Tất cả các ngoại hành tinh có chu kỳ quay xung quanh sao chủ "dưới một ngày" được biết đến trước đây đều là những hành tinh đá có đường kính nhỏ hơn hai lần Trái Đất, hoặc là những hành tinh khí khổng lồ giống sao Mộc có đường kính lớn gấp ít nhất 10 lần hành tinh của chúng ta.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Astronomy hôm 21/9, các nhà thiên văn học lần đầu tiên quan sát thấy một ngoại hành tinh cỡ sao Hải Vương nằm trong nhóm này, có nghĩa nó có kích thước lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn sao Mộc.
Ngoại hành tinh mới được đặt tên là LTT 9779 b nằm cách chúng ta khoảng 260 triệu năm ánh sáng. Nó có đường kính và khối lượng lớn hơn Trái Đất lần lượt là 4,7 và 29 lần. Hành tinh quay quanh ngôi sao chủ LTT 9779 ở khoảng cách chỉ bằng 1/23 lần từ Mặt Trời đến sao Thủy, gần đến mức nó có bề mặt bị đốt nóng tới 1.700 độ C và chỉ mất 19 giờ để hoàn thành một vòng quỹ đạo.
Điều kỳ lạ là LTT 9779 b dường như vẫn sở hữu một bầu khí quyển dày, nặng gần bằng 10% khối lượng của nó. "Các hành tinh có chu kỳ quay cực ngắn thường sớm mất đi bầu khí quyển do bức xạ năng lượng cao nhận được từ ngôi sao. Khám phá mới khiến chúng ta phải tìm hiểu thêm về các giả thuyết hình thành của chúng", trưởng nhóm nghiên cứu James Jenkins, Phó giáo sư tại Đại học Chile cho biết.
Trong tương lai, Jenkins cùng các đồng nghiệp sẽ tập trung phân tích ánh sáng đi qua bầu khí quyển của LTT 9779 b để tìm kiếm các nguyên tố hóa học, đo nhiệt độ khí quyển và xác định xem hành tinh này liệu có mây hay không.
"Độ sáng tương đối của ngôi sao cho phép các nhà thiên văn học sử dụng công cụ trên Trái Đất và không gian để nghiên cứu hành tinh quay quanh nó một cách chi tiết. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể được nghe nhiều hơn về LTT 9779 b trong tương lai gần", Jenkins chia sẻ thêm.
Đoàn Dương (Theo Space)