Chủ nhật, 15/12/2024
Thứ hai, 17/6/2024, 17:33 (GMT+7)

Hành hương đến thánh địa Mecca giữa cái nóng 47 độ C

Arab Saudi1,8 triệu người Hồi giáo đổ về thánh địa Mecca từ 14/6 để thực hiện nghi lễ hành hương bất chấp nắng nóng gay gắt.

Đoàn người hành hương đổ về Mina, gần thánh địa Mecca, ngày 16/6, để thực hiện nghi thức ném đá quỷ dữ.

Nghi lễ ném đá đánh dấu những ngày cuối cùng trong lễ hành hương Hajj hàng năm của người Hồi giáo đến Mecca, Arab Saudi. Hơn 1,8 triệu người tụ tập quanh núi Arafat ngoài thánh địa Mecca thực hiện lễ hành hương năm nay.

Hajj là một trong các cuộc hành hương lớn nhất thế giới và là bổn phận tôn giáo mà người Hồi giáo trưởng thành phải thực hiện ít nhất một lần trong đời, nếu có đủ điều kiện sức khỏe và tài chính. Việc này nhằm minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo, và thể hiện lòng quy phục của họ trước Thượng đế.

Đoàn người hành hương hướng tới khu phức hợp có nhiều cây cột lớn để thực hiện nghi thức ném đá, đa số che ô, trùm khăn, bảo vệ bản thân dưới cái nắng gay gắt.

Một số người, nhất là người lớn tuổi, ngã gục trên đường vì nắng nóng. Nhiệt độ buổi trưa tăng vọt khiến nhiều người cần hỗ trợ hơn. Theo cơ quan khí tượng Arab Saudi, nhiệt độ ở Mecca ngày 16/6 lên tới 47 độ C, ở Mina là 46 độ C.

Bất chấp nắng nóng, nhiều người hành hương hân hoan vì hoàn thành ước nguyện. "Cảm ơn Đấng Allah, chuyến đi lần này vô cùng tốt đẹp", Abdel-Moaty Abu Ghoneima, người Ai Cập, nói.

Lực lượng y tế cáng một người bị sốc nhiệt đi kiểm tra sức khỏe ở Mina.

Mohammed Al-Abdulaali, phát ngôn viên Bộ Y tế Arab Saudi, cho hay chỉ trong ngày 16/6, hơn 2.760 người hành hương tới thánh địa Mecca ở nước này bị sốc nhiệt.

Arab Saudi chưa cung cấp thông tin cụ thể số người tử vong, nhưng Bộ Ngoại giao Jordan cho hay 14 công dân nước này đã thiệt mạng và 17 người mất tích do "sốc nhiệt vì nắng nóng cực đoan". Iran cũng ghi nhận 5 công dân tử vong.

Những người hành hương chìa tay nhận nước uống miễn phí ở Arafat ngày 15/6.

Hệ thống phun nước làm mát cho người hành hương ở Arafat.

Giới chức Arab Saudi đang áp dụng loạt biện pháp phòng chống sốc nhiệt như xây dựng các khu vực có điều hòa, phân phát nước, khuyến cáo người hành hương áp dụng biện pháp tự bảo vệ bản thân giữa nắng nóng.

Một người hành hương quỳ lạy trên đỉnh núi Mercy thuộc vùng đồi núi linh thiêng Arafat. Nghi thức cầu nguyện ở núi Arafat, hay còn được gọi là đồi xá tội, được coi là nghi thức cao trào của mùa hành hương. Đây là sự kiện đáng nhớ nhất đối với các tín đồ, khi họ kề vai sát cánh, cầu xin Allah thương xót, ban phước lành, thịnh vượng và an khang.

Người hành hương nghỉ ngơi ở Muzdalifah trong ngày thứ hai của mùa hành hương gần thánh địa Mecca. Họ rời núi Arafat tối 14/6 để qua đêm ở Muzdalifa, nơi người ta thu thập đá dùng cho nghi thức ném đá ma quỷ.

Người hành hương thực hiện nghi thức ném đá vào những cây cột tượng trưng cho quỷ dữ sáng 16/6. Khu vực nơi diễn ra nghi thức được che mái bạt để bảo vệ người hành hương dưới cái nắng gay gắt.

Những cây cột ném đá nằm ở Mina, nơi linh thiêng tại Mecca mà người Hồi giáo tin rằng đức tin của Ibrahim bị thử thách tại đây khi Thánh Allah ra lệnh cho ông hiến tế Ismail, con trai duy nhất. Ibrahim sẵn sàng phục lệnh nhưng cuối cùng Thánh Allah tha cho con trai ông.

Người Hồi giáo cầu nguyện xung quanh Kaaba ngày 16/6.

Nhiều người đã dành ba ngày ở Mina, chờ ném 7 viên sỏi vào ba cây cột trong nghi lễ xua đuổi ma quỷ và tội lỗi. Khi ở Mina, họ sẽ tới Mecca để thực hiện nghi thức tawaf vòng quanh đền Kaaba trong Đại Giáo đường theo hướng ngược chiều kim đồng hồ 7 lần.

Sau đó, họ sẽ thực hiện một chuyến nữa có tên Tạm biệt Tawaf, đánh đấu mùa hành hương kết thúc và chuẩn bị rời khỏi thánh địa.

Sau khi lễ Hajj kết thúc, đàn ông phải cạo đầu, thay bộ quần áo màu trắng mặc trong chuyến hành hương, còn phụ nữ cắt một lọn tóc báo hiệu sự đổi mới và tái sinh.

Đa số người hành hương sẽ rời Mecca tới Medina, thành phố cách đó 340 km, để cầu nguyện trong Lăng mộ Nhà tiên tri Muhammad. Lăng mộ nằm trong nhà thờ tiên tri, một trong ba địa điểm linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo, bên cạnh Đại giáo đường Mecca và Đại giáo đường Al Aqsa ở Jerusalem.

Ảnh: AFP/AP