Triển lãm trưng bày hai sắp đặt “Đi chợ” và “Chiến lũy” cùng series tranh “Ta đã ở đây”, diễn ra tại Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích, Hà Nội) cho tới hết ngày 28/7. Các sắp đặt lần này là sự mở rộng từ tác phẩm hai chiều trước đây của anh.
Năm 2011, Nguyễn Mạnh Hùng gây ấn tượng khi cho trưng bày bức tranh “Tầm sâu” tại Viện Goethe. Tranh là hình một ngôi nhà tập thể từ thời bao cấp. Tới triển lãm lần này, anh phát triển hình ảnh ngôi nhà tập thể ấy thành “Chiến lũy”- một sắp đặt với mô hình lớn choán hết chiều cao và một nửa bề rộng không gian triển lãm. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về ký ức của mình - điều khơi nguồn cảm hứng cho sáng tác này: “Vào thời khó khăn của nền kinh tế bao cấp, một căn hộ theo tiêu chuẩn được phân cho hai hoặc ba gia đình chung nhau. Các gia đình tự lo phân chia không gian sống, nhà nào dùng nhà tắm thì dành lại phần bếp cho nhà kia, rồi họ dùng chung nhà vệ sinh. Với điều kiện sống chật hẹp, các gia đình thường phải mở rộng không gian sống bằng các lồng sắt, tự trang bị máy bơm và ống nước, tự chăn nuôi gia súc gia cầm trong căn hộ để cải thiện... Những yếu tố đó làm thay đổi phần lớn cấu trúc và hình dáng khu nhà. Đời sống trong các khu nhà này không phải đời sống của của con người trong đô thị mà là trong một khu làng. Một khu làng cao tầng”.
Từ ký ức, Nguyễn Mạnh Hùng tạo nên tác phẩm “Chiến lũy” bằng rất nhiều chất liệu như gỗ, nhựa, sắt, ni lông, hệ thống đèn led, giấy bóng, bao tải gai và cát. Tác phẩm mô phỏng đúng hình ảnh một khu nhà tập thể tù túng đúng kiểu thời bao cấp ở Hà Nội. Dường như Nguyễn Mạnh Hùng đã bê nguyên xi một khu tập thể tồi tàn, ngột ngạt vào phòng triển lãm. Những lồng sắt cơi nới không gian cũ, những vật cũ kỹ như tấm bạt rách tả tơi, một vài cái cây còi cọc, những xô chậu hoen ố... Bên cạnh đó là các vật dụng thời hiện đại như bình nước Sơn Hà mới coóng, quạt thông gió của điều hòa... Tất cả hòa quyện tạo thành một khối hỗn độn, nhếch nhác.
Không chỉ mô phỏng khu nhà tập thể cũ nát với tất cả sự tỉ mỉ, khéo léo, tính toán hợp lý, Nguyễn Mạnh Hùng còn cho đặt trên nóc tòa nhà các bao tải gai. Theo nghệ sĩ, nguyên nhân có những bao tải gai đó là lịch sử Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến và người hứng chịu hậu quả là người dân. “Trong tác phẩm này, tôi sử dụng cả hai hình ảnh gắn liền với người Việt Nam là chiến lũy và khu chung cư để kết hợp thành một sắp đặt nhằm đưa ra quan điểm về chiến tranh dưới ngôn ngữ nghệ thuật”.
Bên cạnh “Chiến lũy”, trong một không gian khác của Manzi Art Space, sắp đặt “Đi chợ” vừa tạo ấn tượng mạnh về thị giác, vừa mang tới cái nhìn khôi hài về những thói quen thường nhật. Tác phẩm được làm từ gỗ, hoa quả nhựa, sắt, bông và túi ni lông. Đó là chiếc máy bay không chở bom đạn mà chở hoa quả mua ở chợ.
Mạnh Hùng ưa thích hình ảnh máy bay bởi cha của anh là một phi công lái máy bay chiến đấu. Từ nhỏ anh đã rất mê những phương tiện này, chúng đi vào sáng tác của anh một cách tự nhiên và là nguồn cảm hứng lớn tạo nên tác phẩm. Về “Đi chợ”, Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Chính kinh nghiệm sống và việc quan sát cuộc sống người Việt đã truyền cảm hứng trực tiếp cho tác phẩm của tôi. Trong 'Đi chợ', chiếc máy bay được chuyển thể thành một điêu khắc chi tiết bay vút qua tầng trệt của không gian. Vừa khôi hài, gần gũi, vừa vô hại. Chiếc chiến đấu cơ chở những túi ni lông chứa đầy hàng hóa mua từ chợ đã cấy ghép biểu tượng của sự phá hủy với những khía cạnh thể hiện niềm hy vọng, sự vị tha và sự hân hoan".
Trong khi đó, series tranh “Ta đã ở đây” lại là sự hóm hỉnh khác trong tư duy nghệ thuật của Mạnh Hùng. Nghệ sĩ mua một vài bức tranh phong cảnh bán tràn ngập ngoài phố và vẽ thêm người, vật mà anh muốn vào đó. “Ta đã ở đây” khiến người xem cảm thấy các phong cảnh núi tuyết, cánh đồng... chân thực và gần gũi hơn.
Với triển lãm “Một hành tinh”, Nguyễn Mạnh Hùng tạo nên quá khứ và hiện tại của đất nước như một hành tinh khác biệt. Hành tinh đó có những vấn đề mang tính xã hội… nhưng được thể hiện qua cái nhìn với nhiều yếu tố hài hước. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Tôi đặc biệt thích thú với những ý tưởng hài hước, buồn cười nảy sinh trong xã hội và chuyển tải chúng thành tranh, điêu khắc hoặc sắp đặt. Nhờ nghệ thuật mà tôi thấy dễ sống hơn giữa hành tinh đầy xung đột này”.
Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1976, là tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Anh từng có nhiều cuộc triển lãm cá nhân ở trong nước cũng như quốc tế. Tác phẩm của anh đã trưng bày ở Viện Goethe Hà Nội, Sàn Art TP HCM cũng như nhiều triển lãm tại các trung tâm nghệ thuật ở Hàn Quốc, Na Uy, Đức, Mỹ.
Hiền Đỗ