Tác phẩm sắp đặt lần này của Trần Đức Quỷ là một sinh vật hình hươu vô số chân và rất nhiều đầu. Trên các đầu hươu gắn gương cầu lồi tỏa ra nhiều hướng. Màu vàng cánh gián của thân hươu, sự cân đối về tỷ lệ chiều dài - chiều rộng, sự lấp lánh của những con mắt gương cầu... hòa quyện tạo thành một tác phẩm đẹp lộng lẫy.
Triển lãm "Những con mắt nguyên thủy" diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội từ 16/1 đến 15/2. Nghệ sĩ Trần Đức Quỷ chia sẻ thêm với độc giả VnExpress về tác phẩm của mình.
- Tại sao anh lại làm một sinh vật với nhiều cái đầu và nhiều chân trên một thân?
- Tác phẩm này dài 8,5 m, cao 2,65 m. Những cái đầu và vô số cái chân thực ra không có ẩn ý gì cả. Chúng chỉ có tác dụng làm cho đủ tỷ lệ thẩm mỹ thôi. Mỹ thuật phải đứng lên đầu, ý tứ chỉ là phụ.
Tôi không muốn đao to búa lớn gì cả. Tôi chỉ làm một thứ đồ chơi, cố gắng cho nó đẹp. Cái đẹp của nó tùy mọi người cảm nhận. Mà nếu nó không đẹp được thì phải chịu, vì trời chỉ cho có thế thôi.
- Anh phải mất bao nhiêu gương cầu lồi để đủ cho "những con mắt nguyên thủy"?
- Tôi mua 900 chiếc gương, nhưng không dùng hết.
- Anh có thể cho biết thông điệp của những chiếc đầu hươu nhiều kích cỡ quay theo nhiều hướng?
- Thực ra nó giống quy luật của con người thôi: Kẻ đi sau bé hơn kẻ đi trước, kẻ đi sau mắt không sáng bằng người đi trước. Cây măng mới đâm không rõ lá, rõ đốt bằng cây trước. Tôi lấy nghĩa tự nhiên để làm. Nhưng quan trọng hơn là tạo hình. Đảo ngược cái đầu hươu hay quay nó về nhiều hướng để cho tác phẩm thú vị hơn, đỡ đơn điệu hơn.
- Tại sao đầu hươu lại có con quay ngang, con nhìn thẳng?
- Tính cảnh giác của hươu rất cao. Khi có người, không bao giờ nó nhìn thẳng mà sẽ quay ngang để quan sát. Ban đầu tôi phải tới chuồng hươu. Vẽ lại nó thì khó, nên đã quay phim, chụp ảnh để về nghiên cứu dáng đi đứng của nó. Tôi quan sát, nắm cái thần của nó và bắt đầu tạo hình hươu khi cảnh giác.
- Tác phẩm rất bắt mắt, anh dùng chất liệu gì để tạo ra sinh vật này?
- Chất liệu trong mỹ thuật không quan trọng. Ví dụ tác phẩm này nếu làm bằng vàng thì sẽ xấu. Vì vàng quá quý, nó sẽ át đi chủ đề tác phẩm. Vì thế trong mỹ thuật, thứ được tạo ra không nhất thiết phải để ý nó làm bằng gì. Đôi khi chỉ bằng bùn nhưng tạo hình đẹp thì đã là có giá trị rồi. Vấn đề là nó "trúng" với ý tưởng, chủ đề. Có những cái bằng vàng mới đẹp, cũng có những cái bằng bùn mới đẹp.
- Anh có thể giải thích thêm về tên tác phẩm: "Những con mắt nguyên thủy"?
- Mới đầu tôi chỉ nghĩ làm một sinh vật có một con mắt sau gáy để nhìn phía sau, định đặt tên là "Con mắt thứ ba". Nhưng cái tên "Con mắt thứ ba" hơi thô. Dần dần thì tác phẩm thay đổi và thành ra "Những con mắt nguyên thủy".
- Anh mất bao lâu để phát triển, hoàn thiện tác phẩm này?
- Nếu bây giờ làm lại thì chỉ mất khoảng 2 - 3 tháng. Nhưng lần đầu làm, có lúc chưa ưng phải phá đi làm lại, nên mới lâu. Làm không lâu, nhưng nghĩ thì lâu. Ví dụ lúc làm một cái đầu hươu. Làm xong thấy nó ngắn nên tôi cắt đi làm lại. Hoặc có một khoảng hở trong không gian của tác phẩm, làm xong thấy khoảng ấy hơi rộng, nên tôi đẩy lùi lại. Đẩy lùi xong rồi thì rất thích, đi ngủ, nhưng sáng mai ngủ dậy, ngắm nghía thì thấy đẩy lùi lại đẹp chỗ này mà xấu chỗ kia. Lại phá. Vậy nên, lâu là lâu ở sự ngu dốt của mình thôi.
- Cái đuôi của con hươu cắm một bông hoa hồng mang ẩn ý gì, thưa nghệ sĩ?
- À, chi tiết đó để cho vui, là tôi tự thưởng cho mình ấy mà. Mỹ thuật đặt cái đẹp lên trên hết, đôi khi chẳng cần ý nghĩa cao siêu gì cả. Tôi luôn cố gắng làm ra tác phẩm thật đẹp, như là để cho khán giả có cảm giác xem một bộ phim. Giống như "Tây du ký", trẻ con xem thấy vui, người lớn xem để thấy những bài học. Tạo hình là mỹ thuật, "mỹ" phải đứng hàng đầu. Nếu cứ lấy cái nội dung, cái ý để làm tác phẩm mà quên đi phần tạo hình thì nó hóa ra kể chuyện. Tôi sợ nhất là kể chuyện trong mỹ thuật.
Với tác phẩm này cũng vậy. Tôi chỉ nghĩ mình sẽ làm một con hươu chơi thôi. Ban đầu như thế này, nhưng làm thấy không ổn, cảm giác nó phải thêm cái này, thêm cái khác, cứ thế phát triển thêm các chi tiết. Cái hay của mỹ thuật là cái đẹp và sự liên tưởng. Ví dụ có người nói cái đầu con hươu này như cái ghế, nhưng có người lại bảo trông nó như con chó; người khác lại bảo trông như đèn chùm... Mỗi người một cảm nhận thì tác phẩm mới thú vị.
- Vẽ một bức tranh còn có khả năng bán nhưng một tác phẩm sắp đặt lớn, anh có bán được không?
- Tôi có hai tác phẩm sắp đặt đã triển lãm và đều bán được. Nhưng lần thứ hai chỉ là bán bản phác thảo cho một người Australia, còn tác phẩm lần đầu là đàn vịt thì bán được cho một người Bỉ. Thực ra tôi làm cũng chẳng nghĩ đến chuyện bán. Lần đầu, khi làm bầy vịt, tôi định làm xong sẽ thuê xe chở ra xưởng của một người bạn ở gần sông Hồng để đập đi, nhưng lại có người hỏi mua. Làm cái này chỉ để chơi thôi, tôi không nghĩ là sẽ sống được bằng nghề này.
- Anh tự bỏ tiền túi ra để chơi như vậy?
- Không, lần nào tôi làm cũng có tài trợ của các quỹ văn hóa. Không phải tôi được ưu ái, ai cũng được tài trợ nếu có ý tưởng, phác thảo tốt.
Họa sĩ Trần Đức Quỷ tên thật là Trần Đức Quý, sinh năm 1973 tại Hải Dương. Anh được biết tới với series tác phẩm "Chân dung cuộc sống" thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng khi được trưng bày. "Chân dung cuộc sống 1" trưng bày đàn vịt 500 con bằng thạch cao, con nọ rúc vào con kia. "Chân dung cuộc sống 2" là đàn lợn với 36 cặp lợn song sinh, không có đầu. Chúng được làm từ da lợn thật. "Những con mắt nguyên thủy" lần này là tác phẩm thứ ba trong series "Chân dung cuộc sống". |
Lam Thu thực hiện
Ảnh: Tịch Ru