Ngoại hành tinh này nằm ngoài hệ Mặt Trời, có kích thước bằng sao Mộc và tên là WD 1586 b. Nó quay quanh xác ngôi sao lớn cỡ Trái Đất theo quỹ đạo 34 ngày. So với WD 1586 b, sao Thủy là hành tinh gần Mặt Trời nhất và mất 90 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. WD 1586 b nằm trong chùm sao Draco, cách Trái Đất 80 năm ánh sáng.
Sao lùn trắng là phần còn sót lại của ngôi sao giống Mặt Trời, phình to thành sao khổng lồ đỏ trong quá trình tiến hóa. Sao khổng lồ đỏ đốt cháy hết nhiên liệu hydro và mở rộng, "nuốt chửng" bất kỳ hành tinh nào gần nó. Ví dụ, khi Mặt Trời trở thành sao khổng lồ đỏ sau vài tỷ năm nữa, nó sẽ hủy diệt sao Thủy, sao Kim và có thể cả Trái Đất. Sau khi ngôi sao mất đi khí quyển, tất cả những gì còn sót lại là phần lõi. Nó trở thành sao lùn trắng và nguội dần qua hàng tỷ năm.
Việc tìm thấy một hành tinh nguyên vẹn quay ở quỹ đạo gần quanh sao lùn trắng làm dấy lên nhiều câu hỏi về cách nó xuất hiện ở đó và sống sót qua quá trình tiến hóa của ngôi sao. Các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh này ở rất xa ngôi sao chủ và tiến lại gần hơn sau khi ngôi sao tiến hóa. Mô phỏng của họ chỉ ra khi ngôi sao trở thành sao lùn trắng, hành tinh xích lại ngày càng gần. Kết quả nghiên cứu chứng minh giả thuyết những hành tinh lớn có thể sống sót qua quá trình tiến hóa dữ dội của một ngôi sao.
"Chúng tôi cho rằng ngôi sao này chết và trở thành sao lùn trắng cách đây khoảng 6 tỷ năm, rất lâu trước khi hệ Mặt Trời hình thành", Ian Crossfield, trợ lý giáo sư vật lý và thiên văn ở Đại học Kansas, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. "Dù ngôi sao chỉ sáng bằng 1/10.000 Mặt Trời, WD 1586 b vẫn bay theo quỹ đạo ổn định. Nó sẽ ở đó để chúng ta có thể nghiên cứu sâu hơn trong nhiều năm tới".
Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA phóng vào năm 2018 và chuyên tìm kiếm hành tinh quay quanh các ngôi sao ở gần. Nhóm nghiên cứu chú ý tới WD 1586 b trong khi tra cứu dữ liệu do TESS thu thập. Để xác nhận đó là hành tinh, Crossfield sử dụng Kính viễn vọng không gian Spitzer trước khi nhiệm vụ kết thúc vào tháng 1 năm nay. Spitzer được thiết kế để quan sát bằng tia hồng ngoại và xem xét những vật thể vô hình trong dải ánh sáng khả kiến.
Các quan sát sau đó bằng kính viễn vọng trên mặt đất cũng giúp xác nhận phát hiện. Sau khi xác nhận hành tinh, nhóm nghiên cứu chạy mô phỏng để xác định nó tới gần ngôi sao chủ bằng cách nào. Nếu sao khổng lồ đỏ "nuốt chửng" hành tinh ở gần, điều này sẽ gây bất ổn cho quỹ đạo của hành tinh lớn cỡ sao Mộc ở xa hơn, khiến nó di chuyển theo quỹ đạo hình oval và tới gần sao lùn trắng theo chu kỳ. Qua thời gian, quỹ đạo ngày càng thu hẹp và tiến tới khoảng cách gần như ngày nay.
An Khang (Theo CNN)