Chị cùng cơ quan với tôi. Không phải không có người ngỏ lời, nhưng trái tim chị không rung động với ai. Chị nói không thể sống với người mình không yêu dù người ta có tình cảm chăng nữa.
Sang tuổi bốn mươi, chị quyết định thụ tinh nhân tạo và sinh được một bé trai. Chị tâm sự muốn được làm mẹ. Bốn mươi đâu còn trẻ trung gì. Chị chờ đến bốn mươi vì muốn có đủ điều kiện tài chính để nuôi con một mình.
Tháng ngày bận rộn với con thơ, những nếp chân chim nơi đuôi mắt chị rõ hơn. Đổi lại, niềm hạnh phúc sáng ngời trong đôi mắt.
Lên sáu tuổi, lần đầu tiên thằng bé hỏi về người cha. Chị ở chung cư, nhà chỉ có hai mẹ con, trong khi hàng xóm đứa trẻ nào cũng có ba và mẹ. Chị không bất ngờ. Chị chờ đợi giây phút này đã lâu và biết rằng sẽ có ngày đối diện với nó. Khi chị đến bệnh viện thụ tinh nhân tạo, các bác sĩ đã tư vấn cho chị đầy đủ, kể cả việc nên giải thích ra sao với đứa con sau này về sự ra đời của nó. Chị chép lại lời khuyên của bác sĩ, thỉnh thoảng lấy ra đọc và chuẩn bị mọi tình huống.
"Thằng bé lắng nghe từng lời và cuối cùng ôm chầm lấy mẹ như nó vẫn ôm bao lần trước đó. Chỉ có điều lần này chặt hơn" - chị kể. Chị nói với con sự thật, trần trụi như nguyên mẫu cuộc sống. Thằng bé lau nước mắt trên má mẹ bằng những ngón tay, rồi cả bàn tay. Nó bảo nó tự hào về mẹ.
Giờ chị đã nghỉ hưu, thằng bé đang học lớp tám, chẳng mấy chốc mười tám tuổi. Tôi trao đổi với vị giáo sư đại học giảng dạy về khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo về tình huống của chị. Ông nhấn mạnh, về phía ông, có vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức trong hiến tặng tinh trùng.
Bạn tôi được thụ tinh bằng tinh trùng hiến tặng. Chị, con chị và có lẽ cả các bác sĩ không biết cha đứa trẻ là ai. Chị chỉ biết tinh trùng vô danh đã qua nhiều vòng kiểm tra để đạt tiêu chuẩn chất lượng và đó là điều quan trọng nhất.
Phạm trù đạo đức đối với vị giáo sư nằm ở chỗ những người hiến tặng không bao giờ biết rõ tinh trùng của họ giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có con hay cho những phụ nữ muốn nuôi con một mình. Ông sẵn sàng hiến tặng tinh trùng cho cặp vợ chồng hiếm muộn vì khi sinh ra đứa bé có cả cha lẫn mẹ. Còn nếu tinh trùng được sử dụng cho những bà mẹ đơn thân và đứa con sinh ra không có bố thì ông từ chối. Ông không muốn góp phần vào việc sinh thành những đứa bé không có cha và không được hưởng sự chăm sóc của người cha.
Ông có công bằng không khi đòi hỏi rạch ròi như thế và liệu đấy có thật sự là một khía cạnh của phạm trù đạo đức? Tôi không trả lời được. Nó tuỳ thuộc góc nhìn của mỗi người, hẳn rồi. Những người hiến tặng tinh trùng đều tự nguyện. Không có bất cứ ràng buộc nào giữa người hiến tinh trùng và người nhận cũng như những đứa bé sau này. Những người mẹ đơn thân muốn có con cũng là tự nguyện. Là phụ nữ, họ có quyền có con, nuôi con, có quyền mưu cầu và tự vun đắp hạnh phúc cho mình đồng thời thực hiện nghĩa vụ duy trì dân số quốc gia.
Cả những người hiến tặng tinh trùng và những bà mẹ đơn thân có con đều đáng quý. Tôi cảm phục đồng nghiệp của tôi. Thế nhưng vẫn có gì đó vấn vương trong ý kiến của vị giáo sư. Ông không hoàn toàn vô lý khi thấu hiểu mọi đứa trẻ sinh ra đều cần có cha và mẹ. Chúng có quyền có một gia đình, có một cuộc sống cân bằng tình cảm giữa mẹ và cha. Dù cố gắng bao nhiêu chăng nữa, các bà mẹ đơn thân cũng không thể nào thay thế vị trí, làm tròn tình cảm vẹn nguyên của một người cha đối với đứa con.
Phụ nữ ngày nay ngày càng độc lập về mọi phương diện. Họ nỗ lực đạt được sự tự chủ về tài chính, tự tin trong công việc, các mối quan hệ và cả việc có con như mong muốn. Các bà mẹ đơn thân trở nên phổ biến, được xã hội chấp nhận và bao bọc.
Số gia đình đơn thân chiếm 21% tại Anh, 12% ở Mỹ, 15,2% ở Australia. Đặc biệt, Hàn Quốc có tới 48% số hộ gia đình chỉ có một bố hoặc mẹ và con. Đến nỗi, chính phủ nước này đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ bố, mẹ đơn thân, nằm trong nhóm chính sách dành cho gia đình khuyết, như hỗ trợ chi phí nuôi con trực tiếp bằng tiền và các hoạt động giáo dục, y tế, kinh tế khác.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở thành thị đã tăng từ 6,23% năm 2004 lên 9,1% năm 2014 và tăng lên 10,1% vào năm 2019 tại Việt Nam.
Chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, xã hội Việt Nam còn nhiều người chưa sẵn sàng chấp nhận những người mẹ đơn thân, phụ nữ ly hôn hay không chồng. Đâu đó, họ vẫn phải chịu thái độ phân biệt dưới nhiều hình thức bởi bị coi là phá vỡ chuẩn mực xã hội. Ngược lại, các ông bố đơn thân thường nhận được nhiều cảm thông hơn.
Chúng ta sinh ra không ai chọn được cha mẹ, và đôi khi không gặp được người bạn đời hợp ý. Đồng nghiệp tôi đã trằn trọc nhiều đêm, đã suy nghĩ thấu đáo và cân nhắc mọi phương diện trước khi thụ tinh nhân tạo. Hạnh phúc có được là sự đánh đổi, hy sinh, tự nguyện và chấp nhận.
Tôi không cổ súy cho việc làm mẹ hay làm cha một mình ở đây. Tôi biết có những người cũng không chấp nhận việc phụ nữ xin tinh trùng làm mẹ một mình; hoặc mỗi chúng ta sẽ mãi giữ những ý kiến trái chiều của mình, và tôi cũng sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng.
Nhưng cuộc sống vốn là vậy, không thể bắt nó chỉ có hai màu trắng và đen. Những người làm mẹ hay làm cha một mình, không phải họ muốn thế một cách cực đoan, mà có lẽ bởi đó là lựa chọn vừa vặn nhất với hoàn cảnh của họ.
Hôm nay, 20/3, là ngày Quốc tế hạnh phúc. Mới hôm qua, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc ghi nhận Việt Nam thăng hạng từ vị trí 83 lên 79 trong 156 quốc gia.
Ủng hộ việc kết hôn để có con như bình thường, nhưng tôi cũng cho rằng, quan niệm về hạnh phúc trong xã hội văn minh còn gồm cả lòng nhân hậu, sự bao dung và tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người.
Hải Lý