Theo bà Phạm Vân Anh, Trưởng đội tìm kiếm hành lý thất lạc (Lost & Found) của Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS), nếu nhìn vào toàn bộ quy trình nhận - trả hành lý ký gửi của ngành hàng không hiện nay, chỉ có hai công đoạn có thể khiến hành lý của khách bị thất lạc.
Khả năng đầu tiên nằm ở khâu chuyển hành lý giữa nhiều máy bay trong những hành trình dài, bắt buộc phải chuyển tiếp (transit) tại các sân bay trung gian. Trong tình huống này, nếu thời gian nối chuyến ngắn, một phần hành lý sẽ không được chuyển hết lên máy bay thứ 2 mà nằm lại tại sân bay trung gian.
Tuy nhiên, ở khâu này, hành lý có thể chậm về với chủ nhân, chứ khả năng mất không lớn do tất cả hành lý thất lạc đều được quản lý bởi World Tracer - hệ thống tìm kiếm hành lý thất lạc toàn cầu mà hầu hết các sân bay lớn đều tham gia. Theo các nhân viên quản lý đồ ký gửi tại sân bay Nội Bài, mỗi ngày sân bay phải tiếp nhận hơn 60 chuyến bay đến, lượng hành lý ký gửi trung bình mỗi chuyến khoảng 150 kiện. Tuy nhiên, số hành lý bị chậm hoặc thất lạc trong vòng một tháng cũng chỉ khoảng 6 - 7 trường hợp.
![]() |
Mải tìm hành lý, nhiều hành khách thường bỏ qua các cảnh báo của ngành hàng không. Ảnh: N.M. |
Khả năng thất lạc thứ 2 của hành lý có thể xảy ra khi hành khách lấy đồ tại băng chuyền trả hành lý sân bay đến. Do nhiều va li, túi xách có hình dạng, màu sắc giống nhau nên hành khách vô ý lấy nhầm đồ của người khác là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Để hạn chế tình trạng này, các sân bay đều đặt nhiều bảng khuyến cáo hành khách đối chiếu số thẻ hành lý với nhãn trên va li. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của VnExpress.net, rất ít hành khách chú ý đến điều này.
Theo quy định, với các chuyến bay nội địa, nhân viên của NIAGS sẽ đối chiếu thẻ hành lý của hành khách với nhãn trên va li. Được coi là hình thức giúp hạn chế tình trạng lấy nhầm hoặc "cố tình" lấy nhầm hành lý của người khác nhưng theo các nhân viên tại đây, tình trạng "lọt lưới" vẫn có thế xảy ra.
Thực tế ghi nhận tại sân bay Nội Bài cho thấy nhân viên ở đây không thực hiện đối chiếu thẻ hành lý với tất cả hành khách. Đối với những người mang ít đồ, túi xách nhỏ hoặc nhân viên cảm thấy "an toàn", việc "soát vé" có thể được bỏ qua. Trong một số trường hợp khác, nhãn hành lý, vì một lý do nào đó, bị bong mất, việc kiểm tra cũng trở nên vô hiệu.
Việc đối chiếu thẻ hành lý không được thực hiện với các chuyến bay quốc tế. Theo giải thích của nhân viên Cảng vụ sân bay Nội Bài, với các đường bay này, hành khách có thể phải thực hiện thêm khâu kiểm tra hải quan. Hành khách đưa hành lý qua máy soi hải quan đồng nghĩa với thừa nhận đó là đồ của mình. Nếu trong hành lý có hàng hóa vi phạm quy chế an ninh, hàng quốc cấm, hành khách sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
![]() |
Nhãn hành lý có thể dính lại trên băng chuyền. Khi đó, nhân viên hàng không rất khó xác định hành khách có lấy nhầm đồ hay không. Ảnh: N.M. |
"Trước đây chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra việc kiểm tra hành lý của khách quốc tế như với các chuyến bay nội địa. Tuy nhiên, nhiều hành khách lại cho đây là thủ tục không cần thiết, không sân bay nào trên thế giới thực hiện nên chúng tôi quyết định bỏ thủ tục này" - Đội phó Đội tìm kiếm hành lý thất lạc của NIAGS cho biết.
Tuy nhiên, nếu xem xét quy trình kiểm tra hải quan, dễ nhận thấy khá năng hành lý bị lấy nhầm vẫn có thể xảy ra. Khác với các hành lý nội địa được chuyển thẳng từ máy bay lên băng chuyền, hành lý ký gửi quốc tế phải trải qua quá trình kiểm tra trong hầm ngầm an ninh trước khi chuyển sang băng chuyền trả cho hành khách.
Nếu hành lý có dấu hiệu vi phạm an ninh hoặc chứa hàng quốc cấm, nhân viên trong hầm sẽ gắn dấu hiệu bị mật để nhân viên hải quan tại cửa nhận biết. Hành khách sau khi lấy hành lý từ băng chuyền sẽ ra ngoài theo hai cửa: Cửa xanh (hàng hóa không phải kê khai hải quan, tại đây chỉ có 1 nhân viên quan sát xem hành lý có dấu hiệu bí mật hay không) và cửa đỏ (phải kê khai hải quan).
Như vậy, nếu hành khách "lấy nhầm" một va li không vi phạm an ninh, không chứa hàng quốc cấm và đi ra theo cửa xanh, va li bị lấy nhầm đó coi như lọt ra ngoài trót lọt. Khả năng nay lại rất dễ xảy ra.
Tuy nhiên, khi bình luận về vụ thất lạc hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất, bà Phạm Vân Anh cho rằng đó trường hợp này không thuộc vào cả hai khả năng nêu trên. "Việc thất lạc xảy ra sau khi hành lý đã được đưa qua máy soi hải quan tức là đã không còn thuộc sự quản lý của ngành hàng không. Trong trường hợp đó, cũng giống như bị thất lạc hành lý tại bất kỳ một địa điểm công cộng nào khác, hành khách nên báo với ban quản lý sở tại để có hướng giải quyết phù hợp".
Nhật Minh