẻ với đội ngũ nhân viên tại bệnh viện.
Trên tầng cao nhất của bộ phận quản lý, hội trường lớn vốn thường được sử dụng để tổ chức các cuộc hội thảo được thiết kế lại với những bảng thông tin treo xung quanh tường, cùng các màn hình máy tính và một kênh tin tức mở suốt ngày đêm. Đây trở thành phòng tình huống Covid-19 của quỹ tín thác bệnh viện, nơi tất cả dữ liệu đến và đi.
Phòng tình huống tiếp nhận thông tin truy vết tiếp xúc và đưa ra các báo cáo về tình hình trong ngày. Một đường dây xử lý yêu cầu cung cấp đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên bệnh viện cũng được thiết lập. Bên cạnh việc tự mô hình hóa khả năng lây lan của nCoV tại Dudley, quỹ tín thác còn nhận dự báo từ Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (PHE), chính quyền địa phương và các cơ quan NHS khác.
Hôm 23/3, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh cho tất cả người dân ở nhà, Dudley cũng chịu cảnh phong tỏa như phần còn lại của đất nước. Đây cũng là lúc số ca nhiễm nCoV tại thị trấn bắt đầu tăng lên như dự đoán.
Rees cho biết người dân Dudley thường có xu hướng chịu đựng và đến viện muộn, nhưng điều đó không còn xảy ra trong đại dịch. Đông đảo người nhiễm nCoV kéo tới bệnh viện, với tỷ lệ đáng kể mang triệu chứng nặng. Hudson cho biết tình trạng của những người vốn không khỏe khi đến nơi thường xấu đi nhanh chóng trong vài ngày.
Từ ngày 23 đến 25/3, số ca nhiễm nCoV trong thị trấn Dudley tăng từ 26 lên 40. Tới ngày 27/3, số người chết vì Covid-19 tăng lên 17. Bốn ngày sau, con số này tăng gần gấp đôi, lên 30 trường hợp. Tuy nhiên, giữa lúc cam go, cách giải quyết lo ngại về tình trạng thiếu máy thở lại xuất hiện.
Theo hướng dẫn quỹ tín thác bệnh viện nhận được, một biện pháp thông khí không xâm lấn, có tên thông khí áp lực dương liên tục (CPAP), có thể hữu ích với bệnh nhân Covid-19 và có thể đóng vai trò thay thế máy thở.
Khi Hudson lo ngại bệnh viện vẫn có nguy cơ thiếu máy CPAP, một xe tải quân đội đã xuất hiện với 25 chiếc máy. "Tại thời điểm đó, bạn có thể cảm thấy không khí xung quanh thay đổi một chút", bác sĩ hồi tưởng. Sự hỗ trợ giúp các nhân viên y tế tin rằng họ có thể đưa ra quyết định điều trị dựa trên nhu cầu của bệnh nhân, thay vì khả năng của bệnh viện.
Tuy nhiên, những chông gai trong cuộc chiến chống Covid-19 chưa chấm dứt, khi đại dịch tại Anh đạt đỉnh hồi đầu tháng 4. Các khu vực điều trị bệnh khác bỗng im ắng kỳ lạ, nhưng trong khu Covid-19, mọi thứ vô cùng tất bật.
Hôm 5/4, ngày mà Thủ tướng Johnson phải nhập viện vì nhiễm nCoV, số ca nhiễm tại Dudley đã tăng lên 283. Ba ngày sau, tổng số ca tử vong trong bệnh viện vì Covid-19 là 106. Theo Rees, từng có hôm số ca dương tính với nCoV được ghi nhận trong vòng 24 giờ lên tới 58, nhưng bà không cảm thấy bất ngờ.
Hầu hết tháng 4, các bác sĩ gây mê và chăm sóc tích cực làm việc theo mô hình ba ngày làm, ba ngày nghỉ, ba đêm làm, ba đêm nghỉ. Đội ngũ nhân viên tại bệnh viện đảm đương cả những nhiệm vụ không nằm trong công việc hàng ngày của họ. Việc duy trì nhân lực đầy đủ trở thành thách thức lớn, không chỉ đối với các bác sĩ và y tá, mà còn với mọi bộ phận của bệnh viện. Có thời điểm hàng trăm nhân viên phải nghỉ vì bị ốm hoặc phải tự cách ly.
Hudson cho biết áp lực mà các nhân viên y tế tuyến đầu phải đối mặt là chưa từng có. "Mọi người phải cố hét lên qua khẩu trang để giao tiếp với ai đó cũng khó nhận diện do lớp đồ bảo hộ kín mít, trong khi các bệnh nhân vô cùng yếu và tình trạng có xu hướng xấu đi nghiêm trọng", ông kể lại, nói thêm rằng nhân viên y tế càng gặp nhiều khó khăn hơn do không có thân nhân của người bệnh trợ giúp.
"Tất cả quyết định của bạn phải khắt khe hơn một chút. Cuộc sống của bạn cũng bị bó hẹp do thế giới xung quanh đều đóng cửa. Tôi từng có lúc phải ngừng nghe tin tức, bởi tôi vốn đang phải đối phó với vấn đề suốt cả ngày", Rees cho biết.
Đường dây hỗ trợ trong phòng tình huống Covid-19 đã phát huy hiệu quả, khi bệnh viện chưa từng bị thiếu đồ bảo hộ. Cộng đồng địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn vật tư. "Các tình nguyện viên từng làm ra những tấm kính chống giọt bắn khi chúng tôi thiếu nguồn cung", Qadar Zada, phó giám đốc điều hành quỹ tín thác của bệnh viện, cho biết.
Một buổi tối khi đến bệnh viện để làm ca đêm, Hudson nhận ra không có bệnh nhân Covid-19 mới nào. Đêm hôm sau và vài ngày tiếp theo cũng trôi qua mà không ghi nhận trường hợp mới. Lúc đó, đội ngũ nhân viên y tế bắt đầu tin rằng đỉnh dịch đã trôi qua.
Thách thức tiếp theo của họ là lập kế hoạch cho giai đoạn phục hồi. Khối lượng công việc không khẩn cấp bắt đầu tăng trở lại. Mọi người cũng đều nhận thức rõ rằng họ cần chuẩn bị cho nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện. Tuy nhiên, các y bác sĩ có lẽ hài lòng với những gì họ đạt được.
"Bạn có thể nhìn lại và nhận thấy những gì mình đã làm khá tuyệt vời. Vẫn còn một chút lo lắng về làn sóng thứ hai, nhưng khi đã trải qua chuyện này một lần, tôi nghĩ chúng tôi biết cần phải làm gì", Rees nói.
Ánh Ngọc (Theo BBC)