Nhiều nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ có một hành tinh chưa được phát hiện đang di chuyển ngoài rìa hệ Mặt Trời, xa hơn Vành đai Kuiper - tập hợp các thiên thể trải rộng ngoài quỹ đạo sao Hải Vương. Dù chưa trực tiếp thấy hành tinh nào như vậy, họ cho rằng sự tồn tại của nó sẽ giải thích cho sự bất thường của các thiên thể trong Vành đai Kuiper.
HD106906 b, ngoại hành tinh thuộc hệ sao đôi cách Trái Đất 336 năm ánh sáng, có thể cung cấp manh mối về hành tinh thứ 9. Ngoại hành tinh này cách rất xa cặp sao chủ và cần tới 15.000 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Nó có khối lượng gấp 11 lần sao Mộc, hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời.
Các nhà khoa học phát hiện HD106906 b từ năm 2013 nhưng chưa thể xác định được quỹ đạo của nó. Họ không rõ nó đang quay quanh cặp sao chủ hay chỉ là một hành tinh lang thang di chuyển xa khỏi hệ sao này.
Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Astronomical hôm 10/12, các chuyên gia đã xác định được chuyển động của HD106906 b nhờ kính viễn vọng không gian Hubble. Nó có thể đã trải qua cùng quá trình khiến hành tinh thứ 9 văng ra và di chuyển ngoài rìa hệ Mặt Trời. Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn có thể xác định chuyển động của một hành tinh kỳ lạ như HD106906 b.
"HD106906 b cách rất xa cặp sao chủ và có quỹ đạo rất lệch, giống như những dự đoán về hành tinh thứ 9. Điều này đặt ra câu hỏi, những hành tinh như vậy đã hình thành và phát triển như thế nào để đạt trạng thái như ngày nay", chuyên gia Meiji Nguyen tại Đại học California, Berkeley, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết.
Nhiều điều xung quanh HD106906 b vẫn còn là bí ẩn, giống như hành tinh thứ 9. Các nhà khoa học chưa rõ tại sao chúng lại di chuyển xa sao chủ như vậy. Có thể chúng hình thành gần khu vực trung tâm hơn rồi bị văng ra, hoặc ngay từ đầu đã hình thành ở ngoài rìa, nhóm nghiên cứu nhận định.
Thu Thảo (Theo Independent)